Tái cơ cấu ngành cao su theo hướng bền vững
Theo Cục Trồng trọt, sau một giai đoạn phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay ngành cao su đang gặp nhiều khó khăn. Cần có sự rà soát, điều chỉnh, tái cơ cấu ngành cao su cả nước theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững hơn.
Rà soát quy hoạch phát triển cao su
Giải pháp trước mắt là rà soát quy hoạch phát triển cao su. Trong năm 2014, Cục Trồng trọt và các địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, sau 5 năm thực hiện Quyết định 750/QĐ –TTg ngày 3/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác rà soát gồm các nội dung như diện tích phát triển cao su theo đúng quy hoạch của tỉnh và phù hợp quy hoạch chung cả nước; Diện tích cao su (DTCS) do chuyển đổi từ một số cây trồng đã được quy hoạch trên địa bàn như điều, mía, cây ăn quả kém hiệu quả và diện tích đất của các nông lâm trường liên kết với VRG để trồng cao su đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Cục cũng sẽ rà soát DTCS phát triển vượt quy hoạch so với định hướng chung theo Quyết định 750 và DTCS phát triển tự phát ngoài quy hoạch của tỉnh; DTCS chuyển đổi tự phát sang cây trồng khác khi giá mủ xuống thấp trên địa bàn. Ngoài ra cũng sẽ xác định DTCS trồng trong điều kiện không phù hợp, diện tích cần thanh lý hoặc chuyển đổi cây trồng khác.
Trên cơ sở đó sẽ đánh giá toàn diện khó khăn, thuận lợi về sản xuất, chế biến tiêu thụ, hiệu quả sản xuất, tình hình quản lý, giám sát quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn. Từ đó có định hướng quy mô phát triển, các giải pháp quản lý quy hoạch phát triển.
Điều chỉnh quy mô sản xuất
Cục trồng trọt đề nghị tạm thời không trồng mới cao su, thay vào đó là tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng. Đối với vùng Duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ, với những diện tích trồng ngoài quy hoạch có nguy cơ cao do gió bão không trồng tiếp cao su, sau khi đã hết chu kỳ kinh doanh. Còn diện tích bị ảnh hưởng nặng do bão số 10, 11 cần thanh lý trồng lại hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.
Cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá cả cao su về trung hạn và dài hạn, nâng cao nhận thức cho người trồng cao su nắm vững các giải pháp kỹ thuật, thực hiện tiết giảm chi phí. Giúp người dân yên tâm tiếp tục duy trì và chăm sóc vườn cao su, tránh việc tự phát chuyển đổi diện tích cao su sang cây trồng khác.
Đối với vùng miền núi phía Bắc, tạm dừng không tiếp tục mở rộng diện tích ở vùng đã quy hoạch (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu). Không chủ trương trồng tiếp cao su ở các tỉnh vùng Đông Bắc, tập trung chăm sóc, thu hoạch diện tích đã trồng, đánh giá hiệu quả kinh tế.
Giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành
Trong điều kiện giá mủ cao su không có lợi cho người sản xuất, các địa phương căn cứ điều kiện đặc thù của mình nghiên cứu vận dụng các biện pháp chăm sóc, khai thác phù hợp. Đối với cao su KTCB, có thể giảm đầu tư phân bón, nhưng cuối năm tiếp tục làm cỏ và chống cháy. Với cao su KTCB nằm ngoài vùng quy hoạch như trồng trên đất thấp trũng, đất dốc không phù hợp, nếu vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều có thể chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Với vườn cao su ở thời kỳ đang kinh doanh, có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ D2 sang D3, D4 để giảm chi phí nhân công. Tuy nhiên vẫn phải có biện pháp làm cỏ chống cháy để bảo vệ vườn cây. Đối với những diện tích đã đến giai đoạn khai thác, có thể chưa tiến hành mở miệng cạo. Có thể thanh lý để chuẩn bị cho trồng tái canh diện tích cao su kinh doanh tuổi lớn, nếu giá gỗ phù hợp và giống cao su cho năng suất không cao.
Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong các khâu chăm sóc, phân bón, khai thác để nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư góp phần tăng giá trị sản xuất thông qua tăng cường chỉ đạo hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su đúng kỹ thuật. Khuyến khích các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp với cây cao su để tăng thu nhập.
Đề nghị khoanh nợ, giãn nợ cho người dân trồng cao su
Cục Trồng trọt đề nghị ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ hiện có của Trung ương, địa phương đối với nông dân, các doanh nghiệp cao su để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ngoài ra đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi để người dân có vốn chăm sóc vườn cây cao su theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là diện tích trong thời kỳ KTCB. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, kéo dài thời gian trả vốn vay để người dân yên tâm duy trì vườn cây cao su.
Về thuê đất, giá thuê đất cao su cần tính theo hạng đất, hiện tại được tính theo khu vực vị trí là không phù hợp làm cho giá thành sản phẩm bị đội lên quá cao, cao hơn gần 4 lần so với tính theo hạng đất. Ngoài ra còn kiến nghị cao su sơ chế được áp dụng chính sách thuế GTGT như đối với một số sản phẩm trồng trọt khác như cà phê…, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu cao su.
Tăng cường tiêu thụ cao su trong nước
Cần kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, nâng cao chất lượng cao su sơ chế đáp ứng các thị trường yêu cầu chất lượng cao. Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo nâng dần tỷ trọng chủng loại SVR 10, SVR 20 đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm cao su trong nước. Tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng và tìm kiếm các thị trường tiềm năng có nhu cầu lớn, giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân
Đối với cao su kinh doanh, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương có biện pháp chỉ đạo các nhà máy chế biến trên địa bàn thu mua mủ của người dân trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra cần tổ chức liên kết người sản xuất trong hợp tác xã hội cao su tiểu điền và các doanh nghiệp chế biến mủ cao su để hỗ trợ nhau khi có khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ.
Song song đó là đẩy mạnh công nghiệp chế biến gỗ cao su, đa dạng hóa các sản phẩm để tận dụng tối đa các sản phẩm từ vườn cao su thanh lý để nâng cao giá trị gia tăng. Có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển ngành chế biến cao su trong nước, tăng tiêu thụ cao su nội địa, giảm nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ cao su.
Các dự án khuyến nông hướng vào cao su tiểu điền
Để tổ chức thực hiện, ngoài phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát quy hoạch phát triển cao su cả nước, Cục Trồng trọt phối hợp với VRG và Sở NN&PTNT các tỉnh có trồng cao su cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới, hoàn thiện và trình Bộ ban hành Quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch mủ cao su cho cả nước. Ngoài ra Cục sẽ phối hợp với địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống cao su.
Cục Chế biến Nông lâm, thủy sản và Nghề muối có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng chương trình xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiềm năng có nhu cầu lớn về xuất khẩu cao su nước ta. Rà soát lại tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào nhà máy sơ chế mủ cao su. Đề xuất xây dựng bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong giai đoạn 2014 -2015 đối với cao su sơ chế và các biện pháp tăng cường quản lý các cơ sở chế biến mủ cao su.
Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia có chương trình đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình thông qua các dự án khuyến nông về sản xuất cao su tiểu điền theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, trồng xen để duy trì vườn cao su.
Sở NN&PTNT các tỉnh phối hợp với các công ty trên địa bàn tổ chức liên kết người sản xuất cao su trong các tổ hợp tác, hợp tác xã để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất. Ngoài ra các tỉnh cần chỉ đạo cơ quan khuyến nông hướng dự án khuyến nông của địa phương vào các địa bàn cao su KTCB, cao su mới bước vào kinh doanh chưa thu hồi đủ vốn để hướng dẫn người sản xuất duy trì vườn cây theo hướng giảm đầu tư khi giá mủ cao su chưa có lợi cho người sản xuất. Phối hợp với VRG và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su xây dựng các mô hình liên kết giữa người trồng cao su và cơ sở chế biến, xuất khẩu, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
N.K
Theo: Tạp chí Cao su Việt Nam
//Tin tự động cập nhật//