Lốp cao su sản xuất trong nước: Vẫn vướng đầu ra
CôngThương – Hiện giá cao su nguyên liệu vẫn đang trên đà giảm mạnh. Giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch trên thế giới vẫn tiếp tục giảm. Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo đã giảm 27% trong năm nay, đẩy giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa Singapore (SICOM) giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm.
Giá cao su nguyên liệu xuống thấp tạo thuận lợi lớn cho các DN sản xuất săm lốp cao su trong nước. Giữa năm 2013, Công ty Cao su Đà Nẵng đã tiên phong đầu tư 2.900 tỷ đồng xây dựng Nhà máy lốp radial, dự kiến sản lượng năm 2014 đạt 175.000 lốp và đến năm 2018 sẽ đạt công suất một triệu lốp/năm.
Tương tự, Công ty CP công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) đã đầu tư 3.380 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất vỏ xe tải toàn thép Casumina Radial ở Bình Dương. Theo tính toán của Casumina, khi nhà máy hoàn thành, công ty sẽ có thêm 5.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.
Ông Phạm Hồng Phú – Tổng giám đốc Casumina – cho biết, dự kiến, năm nay, xuất khẩu sẽ tăng 15% và Casumina đang hướng đến mục tiêu chiếm tới 50% lượng lốp xe xuất khẩu.
Ông Phạm Hồng Phú – Tổng giám đốc Casumina:Nhà nước cần áp giá tối thiểu với mặt hàng lốp toàn thép nhập khẩu để tránh thất thu ngân sách. Các cơ quan quản lý cần có biện pháp, xây dựng rào cản kỹ thuật để hỗ trợ các DN trong nước. Chỉ cần cạnh tranh bình đẳng là các DN Việt Nam có thể thắng được. |
Tương tự, Công ty Cao su Đà Nẵng và Công ty Cao su Sao Vàng cũng có kế hoạch tăng doanh thu từ xuất khẩu ở mức 7,4% và 6,9% (năm 2013) lên khoảng 10% trong năm nay. Hiện thị trường xuất khẩu chính của 2 DN này là Campuchia, Bangladesh, Myanmar và Angola.
Lốp xe radial sản xuất trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh được về chất lượng và giá cả so với những loại lốp radial nhập ngoại. Tuy nhiên, nhiều DN sản xuất lốp xe trong nước vẫn e ngại việc lốp nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Phú phân tích: Với sản lượng lớn và cùng loại, lốp xe Trung Quốc được nhập về khi khai với giá bằng 30% giá thành. Khi nhà vận tải trong nước mua lốp Trung Quốc để sử dụng, họ chỉ nhận được hóa đơn thanh toán bằng 30% giá trị phải trả tiền mua thực tế. Ví dụ, lốp ôtô toàn thép TBR khai báo 75USD/cái, trong khi giá xuất xưởng của sản phẩm này vào khoảng 210 USD (1.300 nhân dân tệ), số tiền thuế nộp là 28,12USD/cái. Làm phép so sánh nhỏ, nếu khai báo đúng giá trị thật thì tiền thuế phải nộp là 78,75USD/cái. Với lượng nhập khoảng 1.5 triệu lốp/năm, số tiền nộp ngân sách thất thoát ước tính khoảng hơn 75 triệu USD.
Càng khó cạnh tranh hơn khi các DN sản xuất lốp xe trong nước không có được nhiều ưu đãi như các DN Trung Quốc. Thực tế so sánh, lốp Trung Quốc đã được lợi 15% thuế nhập khẩu cộng với 10% VAT. Trong khi các DN trong nước phải nộp ngay thuế VAT đầu vào và chịu VAT đầu ra.
Việc khai dưới giá thành của các DN nhập khẩu Việt Nam đã gây thiệt hại cho chính DN trong nước. Hàng sản xuất trong nước đã đủ yêu cầu về chất lượng, giá cả cạnh tranh, thế nhưng vẫn khó tiêu thụ bởi chính những nhà nhập khẩu của Việt Nam khai gian giá thành nhằm trốn thuế.
Để có một sân chơi bình đẳng và lành mạnh, tiếp sức cho hàng Việt, việc siết chặt hơn nữa hàng nhập khẩu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại là rất cấp bách.
Nguyễn Duyên
Theo Báo Công thương
//Tin tự động cập nhật//