Báo cáo ngành hàng cao su tháng 9/2014
Thế giới:
Thái Lan hiện là nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới. Năm 2013, nước này sản xuất 4,2 triệu tấn cao su, trong đó 86% được xuất khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu thế giới hiện đang ảm đạm do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển rất chậm. Vấn đề của ngành cao su Thái Lan hiện nay là dư thừa cung và giá liên tục sụt giảm. Giá cao su Thái Lan đã giảm năm thứ ba liên tiếp, từ 100 bạt (3,1 USD)/kg vào năm 2012 xuống chỉ còn 50 bạt (1,6 USD)/kg hiện nay. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu cao su trong nước, giá giảm sẽ khiến ngành cao su Thái Lan thiệt hại 36 tỷ bạt (1,1 tỷ USD) trong năm 2014. Nông dân trồng cao su ở miền Nam Thái Lan đang cố gắng chống chọi với tình trạng giảm giá kéo dài, chủ yếu bằng cách chế biến cao su và bán đấu giá. Tồi tệ hơn, đã có nhiều nông dân ồ ạt chặt bỏ cây cao su bán lấy gỗ. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cao su Thái Lan đang yêu cầu Chính phủ Quân đội giảm thuế đối với mặt hàng cao su để giúp họ cạnh tranh với các đối thủ như Ma-lai-xia và In-đô-nê-xia.
Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giá cao su tại các nước sản xuất chính trên thế giới có xu hướng giảm trong tháng 8/2014. Cụ thể, giá bình quân cao su RSS3 tại Thái Lan là 1.899 USD/tấn, giảm 140 USD/tấn so với tháng trước, mức giá cao nhất đạt 2.015 USD/tấn, mức giá thấp nhất là 1.830 USD/tấn. Giá bán bình quân cao su SIR 20 của In-đô-nê-xia là 1.678 USD/tấn, giảm 22 USD/tấn, mức giá cao nhất là 1.720 USD/tấn, mức giá thấp nhất là 1.630 USD/tấn. Cao su RSS 3 giao ngay trên sàn giao dịch hàng hóa của Sing-ga-po có mức giá bình quân trong tháng 8/2014 là 1.861 USD/tấn, giảm 166 USD/tấn so với tháng trước, mức giá cao nhất là 2.005 USD/tấn, mức giá thấp nhất là 1.795 USD/tấn. Trong tháng 8/2014, giá bình quân cao su tiêu chuẩn sản xuất trong nước của Trung Quốc (SCRWF) tại thị trường Thượng Hải đạt mức 13.452 NDT/tấn, giảm 530 NDT/tấn so với tháng trước, mức giá cao nhất là 13.900 NDT/tấn, mức giá thấp nhất là 13.100 NDT/tấn. Giá cao su bình quân tại thị trường Thanh Đảo đạt mức 13.367 NDT/tấn, giảm 514 NDT/tấn so với tháng trước; mức giá cao nhất là 13.800.
Giá cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), Nhật Bản chưa có dấu hiệu khởi sắc, với xu thế giảm vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tocom đã giảm hơn 30% trong năm nay. Trong tháng 9, cao su hợp đồng kỳ hạn gần nhất (9/2014) đã giảm từ 1769,2 USD/tấn (giá đóng cửa ngày 1/9) xuống chỉ còn 1612,6 USD/tấn (giá đóng cửa ngày 19/9), thiết lập mức giảm sâu nhất kể từ đầu tháng. Nguyên nhân chính khiến giá cao su giảm vẫn là lượng tồn kho lớn tại Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới. Tồn kho cao su tại Thượng Hải đã tăng 1,6% lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua và việc xả bán cao su tồn kho của Thái Lan càng làm gia tăng lo ngại về tình trạng dư cung. Mặc khác, giá cao su liên tục sụt giảm còn do ảnh hưởng từ giá dầu thế giới đã giảm xuống dưới 100 USD/thùng lần đầu tiên trong 16 tháng và tình hình sản xuất công nghiệp tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản tăng trưởng thấp hơn dự báo đã gây áp lực lên giá cao su.
Trong các ngày 15/9, 16/9 và 17/9, giá cao su tại Tocom có hồi phục chút ít khi Trung Quốc tăng lượng mua vào do lượng tồn kho tại Thanh Đảo giảm mạnh so với thời điểm giữa tháng 5/2014. Tuy nhiên, đến hai phiên cuối tuần 18/9 và 19/9, giá cao su giao các kỳ hạn đã giảm trở lại do thiếu thông tin hỗ trợ từ thị trường. Kết thúc ba tuần của tháng 9/2014, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.825 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, giảm 129 USD/tấn (-6,6%) so với mức giá trung bình tháng 8/2014 và giảm 986 USD/tấn (-35,1%) so với tháng 9/2013.
Các yếu tố tác động đến thị trường cao su thế giới trong tháng 9/2014 bao gồm:
– Tồn kho cao su được giám sát bởi Sàn Giao dịch Thượng Hải đã tăng 1,6% lên thành 166.328 tấn vào ngày 4/9/2014, mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua.
– Giá dầu thế giới ngày 9/9/2014 đã giảm xuống dưới 100 USD lần đầu tiên trong 16 tháng qua do đồn đoán nhu cầu tiếp tục yếu và nguồn cung dồi dào. Thị trường dầu đi xuống từ giữa tháng 6 khi bạo lực tại một số điểm nóng không gây gián đoạn nguồn cung, trong khi nhu cầu vẫn trầm lắng, đặc biệt tại châu Âu và châu Á.
Việt Nam:
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp và PTNT, thị trường cao su trong nước vẫn trầm lắng. Giá cao su nguyên liệu tại Bình Phước trong tháng 9/2014 không có biến động lớn, giá tăng giảm theo ngày với phạm vi dao động từ 8.800 đ/kg đến 9.120 đ/kg. Mức giá này không thay đổi so với tháng 8/2014. Giá cao su trong nước liên tục giảm từ đầu năm 2014 đến nay đã khiến một bộ phận người trồng cao su thanh lý vườn cây trước hạn, bao gồm cả cây cao su trồng mới và cây đang khai thác. Diện tích cao su dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2014, do đó sản lượng cao su sẽ giảm trong những năm tiếp theo.
Theo báo cáo thống kê của CIS, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 8 đạt 98 nghìn tấn với giá trị 166 triệu USD, với ước tính này 8 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 548 nghìn tấn với giá trị đạt 989 triệu USD, giảm 9,8% về khối lượng và giảm 31,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2014 đạt 1.830 USD/tấn, giảm 24,96% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù Trung Quốc và Ma-lai-xia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014, nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013, cụ thể: Trung Quốc giảm 21,01% về khối lượng và giảm 40,25% về giá trị; Ma-lai-xia giảm 13,72% về khối lượng và giảm 40,03% về giá trị.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu chào bán trung bình ba tuần tháng 9/2014 đạt 1.601 USD/tấn, giảm 178 USD/tấn (-10,0%) so với mức trung bình trong tháng 8/2014, và giảm 832 USD/tấn (-34,2%) so với tháng 9/2013.
Dự báo khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 không có nhiều thay đổi so với năm 2013, dao động từ 858.980 tấn đến 1,2 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu dự báo đạt 1,85 – 1,99 tỷ USD.
Nguyễn Lan Anh
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
- CSDL giá nông sản PMARD của CIS
- Tin Reuters
- Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy.
Nguồn: Trung tâm XTTM Bộ NN&PT NT
//Tin tự động cập nhật//