Giá mủ thấp, tiểu điền vẫn gắn bó với vườn cây
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông phản ảnh tình trạng người dân “ào ạt chặt bỏ cây cao su do giá mủ bán thấp”. Nhưng thực tế có diễn ra đúng như vậy hay không, hay chỉ là sự “ngộ nhận”?
Chuyển đổi do cây sinh trưởng kém
Trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh (ngày 10/7) về tình hình cây cao su, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã có 5.000 ha đất ruộng trên địa bàn tỉnh đã được nông dân phá bỏ để trồng cao su trong thời điểm giá mủ cao su được giá, “sôi động” nhất là vào các năm 2009 – 2011.
Theo ông Nguyễn Văn Quản – Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh), do đất lúa mực thủy cấp (nước ngầm) thấp, không đạt theo yêu cầu tối thiểu qui định là từ 1,5 mét trở lên. Do vậy, trồng cao su ở những khu vực này cây dễ ngã đổ, rễ không ăn sâu khiến cây sinh trưởng kém, khi đưa vào khai thác thì năng suất, chất lượng thấp.
Chúng tôi đến xã Thạnh Đông (huyện Tân Châu), nơi có khá nhiều nông dân trước đây phá lúa trồng cao su, nay lại phá cao su để trồng mì. Theo hướng dẫn của một cán bộ nông hội xã, chúng tôi tiếp xúc với ông Lê Văn Chắc – người vừa đốn bỏ 1,5 ha cao su hai năm tuổi để chuyển đổi cây trồng. Ông Chắc thừa nhận, việc đốn bỏ cao su của gia đình xuất phát từ 2 lý do chính. Một là do cây bị bệnh vàng lá điều trị không hết và phần nữa thấy giá mủ cũng thấp không biết tương lai thế nào. Trong khi đó trồng 1 ha mì, sau 11 tháng cho năng suất 30 tấn, bán giá 2.000 đồng/ kg (hơn 30% tinh bột), thu nhập 60 triệu, trừ đi chi phí 50 % cũng còn lãi 30 triệu.
Trường hợp như hộ ông Mai Công Nghiệp, xã Thạnh Tân (TP.Tây Ninh) trồng 2 ha cao su trên đất rẫy mới khai thác được 3 năm nay, do năng suất thấp chưa đến 1 tấn/ ha, thu nhập chỉ đủ trả tiền công cạo, trong khi trồng cây mãng cầu đang có hiệu quả, 1 ha sau 3 năm thu nhập đến 300 triệu/ha. “Tui có lãi là năm 2012, sang năm 2013 thì giá mủ bắt đầu thấp nên thu nhập đủ ăn, năm nay không chịu nổi nên phải phá đi, bán gỗ cao su được 28 triệu/ha, sau đó trồng mãng cầu”. Nói về nguyên nhân năng suất mủ thấp, ông Nghiệp giải thích có thể một phần do giống, phần khác do trồng trên đất rẫy không thích hợp.“Năm đầu tui trồng cao su tốn chừng 20 triệu đồng gồm tiền giống, phân tro, công lao động, năm thứ 2 có ít hơn nhưng cũng mất phân nửa, nhưng phải đầu tư thêm vài năm nữa mới khai thác. Vì vậy, phá đi chấp nhận mất mấy chục triệu nhưng có đất canh tác sinh lợi ngay”, ông Chắc nói.
Vẫn giữ vườn cây dù rớt giá
Theo ông Hoàng Văn Tân – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), năm 2014 toàn huyện trồng mới 1.000 ha cao su. “Cho đến thời điểm này, mặc dù giá giảm mạnh nhưng hầu hết nông dân vẫn bám vườn cây, tận thu các loại mủ và tìm nhiều biện pháp để thu lợi nhuận tối đa”, ông Tân cho biết.
Một trong những biện pháp người dân đang thực hiện, thay vì thuê người cạo như trước đây vẫn làm, nay chủ vườn đi học cạo mủ và về tự khai thác vườn cây của mình. Bà Nguyễn Thị Thinh, ở ấp 1, xã Minh Tâm (huyện Hớn Quản) cho biết: “Giá bán giảm, trong khi mọi chi phí vật tư trang bị trên vườn cây, phân bón, tiền nhân công không giảm mà còn tăng. Tình hình này, tôi phải đi học nghề cạo mủ về tự cạo vườn nhà. Tiền thuê công cạo như mọi năm sẽ được cắt giảm để bù đắp phần rớt giá. Tính ra gia đình vẫn thu lời từ cây cao su”.
Thay đổi chế độ cạo cũng được nhiều người dân áp dụng trong mùa thu hoạch mới năm nay. Ông Nguyễn Văn Thám, có 4,7 ha cao su khai thác, ở ấp 1, xã Đồng Tâm (huyện Đồng Phú), cho biết đã từng thuê đất trồng cây ngắn, trồng điều, hồ tiêu, nhưng thấy thu nhập từ cây cao su vẫn ổn định và cao hơn cả. “Hiện giá mủ thấp, nhiều người ngần ngại đầu tư, chăm sóc vườn cây. Nhưng tôi thấy thu nhập từ cây cao su vẫn có lợi nhuận nên bón phân bình thường như mọi năm. Chỉ khác mùa thu hoạch năm nay, tôi thay đổi chế độ cạo. Tôi chuyển từ chế độ cạo d2 sang d3 thì giảm được công cạo, tiết giảm được chi phí. Đồng thời, vườn cây có thêm thời gian phục hồi, độ mủ tăng lên, ít hao vỏ cạo hơn”, ông Thám nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, ấp Cây Liễu, xã Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương), có hơn 20 ha cao su khai thác năm thứ 18, trình bày giải pháp của gia đình: “Đầu mùa cạo, sản lượng thấp, độ DRC không cao, trong khi giá bán khó khăn, tiền thuê nhân công không giảm, để tiết kiệm chi phí, mãi đến ngày 16/6 vừa rồi mới cạo trở lại”. Cũng theo bà Ngọc, với giá bán khoảng 280 đồng – 290 đồng/độ, tương đương 9.000 đồng/kg (giá ngày 20/7), sau khi trừ mọi chi phí vẫn có lợi nhuận nhưng không cao. Đến quý 3, quý 4 sản lượng và độ mủ tăng lên, kỳ vọng giá nhích lên khoảng 350 đồng/độ thì lãi mới khá hơn. “Giảm thuê mướn lao động, thương lượng lại tiền lương, giảm chi phí đầu tư từ 20 – 30% so bình thường, duy trì chế độ cạo d3, là cách mà tôi và nhiều hộ tiểu điền trong vùng đang thực hiện”, bà Ngọc cho hay.
Còn ông Nguyễn Đức Nhân, ấp 4, xã Tiến Hưng (T.X Đồng Xoài, Bình Phước) chủ vườn 24 ha cao su, tâm sự mặc dù giá xuống thấp nhưng gia đình ông vẫn khai thác bình thường. “Với mức giá khoảng 290 đồng/độ, vẫn có lợi nhuận nhưng không cao so các năm trước, khoảng 10 triệu đồng/ha/năm. Đây là thời điểm thuận lợi để củng cố lại vườn cây. Vừa rồi tôi đã thanh lý 7 ha cao su già cỗi để chuẩn bị trồng lại bằng giống mới có năng suất cao. Gần 2 tỷ đồng bán gỗ thanh lý, tôi đủ điều kiện tái canh vườn cây”, ông Nhân tính toán.
Trồng xen canh: Bài toán giữ vườn
Cho đến thời điểm này, cây cao su vẫn đang là lựa chọn của không ít nông dân. Nhiều vườn cây đang trong thời kỳ KTCB, chưa cho thu nhập, để ứng phó với tình hình giá phân bón tăng, tiền thuê công chăm sóc tăng, nhiều hộ tiểu điền chọn giải pháp trồng xen canh.
Mô hình trồng xen cây ngắn ngày như các cây họ đậu, lúa, rau màu, giữa hai hàng cao su trong những năm đầu được nhiều người dân thực hiện. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cao su 2,5 tuổi trồng xen cây đu đủ, ông Văn Quang, khu phố 5, phường Thác Mơ (TX. Phước Long, Bình Phước), tiết lộ lợi ích kinh tế từ việc trồng xen canh không hề nhỏ.
Ông Quang cho biết, đã từng mày mò và học hỏi kinh nghiệm từ mô hình trồng xen canh cây bí, đu đủ, rau màu, của nhiều chủ vườn ở thị xã Bình Long. Lựa chọn cuối cùng của ông là trồng xen cây đu đủ trên 10 ha cao su trong thời kỳ KTCB. Đầu năm 2012, ông Quang trồng xen đu đủ đồng loạt trên vườn cao su. Sau 8 tháng dày công chăm bón, vườn đu đủ cho nhiều trái. Chỉ tính 2 tháng đầu cây cho quả bói, ông Quang thu về gần 600 triệu đồng.
Theo tính toán của ông, nếu chăm bón tốt thì cây đu đủ cho thu hoạch khoảng 3 – 4 năm, trong đó năm đầu sẽ thu lại tiền đầu tư, còn lãi sẽ được tính từ năm thứ hai trở đi. Bởi chi phí cho vườn đu đủ từ khâu làm hố, bón phân, công trồng, chăm sóc… cũng không ít. Như vậy, dự kiến đợt đầu thu về được hơn 1 tỷ đồng sẽ đủ vốn, còn những năm sau trừ tiền nhân công thu hoạch, làm cỏ, còn lại ông sẽ thu lãi trọn.
“Giữa hai hàng cao su trồng xen hai hàng đu đủ, khoảng từ 20 ngày đến 1 tháng thì bón phân cho đu đủ một lần kết hợp tưới nước thường xuyên. Đất được giữ ẩm và bổ sung lượng dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây cao su. Nhờ vậy, gần 1 năm qua, vườn cao su trồng xen của gia đình tôi không phải bón phân mà cây vẫn xanh tốt, giảm được khoản tiền lớn”, ông Quang hồ hởi.
Trong khi đó, bà Trương Thị Thu, ở xã Tân Quan (huyện Hớn Quản) cho hay, trước đây, gia đình bà trồng điều nhưng do phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, chỉ cần đợt sương muối đúng vào thời điểm trổ bông đậu trái, vụ điều đó sẽ bị thất thu. Ngoài ra, dịch bệnh, sâu hại dễ lây lan, phân tán trên diện rộng nên năng suất rất kém. Vì thế bà chuyển sang trồng cao su, tuy giá thấp nhưng lấy công làm lãi, hai vợ chồng cùng cạo mủ nên thu nhập vẫn cao hơn trồng điều. Với 1 ha cao su, sau khi trừ chi phí phân bón, gia đình thu về khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Bài, ảnh: Đ.Quyên – Bình Nguyên – Hải Châu
Theo Tạp chí Cao su Việt Nam
//Tin tự động cập nhật//