Quy hoạch hợp lý để phát triển cây cao su bền vững
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ có 800.000ha cao su nhưng tính đến giữa năm 2014, tổng diện tích cao su cả nước đạt 955.600ha, vượt hơn 115.600ha so với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ ký năm 2009.
Theo số liệu báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong thời gian từ 2009 -2013 diện tích cao su phát triển nhanh nhất. Đến năm 2013, diện tích cao su của các vùng/diện tích quy hoạch như sau: Vùng Tây Bắc: 25,7 nghìn ha/50 nghìn ha, vùng Bắc Trung bộ: 78,2/80 nghìn ha, vùng Duyên hải miền Trung: 16,8/40 nghìn ha, vùng Tây Nguyên: 265,8/280 nghìn ha, vùng Đông Nam bộ: 537/390 nghìn ha. Như vậy, diện tích cao su vượt so quy hoạch chủ yếu tập trung tại Đông Nam bộ là vùng sản xuất cao su truyền thống của nước ta, có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp cho phát triển cao su.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần thiết phải quy hoạch lại diện tích cây cao su ở khu vực này để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Theo đề xuất của Cục Trồng trọt, hiện nay, vùng cần tập trung rà soát quy hoạch phát triển cao su, điều chỉnh quy mô sản xuất, tăng cường thông tin tuyên truyền thị trường, dự báo, giải pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Ngoài ra, còn cần các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ tín dụng ưu đãi để người dân có vốn chăm sóc cao su, về giá thuê đất…
Diện tích tăng, giá giảm
Vùng Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh, thành phố là: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Vùng có diện tích tự nhiên 23.605 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước. Các vùng đất bazalt khá màu mỡ chiếm tới 40% diện tích của vùng, nối tiếp với miền đất bazalt của Nam Tây Nguyên và cực Nam Trung bộ. Đất xám bạc màu (phù sa cổ) chiếm tỉ lệ nhỏ hơn chút ít, phân bố thành vùng lớn ở các tỉnh Tây Ninh và Bình Dương. Đất phù sa cổ tuy nghèo dinh dưỡng hơn đất basalt, nhưng thoát nước tốt. Nhờ có khí hậu cận xích đạo, đất đai màu mỡ và mạng lưới thủy lợi được cải thiện, Đông Nam bộ có tiềm năng to lớn để phát triển các cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là cây cao su trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu cao su rớt và xuống thấp kỷ lục đã khiến cho nông dân vùng Đông Nam bộ cùng một số khu vực khác đang trồng cao su đốn hạ vườn cao su, kể cả những cây đang cho mủ vì thua lỗ vì không còn khả năng cầm cự. Hiện, giá mủ cao su sơ chế chỉ khoảng 37- 39 triệu đồng/tấn, mủ nước tươi nông dân bán tại vườn chỉ 9.000 -15.000 đồng/kg, trong khi 2 năm trước giá là 45.000 đồng/kg.
Chỉ cách đây vài năm, cao su được gọi là “vàng trắng”. Giá cao su xuất khẩu từ 1.677 USD/tấn năm 2009 đã tăng đột biến, đạt đỉnh 4.562 USD/tấn trong tháng 2/2011, riêng chủng loại SVR3L đạt 5.704 USD/tấn. Thế nhưng, từ năm 2012 đến nay, giá cao su xuất khẩu giảm liên tục do cung vượt cầu, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Trong tháng 6/2014, giá cao su xuất khẩu chỉ đạt 1.850 USD/tấn, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm 65% so với giá đỉnh tháng 2/2011.
Theo nhiều chuyên gia, cao su rớt giá là do cung vượt cầu. Trung tuần tháng 7/2014, Cục Trồng trọt đã báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về tình hình phát triển và chặt phá cây cao su. Theo Cục Trồng trọt, tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2014, diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi trên cả nước vào khoảng 3.300ha, chủ yếu diễn ra ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và tập trung nhiều ở diện tích cao su tiểu điền.
Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, một trong các địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ, cho biết, tính đến tháng 6/2014, có 218 ha cao su non bị người dân chặt do trồng trên vùng đất không phù hợp trong giai đoạn phát triển “nóng” trước đây và diện tích cao su già phải thanh lý là 1.530 ha. Theo thống kê, diện tích trồng cao su trên đất không hiệu quả (đất thấp, đất ruộng) của tỉnh là trên 5.000 ha.
Kiên trì mục tiêu “không chạy theo diện tích”
Theo dự báo, ngành cao su sẽ tiếp tục dư thừa trong 2 năm tới. Cụ thể, thế giới sẽ thừa hơn 650.000 tấn cao su trong năm nay, do đó, áp lực đầu ra của cao su sẽ căng thẳng hơn khi Việt Nam tiếp tục có thêm khoảng 400.000ha cao su đến tuổi đưa vào khai thác.
Trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp nhất trong vòng 3 – 4 năm trở lại đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chính thức yêu cầu không tiếp tục mở rộng diện tích cao su trồng mới, đồng thời, có chế độ cạo mủ thích hợp, giảm chi phí nhân công.
Nhằm ổn định sản xuất cao su, Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương trồng cao su trong cả nước nói chung và khu vực Đông Nam bộ nói riêng cần tăng cường thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá cao su trên thế giới và trong nước về trung hạn và dài hạn cho nông dân biết. Với cao su đã hết tuổi khai thác, có thể cho nông dân chặt lấy gỗ bán. Các vườn cao su nằm ngoài vùng quy hoạch, nếu vườn sinh trưởng kém, không đồng đều có thể chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về giải pháp kỹ thuật đối với cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản, có thể khuyến cáo nông dân giảm đầu tư phân bón, hoặc trồng xen cây khác để tăng thu nhập.
Đồng thời, trong điều kiện giá mủ cao su không có lợi cho người sản xuất như hiện nay, Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các tỉnh không tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong cạo mủ để giảm giá thành. Đối với những vườn cao su ở thời kỳ đang kinh doanh, có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ D2, tức 2 ngày cạo mủ 1 lần sang D3, D4, tức cách 3 – 4 ngày cạo mủ 1 lần, để giảm chi phí nhân công. Đối với những diện tích cao su đã đến giai đoạn khai thác, Cục Trồng trọt khuyến cáo chưa tiến hành mở miệng cạo. Còn những vườn cao su lớn tuổi, có thể thanh lý, bán lấy gỗ để chuẩn bị cho trồng tái canh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, ngành nông nghiệp sẽ kiên trì mục tiêu phát triển ngành cao su trên cơ sở tái cơ cấu, gia tăng giá trị, không chạy theo diện tích, tập trung vào nâng cao hiệu quả và tính bền vững của ngành. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét có gói tín dụng ưu tiên cho cao su tiểu điền, đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp trên cây cao su…
Ngoài ra, trong năm 2014, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát toàn bộ quy hoạch phát triển cao su, đánh giá cụ thể tình hình phát triển của loại cây trồng này để có hướng phát triển phù hợp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành cao su là một ngành quan trọng, có vị trí lớn trong ngành nông nghiệp với diện tích gần 1 triệu ha, trong đó ½ là cao su tiểu điền. Ngành cao su không những có ảnh hưởng chung đối với ngành nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống bà con nông dân.
Vì vậy, cần đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đánh giá lại diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Trên cơ sở đó cần nhìn nhận lại quá trình trồng trọt để đề xuất những giải pháp quản lý kỹ thuật, thâm canh có hiệu quả. Đồng thời bàn những giải pháp khắc phục khó khăn trước mắt cũng như lâu dài đối phó với diễn biến thị trường. Qua đó cũng bàn đến giải pháp tổ chức sản xuất hiệu quả, từ doanh nghiệp đến bà con nông dân. Bên cạnh đó, cũng phải tập trung vào các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cao su, trong đó có lưu tâm tới cách trồng, chăm sóc, khai thác cao su phù hợp trong tình hình hiện nay.
Về các giải pháp lâu dài, Bộ trưởng đề nghị, cần kiên trì phát triển cao su bền vững trên cơ sở tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả. Kiên trì mục tiêu “không chạy theo diện tích”. Từ nay, phải tập trung cao độ nâng cao tính bền vững, hiệu quả. Làm tốt việc trồng trọt để năng suất cao hơn, chi phí ít hơn. Ngoài ra, cần chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất cao su.
Theo Đảng Cộng Sản
//Tin tự động cập nhật//