Đó là thông điệp của Chủ tịch Hiệp hội Cao su VN, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận. Tại Hội nghị bàn về tình hình phát triển cao su hiện nay, tổ chức ngày 11/7, do Bộ NN&PTNT chủ trì, ông Trần Ngọc Thuận đã có bài phát biểu quan trọng về quy hoạch trồng cao su, dự báo thị trường, hiệu quả của cây cao su… nhất là về việc người dân chặt cao su chuyển đổi cây trồng gần đây.

Về việc vượt quy hoạch trồng cao su, TGĐ cho rằng thật ra không phải vượt mà là do người dân trồng tự phát, trồng không đúng quy hoạch. Đối với VRG, quy hoạch 500.000 ha nhưng đến nay diện tích mới chỉ đạt 297.000 ha trong nước, đối với các vùng miền VRG vẫn chưa đạt quy hoạch. Do lợi ích và hiệu quả của cây cao su trong từng giai đoạn nên người dân trồng tự phát, kiểm soát rất khó. Việc người dân chặt cao su vừa qua không phải là mới, đã diễn ra nhiều lần. Bởi vậy chủ trương quy hoạch 800.000 ha cao su là đúng đắn, nên giữ lại nhưng cần điều chỉnh giữa các vùng miền. Đối với VRG, VRG xin điều chỉnh lại quy hoạch là 420.000 ha với chủ trương ổn định diện tích trong nước và để đạt năng suất, hiệu quả.

“Sản xuất cao su vẫn có lãi, bà con nông dân nên bình tĩnh, đừng vội vã chuyển đổi cây trồng”

Về dự báo tình hình giá cao su sắp tới, TGĐ cho biết, có 3 kịch bản được đưa ra là giá tốt ở mức 2.500 USD/tấn, giá vừa 2.000 USD/tấn và kịch bản xấu là 1.500 USD/tấn. Khả năng giá ở mức 2.000 USD/tấn trong vòng 3 năm tới là có cơ sở. Tuy nhiên tính theo chiều hướng thấp nhất để an toàn, để chủ động hạ giá thành sản phẩm. Đối với VRG, ở mức giá 42 triệu đồng/tấn vẫn có lãi từ 3-5 triệu đồng/tấn. Trong 38 triệu đồng giá thành thì chiếm ½ là tiền lương công nhân, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Điều đó cho thấy hiệu quả của cây cao su là hiệu quả hỗn hợp.

“Ngoài ra, khi thanh lý cây cao su sẽ thu được giá trị lớn, khoảng 200 triệu đồng/ha. Bởi vậy đừng bi quan trong tình hình hiện nay. Với mức giá bán hiện tại, ngành cao su vẫn có lãi, bà con nông dân nên hết sức bình tĩnh, đừng vội vã chuyển đổi cây trồng. Biện pháp hiện nay là phải quản lý thế nào, phải xác định mức giá bán thấp nhất để hạ tối đa giá thành, chi phí quản lý”, TGĐ gửi thông điệp.

Những năm trước giá bán cao, nhiều bà con nông dân mạnh dạn vay ngân hàng mua lại nhiều diện tích cao su với kỳ vọng lớn, đến nay giá thấp, thu lợi từ cao su không thể trả lãi vay ngân hàng, dẫn đến lỗ. Ngoài ra, TGĐ còn đưa ra các nguyên nhân khiến người dân chặt cao su như trước đây khai thác sớm giờ cây không cho mủ, không hiệu quả; Đầu tư vào những vùng đất thổ nhưỡng không phù hợp; Tốc độ trồng nhanh, giống không phù hợp, diện tích không ổn định, chất lượng thấp. “Những diện tích này bà con nên chuyển đổi cây trồng, quan điểm của tôi là cây nào không hiệu quả thì chặt, cây nào hiệu quả thì trồng. Mặc dù là người làm cao su nhưng tôi có thể nói, cao su không phải là cây trồng số một, chỉ là loại cây ổn định lâu dài”, TGĐ thẳng thắn.

Về vai trò của VRG với cao su cả nước, TGĐ cho rằng VRG đã làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng các thành phần trồng cao su khác, nhất là cao su tiểu điền. Tuy nhiên VRG cũng chỉ là một doanh nghiệp Nhà nước, có nhiệm vụ SXKD theo luật doanh nghiệp, quy định Nhà nước. Vừa qua ngành cao su có thuận lợi là được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nhất là việc công nhận cây cao su là cây đa mục đích, nhờ đó cao su có điều kiện phát triển tốt hơn. Nhìn chung cần thực hiện đúng chủ trương quy hoạch phát triển cao su. Và biện pháp hiện nay là thắt chặt đầu tư, giảm giá thành.

TGĐ Trần Ngọc Thuận cũng đưa ra các kiến nghị và giải pháp trong tình hình hiện nay.Về thuế, đề nghị giảm thuế xuất khẩu còn 0% để tạo động lực, tâm lý tốt cho người làm cao su và không kê khai thuế VAT đối với doanh nghiệp thương mại, xuất khẩu cao su; Có cơ chế vay vốn ưu đãi đối với người trồng, kinh doanh cao su; Đề nghị Chính phủ cho phép tạm trữ cao su nếu giá dưới 1.500 USD; Có chính sách đẩy mạnh ngành công nghiệp cao su; Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, về thị trường và mời gọi đầu tư; Tăng cường công tác quản lý cao su cả nước, nâng cao uy tín, chất lượng cao su VN; Thường xuyên có thông tin kịp thời về giá cả, tiêu thụ, dự báo trong tình hình hiện nay. VRG và Hiệp hội CSVN sẽ cung cấp số liệu thường xuyên cho các sở, ngành, cơ quan thông tin đại chúng; Kết hợp các chương trình nông thôn mới vào dự án phát triển cao su.

Với giải pháp của Tập đoàn, về kỹ thuật, đề xuất kéo dài thời gian KTCB, giúp duy trì vườn cây tốt, vừa giúp giảm sản lượng nguồn cung. Đây cũng là cơ hội tái canh vườn cây, VRG sẽ cung cấp các bộ giống tốt, phù hợp, năng suất cao nhất cho bà con. Áp dụng các chế độ cạo, chuyển sang cạo d4, giúp chi phí lao động giảm nhưng năng suất không giảm. Về cơ cấu sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cho phù hợp, giảm mủ 3L, tăng cường mủ ly tâm, RSS, mủ 10, 20. Hỗ trợ một số địa phương chẩn đoán dinh dưỡng để tư vấn bón phân phù hợp, đạt hiệu quả cao, sau đó sẽ phổ biến cho bà con nông dân. Ngoài ra là tăng cường, đẩy mạnh thu mua cao su tiểu điền.

N.K (ghi)

Trước đó, ngày 1/7, tại buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tại các huyện Hớn Quản, Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, ĐBQH, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cũng trả lời ý kiến của cử tri xung quanh tình hình cao su hiện nay.

Trả lời ý kiến cử tri về việc giá cao su xuống thấp như hiện nay có phải do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và ảnh hưởng của tình hình biển Đông nên Trung Quốc không mua cao su, khiến giá xuống thấp. TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho biết, giá cao su giảm là do quy luật cung cầu của thị trường chứ không chỉ phạm vi tình hình hiện nay với Trung Quốc. “Sản lượng cao su của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 9% sản lượng của thế giới nên giá cao su do thị trường thế giới quyết định”, TGĐ nhấn mạnh.

Ông Thuận cho biết thêm, sản lượng xuất khẩu cao su của Tập đoàn sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 30% sản lượng. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, VRG còn xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới nên việc biến động của thị trường này không gây khó khăn đến Tập đoàn. Ngoài ra, ông Thuận còn khẳng định lại, giá bán cao su của Tập đoàn tương đương với giá thế giới, thậm chí một vài chủng loại giá còn tốt hơn, chứ không hề thấp hơn giá thế giới như một số nguồn tin.

Theo ông Thuận, với diện tích vườn cây đang khai thác, sức cây trẻ, năng suất và sản lượng cao thì bà con tiểu điền không nên chặt bỏ. Để vượt qua khó khăn, bà con tiểu điền nên cân đối lại chi phí, hạn chế suất đầu tư, lấy công làm lời thì làm cao su vẫn có lợi nhuận. “Có thời điểm, giá bán khoảng 39 đến 40 triệu đồng/tấn thì theo tôi, sản xuất cao su tiểu điền vẫn có lãi. Nông dân tiểu điền lấy công làm lời, chi phí quản lý thấp, suất đầu tư không lớn so với doanh nghiệp. Trong khi, với giá bán đó, doanh nghiệp tốn chi phí quản lý và đầu tư lớn vẫn có lãi 3 đến 5 triệu đồng/tấn”, ông Thuận cho biết.

Bình Nguyên

Theo Tạp chí Cao su Việt Nam

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác