Ồ ạt phá vườn cao su ở Tây Nguyên
Còn nhớ thời điểm 2006-2007, người dân đổ tiền ồ ạt trồng cao su mà không quan tâm đến chất lượng cây giống, điều kiện thổ nhưỡng, nhiều người mua cả giống trôi nổi về trồng để đến nay ngậm quả đắng…
Anh Phạm Văn Mạnh, xã Ia Phìn, huyện (Chư Prông, Gia Lai), là một trong những người như vậy. Mạnh lý giải việc phá bỏ cao su: “Gia đình tôi trồng được 5ha đã được 8 năm tuổi. Trước mắt, tôi tiến hành phá bỏ 3ha cao su chuyển sang trồng cà phê vì khai thác không có mủ, cây bệnh nhiều. Để 2ha còn lại sang năm phá tiếp vì hiện chưa có tiền thuê nhân công”.
Gần vườn cây nhà anh Mạnh, gia đình chị Nguyễn Thị Huệ cũng đang thuê người chặt cành, ngọn 3 ha cao su 8 năm tuổi. Không chọn cách phá trắng như anh Mạnh, chị Huệ tận dụng thân cây làm trụ trồng hồ tiêu. “Tận dụng thân cây cao su để trồng hồ tiêu, nhờ thế tiết kiệm được một khoản tiền mua trụ tiêu. Chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng thấy có một số người dân đã trồng theo cách này nên làm theo”- chị Huệ nói.
Theo ông Trần Văn Duân- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, việc chặt bỏ cây cao su bắt đầu diễn ra từ năm 2013, nhưng đến thời điểm này thì rầm rộ hơn. Diện tích cao su của xã có đến 110ha. Hộ thấp cũng có trên 1ha, còn đa số từ 3-5 ha trở lên. Ngần ấy cao su đã bị phá bỏ, thiệt hại chắc chắn không nhỏ.
Không chỉ huyện Chư Prông, một số địa bàn khác như Ia Grai, Đăk Đoa cũng xuất hiện tình trạng người dân chặt bỏ cây cao su để tiến hành chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Tình trạng này cũng xuất hiện khá nhiều tại tỉnh Kon Tum như một số địa phương thuộc Sa Thầy, Đăk Hà. Chỉ tính riêng địa bàn xã Sa Nhơn (Sa Thầy, Kon Tum) đã có gần 20ha cao su bị người dân đốn hạ, trong đó có cả một số diện tích mới bắt đầu vào kỳ thu hoạch.
– Theo Dân Việt
//Tin tự động cập nhật//