Sau nhiều năm gieo “vàng trắng” trên vùng đất xứ lạnh, dẫu cây cao su chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế như kỳ vọng, song đại diện Công ty cổ phần cao su Hà Giang vẫn tin tưởng loài cây này sẽ tạo nên bước đột phá, mang lại thu nhập lớn cho người dân vùng cao.

Bước đột phá quan trọng

Những ngày giữa tháng Ba, khi miền Bắc còn “ngủ đông” trong sương lạnh, chúng tôi vượt hàng trăm cây số lên vùng cao Hà Giang và phấn khởi thấy ba giống cao su chịu lạnh (Vân Nghiên 772, Vân Nghiên 774 xuất xứ Trung Quốc và IAN 873) được trồng lại năm 2010 vẫn kiên cường vượt qua giá rét.

Trong chuyến thăm vùng cây “vàng trắng” lần này, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với cán bộ, công nhân Công ty cổ phần cao su Hà Giang khi họ đang làm lễ ra quân trồng mới hơn 300 ha giống cây cao su chịu lạnh.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Trọng Chu, Trưởng Phòng kế hoạch-kỹ thuật, Công ty cổ phần cao su Hà Giang cho biết, theo phong tục của đồng bào nơi đây, để công việc quanh năm suôn sẻ, công ty đã ra quân phát những nhát cuốc bắt đầu cho một vụ trồng cao su mới.

Theo kế hoạch thống nhất giữa tỉnh Hà Giang và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, trong năm 2014 Công ty cao su Hà Giang sẽ tiến hành trồng mới hơn 300 ha tại ba huyện vùng thấp của tỉnh là Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.

Hà Giang: Tín hiệu vui cho người dân gieo “vàng trắng”Đặc biệt, trong năm 2014 này, Công ty cổ phần cao su Hà Giang đã tiến hành trồng giống chịu lạnh IAN-873. Trước đó, khoảng 200.000 cây cao su giống cũng đã được vận chuyển từ Viện Nghiên cứu cao su về chăm sóc tại vườn ươm của công ty.

Chia sẻ về lý do chỉ chọn giống cao su IAN–873 cho vùng đất xứ lạnh này, ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty cổ phần cao su Hà Giang cho hay: Qua việc hơn 1.000 ha cây cao su trồng năm 2008 tại ba huyện vùng thấp của Hà Giang đã bị chết rét gần hết trong năm 2010, chúng tôi luôn xác định thực hiện nghiêm ngặt giống và thời vụ.

Vị Giám đốc Công ty cổ phần cao su Hà Giang bảo, chỉ vì chủ quan và nóng vội muốn mở rộng diện tích nên gần 1.000 ha cao su giống cao sản đã “hóa” thành củi khô. Thiệt hại này là quá lớn, song ông vẫn vững lòng tin vì giống cao su IAN-873 vẫn trụ lại được đến ngày hôm nay.

“Thú thực, thất bại trong năm 2010 là cái giá quá đắt, nhưng nhờ bài học đó mà chúng tôi đã tìm ra được cho Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam một loại giống chịu lạnh vô cùng tiềm năng. Đây cũng là liều thuốc đủ mạnh để chúng tôi xác định lại cách tiếp cận việc phát triển cây cao su tại Hà Giang nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung,” ông Phú tâm sự.

Cũng theo kinh nghiệm của ông Phú, một khu vực có vai trò, vị trí quan trọng và nhạy cảm như miền núi phía Bắc, giải pháp chậm và chắc luôn là phương án ưu việt nhất. Chính vì vậy, ông Phú khẳng định sẽ không bao giờ có tâm lý vội vàng chạy theo diện tích.

Đến nay, chứng kiến hơn 1.000 ha cao su của Công ty cổ phần cao su Hà Giang vẫn xanh tốt sau mùa đông giá rét, người dân vùng cao của tỉnh Hà Giang càng vững niềm tin trở lại với cây cao su. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã tự nguyện góp đất cho công ty, để được tham gia trồng “vàng trắng” với hy vọng thoát nghèo.

Trong câu chuyện với vị khách trẻ, anh Nông Văn Thức ở thôn Hạ, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình bảo, sau khi thấy cao su trồng bị chết vào năm 2010, cả làng ai cũng thấp thỏm, lo sợ. Tuy nhiên, từ khi hiểu ra vấn đề và biết công ty đã tìm được giống chịu lạnh tốt, bà con phấn khởi lắm.

Không những vậy, bà con trong làng còn góp đất làm ăn với công ty. Riêng gia đình anh Thìn đã góp 8 hécta đất. Nhiều gia đình khác trong làng cũng góp trung bình 3-5 hécta.

Cùng mang niềm vui, anh Nông Văn Thìn, công nhân chăm sóc vườn ươm Công ty cổ phần cao su Hà Giang bảo, vụ rét vừa qua thời tiết có lúc xuống đến 3-4 độ C, nhưng vườn ươm vẫn phát triển ổn định, sẵn sàng cho vụ trồng mới.

Vẫn cần chiến lược dài hơi

Cây cao su chịu lạnh đang cho thấy tín hiệu vui nhất định qua sự phát triển của nó, song hiện vẫn còn khá nhiều luồng ý kiến tranh cãi, hoài nghi của các nhà quản lý và nhà khoa học về việc phát triển cây cao su tại miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng Đông Bắc – nơi cái lạnh đã từng “bóp chết” loài cây “vàng trắng.”

Ở một góc độ nào đó thì mối lo ngại trên là hoàn toàn chính đáng, bởi việc thực hiện một chủ trương lớn trên một vùng rất rộng đòi hỏi phải có những bước đi chắc chắn, thận trọng và phù hợp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty cổ phần cao su Hà Giang, đến thời điểm này chúng ta mới tiến hành trồng thí điểm cao su ở phía Bắc và trước đó đã để các địa phương phải thử hết loại cây trồng này đến loại cây trồng khác là hơi muộn.

Thực tế trên cũng cho thấy bước đi có phần chậm chạp của những nhà nghiên cứu cao su ở Việt Nam, bởi ngay giáp các tỉnh miền núi phía Bắc của chúng ta là tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) – nơi có khí hậu tương đồng, thậm chí còn lạnh và khắc nghiệt hơn Việt Nam họ đã trồng và khai thác cao su hơn 30 năm nay.

Trong chuyến thăm các vùng trồng cao su tại khu vực Thiên Bảo thuộc huyện Malipho, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) – khu vực giáp với cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) mới đây, nhiều chuyên gia cao su của nước ta đã ngỡ ngàng khi nước bạn trồng cao su bạt ngàn, trong đó có rất nhiều vườn đã hết tuổi khai thác được người dân chặt bán để trồng đợt mới.

Tuy nhiên, dù muộn vẫn hơn không, việc phát hiện ra nước láng giềng Trung Quốc trồng được các giống cao su chịu lạnh đã hơn 30 năm đã giúp những người phát triển cây cao su tự tin hơn trong việc mở rộng diện tích cao su trên vùng đất xứ lạnh.

Với những nỗ lực và niềm tin lớn, từ năm 2011 đến nay, Công ty cổ phần cao su Hà Giang đã trồng tái canh và trồng mới tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên đạt trên 1.100 ha cao su ba giống chịu lạnh gồm IAN-873, VNg-774, VNg-772 cộng với 300 ha sẽ trồng năm 2014, nâng tổng diện tích cao su tại Hà Giang lên trên 1.400 ha.

Như vậy, theo kế hoạch giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và tỉnh Hà Giang, phấn đấu đến hết 2015 sẽ hoàn thành diện tích 2.000 ha, Công ty cổ phần cao su Hà Giang sẽ phải tiến hành trồng mới khoảng 500 ha để hoàn thành kế hoạch trong năm 2015.

Song song với đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nói chung, Công ty cổ phần cao su Hà Giang nói riêng cần phải tiếp tục nghiên cứu, tìm được giống cao su phù hợp và chọn được các tiểu vùng khí hậu thuận lợi cho chăm sóc, khai thác và vận chuyển mủ sau này.

Theo một số chuyên gia nông nghiệp, với những tỉnh nghèo tại khu vực Đông Bắc, trồng cây cao su thành công sẽ là một bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân. Đơn cử, như Công ty cổ phần cao su Hà Giang, mới chỉ trồng 1.400 ha những đã nhận hàng trăm con em địa phương vào làm công nhân và tạo việc làm thời vụ cho hơn 1.000 người dân.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, do điều kiện khí hậu tại khu vực này rất khắc nghiệt, cộng với kiến thức, kinh nghiệm về cây cao su của lãnh đạo, người dân nơi đây còn rất thiếu. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có kế hoạch nghiên cứu, đánh giá tổng thể về cây cao su ở miền Bắc để các địa phương thuộc khu vực này có hướng đi vững chắc hơn../.

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác