Diện tích cao su tại Đắk Lắk đang tăng chóng mặt, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia. Xã Ia Jlơi (huyện Ea Súp) diện tích cao su tăng… 378% so với quy hoạch.

Đến năm 2020, diện tích cây cao su ở Đắk Lắk sẽ là 68.000ha, theo quy hoạch của tỉnh vừa công bố. Trong đó, từ năm 2014-2020 sẽ tăng 34.344ha. Phần lớn đất trồng cao su phải chuyển đổi từ rừng khộp ở huyện Ea Súp và Buôn Đôn.

Đắk Lắk: “Lạm phát” diện tích trồng cao su

Cây cao su tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) – Ảnh: N.Nam

Tăng gấp ba lần quy hoạch

Báo cáo của UBND huyện Ea Súp thừa nhận diện tích cao su trên địa bàn huyện tăng nhanh “ở mức đáng báo động”.

Theo quy hoạch trồng thí điểm đến năm 2015, huyện này có 1.259ha cao su. Tuy nhiên đến tháng 1-2014, huyện Ea Súp có tới 3.526ha cao su đã được trồng. Như vậy, diện tích cao su ở Ea Súp tăng 280% so với quy hoạch.

Ngoài ra, có những nơi diện tích cao su ngoài quy hoạch (do người dân tự trồng, doanh nghiệp tự ý mua đất của người dân trồng) cũng quá lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển cao su.

Chẳng hạn như xã Cư M’Lan, quy hoạch chỉ 300ha nhưng người dân trồng 847ha (tăng 282%).

Tương tự, xã Ia Jlơi được quy hoạch 200ha nhưng người dân trồng 758ha (tăng 378%).

Cá biệt, xã Ia Rvê không nằm trong vùng mở rộng diện tích cao su (giai đoạn 2009-2014) nhưng cũng có 225ha cao su được trồng.

Trong khi đó, tại huyện Buôn Đôn, quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2015 là 900ha.

Đến nay, trong khi các dự án thuộc quy hoạch mới chỉ trồng được 160ha nhưng người dân trồng tự phát tới 760ha.

Ông Dương Văn Xanh – phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn – lo lắng: “Có ba xã của huyện là Ea Huar, Ea Wer, Krông Na được quy hoạch trồng cao su. Đất cũng giao cho các doanh nghiệp có dự án. Tuy nhiên, đến nay cao su trong quy hoạch thì quá chậm nhưng cao su tự phát, trồng ngoài quy hoạch thì tăng chóng mặt. Người dân trồng cao su ngay cả ở những vùng đất không phù hợp với cao su”.

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhìn nhận nhiều dự án tại huyện Ea Súp, Buôn Đôn trồng cây cao su còi cọc, kém hiệu quả.

Một lãnh đạo huyện Ea Súp đặt vấn đề tỉnh chưa có nghiên cứu, đánh giá tính hiệu quả của cây cao su đã trồng thí điểm, nhất là để cho dân trồng cao su tự phát.

“Phần lớn diện tích cao su tiểu điền tại huyện trồng đến năm thứ 3, 4 nhưng rất còi cọc vì trồng trên tầng đất xấu, thổ nhưỡng không phù hợp. Nhiều nơi người dân phải chặt bỏ cao su, các doanh nghiệp đầu tư manh mún, cầm chừng. Thế nhưng tỉnh vẫn tăng diện tích cao su là hết sức thiếu thận trọng” – vị lãnh đạo này nói.

“Thất bại được báo trước”

Ông Nguyễn Quốc Hưng – chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk – cho biết sở dĩ đến nay chưa có nghiên cứu, đánh giá hiệu quả cây cao su đã trồng là do tỉnh chưa có kinh phí.

“Tuy nhiên, diện tích cao su mở rộng giai đoạn này được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Tập đoàn Cao su Việt Nam nghiên cứu rất kỹ lưỡng về đất trồng, thổ nhưỡng” – ông Hưng nói.

Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá diện tích cao su trong các dự án cơ bản phát triển tốt. Ông Hưng cũng thừa nhận có những bất cập trong việc trồng, chăm sóc cao su, công tác quản lý bảo vệ rừng.

Cho nên Tập đoàn Cao su Việt Nam đã bỏ kinh phí ra nghiên cứu để lập quy hoạch phát triển cao su trong giai đoạn mới và được tỉnh phê duyệt.

“Quy hoạch mở rộng diện tích cao su sẽ theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tăng thu nhập cho nông dân. Quy hoạch sẽ đảm bảo an toàn cho môi trường, đặc biệt với khu rừng khộp chuyển đổi sang trồng cao su” – ông Hưng khẳng định.

Về việc để mất rừng tại các dự án trồng cao su, ông Hưng cho rằng đó là trách nhiệm của chủ dự án. Còn việc diện tích cao su tiểu điền tăng nhanh là do địa phương thiếu theo dõi, kiểm soát.

Trái ngược với sự lạc quan của ông Hưng, PGS.TS Bảo Huy – trưởng bộ môn quản lý tài nguyên rừng và môi trường Trường ĐH Tây Nguyên – khẳng định với những lập luận trong quy hoạch mở rộng diện tích cao su cho thấy sự thất bại được báo trước.

Ông Huy phân tích: giá mủ cao su thấp thì người dân có thể chờ giá lên cao, nhưng thổ nhưỡng, khí hậu rừng khộp hoàn toàn không phù hợp nên cây cao su không thể phát triển.

“Trong các báo cáo, người ta thường nói dự án hiệu quả, cây cao su phát triển tốt, tạo công ăn việc làm nên cần mở rộng, phát huy. Tuy nhiên, tôi từng được nhiều đơn vị nhờ “nghiên cứu” đốn hạ cao su để chuyển đổi sang trồng rừng. Đó là chưa kể những mất mát về môi trường, sinh thái. Những mất mát ấy không thể thấy được bằng mắt thường…” – ông Huy cảnh báo.

“Nên dừng mở rộng diện tích cao su”

PGS.TS Bảo Huy cho rằng tỉnh Đắk Lắk cần dừng việc mở rộng diện tích cao su để nghiên cứu, đánh giá hiệu quả. Sau khi có những căn cứ khoa học chắc chắn mới tiếp tục mở rộng diện tích.

“Không thể nói thiếu kinh phí nên chưa đánh giá, nghiên cứu tính hiệu quả của diện tích cao su đã trồng. Nếu cứ làm ào ào như trước đây và hiện nay, con cháu sau này sẽ trả giá đắt về môi trường, sinh thái vì mất rừng. Không chỉ vậy, con cháu còn phải chịu nghèo nàn vì cao su kém hiệu quả.

Việc chặt bỏ hàng chục ngàn hecta rừng để trồng cao su trong quy hoạch lần này đâu phải là chuyện nhỏ, đó là chuyện quốc gia đại sự. Phải nghiên cứu, đánh giá, đưa ra thảo luận mới quyết định” – PGS.TS Bảo Huy kiến nghị.

Theo Tuổi trẻ

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác