Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum là đơn vị điểm trong việc áp dụng các biện pháp trong phun phòng trị bệnh phấn trắng đạt hiệu quả cao, từ đó dẫn đến năng suất vườn cây tăng. Trang Kỹ thuật cao su xin giới thiệu kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng của công ty để các đơn vị tham khảo.

Đặc điểm tình hình vườn cây, điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến diễn biến bệnh phấn trắng gây hại qua các năm

Tổng diện tích cao su thu hoạch mủ của công ty 9.078 ha, giống PB235 chiếm đến 8.486 ha (94%). Vườn cây thường rụng lá tập trung trong tháng 1 và ra lá tập trung trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 (thường trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán). Điều kiện thời tiết trong khoảng thời gian này phù hợp cho bệnh phấn trắng phát sinh, phát triển và gây hại mạnh: Đêm lạnh, sáng âm u, sương mù.

Những năm gần đây do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến tình hình bệnh hại trên vườn cây cao su của công ty, nhất là bệnh phấn trắng. Bệnh gây hại làm rụng lá nhiều lần, làm cho vườn cây trơ trụi, xơ xác, kéo dài thời gian nghỉ cạo dẫn tới năng suất sản lượng thấp.

Số liệu thống kê từ năm 2009 đến nay, hầu như năm nào vườn cây của công ty cũng bị bệnh phấn trắng gây hại với mức độ nặng nhẹ khác nhau, các năm gần đây, diễn biến bệnh hại ngày càng phức tạp và mức độ bệnh hại có xu hướng ngày càng tăng.

Như năm 2012: Diện tích vườn cây công ty bị bệnh hại ở mức độ rất nặng (cấp 4-5) trên 6.000 ha, mức độ trung bình và nhẹ trên 3.000 ha. Bệnh gây rụng lá hàng loạt trên những diện tích bị nặng, lá ra lại đợt 2 vẫn tiếp tục bị nấm bệnh tấn công. Những diện tích bị nhẹ thì trên mặt lá vẫn tồn tại rất nhiều vết đốm bệnh. Bệnh tập trung nhiều ở khu vực phía Nam, gồm các NT: Hòa Bình, Tân Hưng, YaChim và một số diện tích ở khu vực phía Bắc gồm các đơn vị: Đăk Hring, Ngọc Wang, PleiKần, Tân Cảnh. Một số diện tích của NT Hòa Bình, Tân Hưng do di chứng của bệnh phấn trắng các năm trước gây khô ngọn, khô cành, lá không ra được nên người dân đã phải nghỉ cạo, những diện tích được cạo thì năng suất rất thấp. Những diện tích bị bệnh nặng kéo dài qua nhiều năm hiện công ty đã phải tiến hành thanh lý tái canh trước tuổi. Công ty đã phải điều chỉnh giảm sản lượng trên 1.000 tấn cho hầu hết các diện tích bị bệnh phấn trắng gây hại.

Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum

Phun thuốc trình diễn trị bệnh phấn trắng tại Công ty. Ảnh: Văn Vĩnh

Năm 2013, mặc dù đã có kế hoạch phun phòng trị trên những diện tích trọng điểm về sản lượng và những vùng thường xuyên bị nấm bệnh phấn trắng gây hại. Tuy nhiên, chỉ hơn 1.250 ha phun phòng trị bệnh kịp thời nên hiệu quả. Số diện tích còn lại nấm bệnh gây hại rất nặng (cấp 4 -5). Sau thời điểm 20/2/2013 – khi TGĐ công ty chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định tập trung huy động toàn bộ vật tư, nhân lực, con người vào công tác phòng trị phấn trắng thì toàn bộ diện tích vườn cây đã được ngăn chặn dịch phấn trắng gây hại. Vườn cây ra lá đợt 2 với tán lá xanh tốt, năng suất sản lượng đạt cao.

Năm 2014, rút kinh nghiệm của các năm trước, công ty chủ động phun phòng sớm, ngay từ 28/1/2014 những vườn cây rụng lá sớm và lá nhú chân chim đã được phun, diện tích phun tập trung chủ yếu vào đầu tháng 2/2014. Tính đến hết tháng 2 hầu hết các diện tích đã được phun phòng 2 đợt. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết bất thuận, nắng nóng kéo dài, thời tiết có sương mù vào sáng sớm kết hợp với nhiệt độ thấp, vườn cây ra lá không đều nên nhiều vườn cây nấm bệnh phấn trắng vẫn tiếp tục tấn công và gây hại trên toàn bộ diện tích vườn cây (có nhiều vườn bộ lá đã tương đối ổn định nhưng vẫn bị nấm bệnh gây hại). Công ty tiếp tục cho phun phòng đợt 3, có những diện tích phải phun phòng đợt 4. Do đã có sự chủ động trong công tác phòng chống bệnh phấn trắng gây hại nên hầu hết diện tích đã được khống chế, giảm thiểu diện tích bị nấm bệnh phá hoại. Tuy vậy, có những diện tích không phun được do đặc thù địa hình quá dốc, phương tiện phun không di chuyển được hoặc những khu vực sát vườn cao su tư nhân không được phun vẫn bị nấm bệnh gây hại ở mức độ nặng và rất nặng (cấp 3-5). Qua thống kê diện tích phun không kịp thời và diện tích không phun được bị phấn trắng gây hại khoảng 500 ha (trừ diện tích NT Thanh Trung và Sa Sơn không đưa vào kế hoạch phòng trị).

Tính cấp thiết phải phun phòng trị bệnh phấn trắng

Qua số liệu thống kê từ năm 2009 đến nay về tình hình bệnh phấn trắng (BPT) gây hại cho thấy, không năm nào vườn cây không bị rụng lá do sự gây hại của BPT. Năm nhẹ thì rụng lá một đợt, năm nặng thì gây rụng lá 2 – 3 đợt, vườn cây đưa vào cạo muộn từ 15 ngày –3 tháng. Bộ lá ra sau kích thước nhỏ, yếu ảnh hưởng đến khả năng cho mủ của vườn cây.

Thực tế cho thấy, trong khoảng 3 năm trở lại đây, những vườn cây của công ty được phun phòng trị phấn trắng so với những vườn cây nằm ở địa hình khó khăn không phun được hay những vườn cây của tư nhân không được phun, thì hầu hết diện tích được phun đã giữ được bộ lá, vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất sản lượng không ngừng gia tăng.

Trước đây, việc phun phòng trị BPT đã được tiến hành thử nghiệm ở một số đơn vị trong công ty bằng máy phun cao áp nhưng chưa có hệ thống vòi, béc phun phù hợp. Chủ yếu lấy vòi máy rửa xe và buộc vào cần gỗ hoặc le để đưa lên cao đến tán lá, hiệu quả phun đạt thấp, chi phí nhân công phun cao, khi phun thường xuyên phải có từ 2 – 3 người ngồi phía sau để cầm sào phun, tốn sức lao động, độc hại do thuốc rơi trực tiếp trên người, vườn cây được phun không đều.

Hội nghị giao ban kỹ thuật nông nghiệp Tập đoàn lần thứ 2 đã giới thiệu máy phun tầm cao phun phòng trị BPT, chỉ đạo các đơn vị quan tâm đến việc phòng trị BPT, khẳng định nếu có máy phun tầm cao tốt có thể khống chế được bệnh. Cùng thời điểm đó các loại máy phun tầm cao cũng xuất hiện trên địa bàn, là điều kiện tốt để công ty áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc phòng trị BPT.

Chính vì vậy, đối với khu vực Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, khi diễn biến thời tiết ngày càng bất thuận với cây cao su nhất là BPT gây hại trong mùa cao su thay lá thì việc phun phòng trị bệnh mang tính cấp thiết.

Hiệu quả công tác phòng trị BPT trên vườn cây kinh doanh của công ty trong năm 2013 – 2014

Công tác phòng trị bệnh 2013

Qua thời gian thực hiện phun phòng trị BPT trong 2 năm 2013 và 2014, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã thu được một số kết quả như sau: Năm 2013, công tác phun phòng trị phấn trắng được chia thành 2 giai đoạn theo thời gian và cách thức tổ chức, kết quả khác nhau.

+ Giai đoạn 1:

Thời gian các đơn vị bắt đầu triển khai phun phòng trị bệnh phấn trắng từ ngày 1/1/2013 đến ngày 19/2/2013 (ngày mồng 9 Tết). Đây là mốc thời gian công ty đánh giá những diện tích đã phun có hiệu quả hay không hiệu quả.

Theo kế hoạch ban đầu, diện tích phun phòng trị BPT của công ty là 2.400 ha. Công ty chỉ xác định phun phòng trị những diện tích bị bệnh gây hại nặng trong năm 2012 và một số diện tích năng suất > 2 tấn /ha. Diện tích phun phân qua lá: 3.200 ha.

(Còn tiếp)

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác