Tại Quảng Trị, đã và đang xảy ra hiện tượng người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác. Đâu là nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này?

Diện tích lớn cao su tại Quảng Trị bị phá bỏ: Do đâu?

Vĩnh Linh là một trong những địa phương có diện tích cao su tiểu điền lớn nhất tỉnh Quảng Trị với hơn 7.000 ha. Hầu hết diện tích này đang trong thời kỳ khai thác tuy nhiên, tại xã Vĩnh Thạch và Vĩnh Hiền hiện nay có không ít diện tích đã bị phá bỏ.

Với 0,5ha vườn cao su được trồng từ năm 1994, gia đình ông Nguyễn Ngọc Nhơn ở xã Vĩnh Thạch là một trong những hộ giàu lên từ cây cao su. Thế nhưng giờ đây, trên mảnh đất này, cây cao su đã phải chấp nhận nhường đất cho những cây trồng khác.

Ông Nguyễn Ngọc Nhơn, xã Vĩnh Thạch cho biết: “Nông dân được như hôm nay là nhờ cây cao su nhưng khí hậu ở đây quá khắc nghiệt. Trận bão vừa rồi khiến cây gãy đổ gần hết, thị trường cũng kém nên phải chuyển đổi sang cây trồng khác”.

Theo giải thích của chính quyền địa phương, việc phá bỏ cây cao su thực chất là quá trình thực hiện đề án quy hoạch lại diện tích cao su bị gãy đổ trên 70% sau cơn bão số 10 năm 2013. Theo đó xã Vĩnh Thạch có 91ha cao su sẽ được thay thế bằng những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tất nhiên một số diện tích cũng được bà con trồng lại cao su với mục đích vừa tái canh, vừa tận dụng được quỹ đất khi cây cao su chưa khép tán.

Trả lời câu hỏi: Liệu giá cả thị trường hiện nay có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng này không? ông Nguyễn Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch khẳng định: “Thực tế làm sản phẩm nông nghiệp thì chuyện giá cả không ổn định là chuyện đương nhiên từ nhiều năm nay. Giá cả thị trường không ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển đổi cây cao su, bà con vẫn tiếp tục chăm sóc để đảm bảo phát triển cây công nghiệp trên địa bàn”.

Sau đợt thiệt hại nặng từ cơn bão số 10 năm 2013, sản lượng mủ nhiều vườn cây cao su tiểu điền tại Quảng Trị bị sụt giảm, đặc biệt là giá chỉ còn 1/3 so với cùng thời điểm năm ngoái. Nhiều người đã quyết định phá cao su để trồng các loại cây ngắn khác. Đơn cử như cây khoai môn mỗi ha cũng cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên vấn đề này lại đặt ra câu hỏi về định hướng quy hoạch lâu dài của chính quyền địa phương.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh cho biết: “Về lâu dài chúng tôi sẽ quy hoạch lại vùng cao su có nguy cơ gãy đổ cao như vùng ven biển hoặc vùng nhỏ lẻ để tiến hành chuyển đổi sang một số cây trồng ngắn ngày khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Chi phí phục hồi vườn cây bị gẫy đổ sau bão là quá cao, trong khi giá mủ cao su tươi bị sụt giảm nghiêm trọng thì việc lựa chọn chuyển đổi cây trồng để đem lại thu nhập cao là quyền quyết định của chính những người nông dân. Tuy nhiên vấn đề đặt ra đối với các cấp, các ngành là làm sao để người dân yên tâm sản xuất và phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác