Giá cao su 2015 chưa thể khởi sắc
Năm 2014, giá cao su được xem chạm mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua. Nhưng dự báo của các tổ chức, chuyên gia quốc tế cho thấy năm 2015, ngành cao su thiên nhiên thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do giá cao su chưa thể phục hồi.
Cung lớn hơn cầu, giá chưa thể khởi sắc
Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) dự báo dư thừa cao su toàn cầu có thể giảm 46% trong năm 2015. Tuy nhiên, sản lượng vẫn vượt nhu cầu 202.000 tấn, giảm so với 371.000 tấn năm 2014 và 650.000 tấn so năm 2013.
Quan điểm này được chính ông Stephen Evans – Tổng thư ký IRSG, phát biểu tại Hội thảo “Phát triển bền vững ngành cao su thiên nhiên”, tổ chức ngày 5/12/2014 tại TP.HCM. Theo ông, nguồn cung cao su quá dư thừa trong khi tiêu thụ yếu khiến thị trường cao su trong 10 năm tới vẫn chưa thể sôi động trở lại, ngoại trừ có biện pháp trực tiếp kiểm soát giá. Ông Stephen phân tích, từ năm 2010 đến nay, niềm tin kinh tế thế giới phục hồi để tăng tiêu thụ của nhà sản xuất cao su thiên nhiên vẫn chưa như kỳ vọng.
Có chung nhận định, ông Lekshmi Nair – nhà kinh tế học cao cấp tại IRSG, cho biết giá cao su thiên nhiên liên tục giảm và nhu cầu hồi phục chậm hơn dự đoán cũng như nguồn cung tăng đã khiến trữ lượng tồn kho tăng. Còn Carsten Fritsch- nhà phân tích tại Commerzbank AG ở Frankfurt (Đức), dự đoán dư thừa cao su sẽ chưa kết thúc. Tăng trưởng nhu cầu chưa thể bắt kịp tăng trưởng sản lượng nên giá cao su chưa thể sớm hồi phục.
Phân tích và dự báo của Công ty Rubber Economist (Anh) cũng cho thấy thị trường tiêu thụ cao su thế giới năm 2015 chưa thể khởi sắc. Tuy nhiên, theo Rubber Economist, tuy thị trường cao su toàn cầu vẫn dư thừa nhưng dư cung đang giảm.
Nguồn cung giảm đem lại hi vọng giá cao su sẽ phục hồi. Phát biểu tại Hội thảo Cao su Toàn cầu 2014 (GRC) tại Sri Lanka, ông Prachaya Jumpasut – Giám đốc điều hành Rubber Economist cho rằng, giá cao su thiên nhiên ở mức thấp và những động thái mới đây tại Châu Á-Thái Bình Dương có thể giúp thúc đẩy nhu cầu cao su
Ông bày tỏ hy vọng xu hướng giá giảm sẽ kết thúc. Một số nhà phân tích khác cho rằng, xét về lâu dài, các nhà sản xuất cao su thiên nhiên chính như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, VN… đều áp dụng biện pháp giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu, sẽ góp phần kìm hãm đà giảm giá cao su và giúp cán cân cung-cầu cân bằng hơn.
Những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá cao su thiên nhiên
Theo các chuyên gia, giá cao su thời gian tới sẽ chịu tác động bởi các yếu tố sau. Thứ nhất, nguồn cung cấp cao su từ các nước sản xuất cao su chủ yếu như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, VN… được kiểm soát chặt và giảm cung ứng sẽ làm thị trường cung ứng ổn định, có lợi cho phía sản xuất.Các biện pháp như giảm khai thác, tăng cường thanh lý vườn cây già cỗi, không khai thác mới, không bán dưới “giá sàn”, gia tăng tiêu thụ nội địa… sẽ có tác dụng nâng đỡ giá cao su.
Thứ hai là nhu cầu suy giảm. Năm 2015, nếu các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… vẫn chưa tăng trưởng như kỳ vọng, sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cao su. Lĩnh vực bị ảnh hưởng rõ nhất của việc suy giảm kinh tế là ngành công nghiệp chế tạo ô tô, vốn tiêu thụ tới gần 70% lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.
Ba là lượng tồn kho tăng ổn định. Theo con số thống kê, tính đến cuối năm 2014, lượng tồn kho cao su thiên nhiên tại sàn giao dịch hàng kỳ hạn quốc tế vẫn ở mức khá cao. Một khi lượng tồn kho vẫn ở mức cao thì mức mua vào sẽ giảm, khiến giá cao su khó tăng.
Bốn là giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm sâu. Giá dầu thô năm 2014 liên tục giảm sâu đã kéo giá cao su thiên nhiên giảm theo. Theo dự báo, giá dầu thô năm 2015 sẽ khó giảm thêm, nhưng cũng khó tăng cao. Điều này ảnh hưởng đến giá cao su thiên nhiên.
Trung Kiên (tổng hợp)
Theo Tạp chí Cao su VN
//Tin tự động cập nhật//