Giảm xuất khẩu mậu biên: Không thể chần chờ
Tăng xuất khẩu (XK) chính ngạch, tìm thị trường mới, chế biến sâu để tăng giá trị
là những giải pháp DN XK nông sản nói chung và DN XK cao su nói riêng đã và đang hướng tới, nhằm giảm phụ thuộc vào XK biên mậu sang Trung Quốc (TQ) vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhiều rủi ro
Theo số liệu của Bộ Công Thương, những năm gần đây TQ đã trở thành thị trường XK nông sản quan trọng của VN, bình quân 3 năm gần đây chiếm tỷ trọng 33,9% trong tổng kim ngạch XK nông sản của nước ta. Thị trường TQ vốn “dễ tính” và không yêu cầu cao về chất lượng nên rất được DN ưa chuộng. Tuy nhiên, đa phần các mặt hàng đều XK qua đường tiểu ngạch, luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với DN trong nước.
Riêng với mặt hàng cao su, các năm trước TQ nhập khẩu tới 70% toàn bộ giá trị XK cao su của nước ta. Năm 2014, VN XK 1,07 triệu tấn cao su. Dù XK qua TQ có giảm nhưng vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cao su VN, chiếm gần 43% tổng lượng XK.
Chính vì phụ thuộc vào XK sang TQ mà khi nước này thực hiện các chính sách thắt chặt hoặc “đóng cửa” biên mậu, lập tức các mặt hàng nông lâm sản của VN bị dồn ứ và bế tắc về đầu ra.
Tìm thị trường mới
Không riêng gì DN ngành cao su mà các DN ngành khác cũng đang tìm cách giảm bớt phụ thuộc thị trường TQ. Hiệp hội Lương thực VN (VFA) khuyến cáo DN XK gạo cần đẩy mạnh khai thác phân khúc gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao tại thị trường Châu Phi và một số thị trường gần như Hàn Quốc, Nhật Bản… nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường TQ.
Hiệp hội Điều VN (VINACAS), cũng khuyến nghị các DN VN cần giảm dần sản lượng XK sang thị trường TQ xuống còn 10 – 20% trên tổng sản lượng XK của DN đó. Đồng thời tập trung vào các thị trường có tính bền vững như Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc đang có nhu cầu cao với những sản phẩm hạt điều chế biến sâu, khi người tiêu dùng nhận ra giá trị dinh dưỡng của loại hạt này.
Theo ông Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn trái miền Nam, XK vào thị trường TQ có cái lợi là dù chất lượng thấp vẫn bán được, nhưng giá cả thường không ổn định. Khi có vấn đề thông quan ở biên giới, ngay lập tức hàng chục tấn rau quả sẽ bị kẹt lại không bán được, phải đổ bỏ như trường hợp dưa hấu vừa qua và đối với nhiều mặt hàng rau quả khác trước đây. Giải pháp cho XK rau quả của VN là phải tìm cách tiếp thị đến các thị trường có giá trị XK cao như Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu.
Với mặt hàng cao su, các năm trước, TQ nhập khẩu tới 70% toàn bộ giá trị XK cao su của nước ta. Nếu có sự tác động tiêu cực nào tới các hoạt động thương mại giữa VN và TQ thì ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng tới “đầu ra” của những mặt hàng nông, lâm, thủy sản nói chung và mặt hàng cao su nói riêng. Đơn cử như như hồi tháng 5/2014, khi VN và TQ căng thẳng liên quan đến việc TQ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN, lập tức mặt hàng cao su xuất qua biên mậu bị ảnh hưởng.
Từ những rủi ro tiềm ẩn đó, việc tăng tiếp thị, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, giảm xuất tiểu ngạch thị trường TQ là vấn đề sống còn của DN XK cao su. VRA đã khuyến nghị các Hội viên tích cực tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường mới có tính ổn định như: Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Theo các chuyên gia, để giảm rủi ro trong XK biên mậu, DN phải có chiến lược tiếp cận bài bản như tổ chức lại hạ tầng vận chuyển, đầu tư xây dựng các kho ngoại quan tại cảng bốc dỡ Hải Phòng và cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn để lưu trữ chứ không thể chở ra xếp hàng chờ bán như trước đây. Đồng thời, cần có chiến lược khai thác các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Châu Phi… để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường TQ như hiện nay.
Theo Tạp chí CSVN
//Tin tự động cập nhật//