Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ ba thế giới về sản lượng và thứ tư về giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên. Là một trong những cường quốc sản xuất, xuất khẩu cao su, nhưng ngành cao su Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam về vấn đề này.

img_54ed3f2836c92Khai thác mủ cao su tại nông trường cao su Dầu Tiếng (Bình Dương). Ảnh: Đình Huệ – TTXVN.

Xin ông cho biết, tình hình sản xuất, chế biến xuất khẩu cao su hiện nay?

Diện tích trồng cao su vào khoảng 977.700 ha. Sản lượng cao su năm 2014 ước đạt 953.700 tấn, tăng 0,7% so với năm trước. Sản lượng cao su Việt Nam chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, đứng sau Thái Lan (34,1%) và Indonesia (26,9%).

Năm qua là năm rất khó khăn và thách thức đối với ngành cao su, nhất là đối với lĩnh vực cao su thiên nhiên khi giá giảm đến mức thấp nhất trong giai đoạn 5 năm (2010 – 2014) qua. Nguyên nhân là kinh tế thế giới phục hồi yếu, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên tăng chậm hơn nguồn cung, dẫn đến tồn kho lên cao, làm giá suy giảm liên tục từ năm 2012, gây ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động trong ngành cao su.

Ngoài ra, giá dầu sụt giảm từ giữa năm 2014 làm cho cao su tổng hợp tăng khả năng cạnh tranh với cao su thiên nhiên và tạo áp lực kìm hãm giá cao su thiên nhiên. Điều này có thể làm ngành cao su tiếp tục còn nhiều khó khăn trong năm 2015 do giá cao su quá thấp.

Bên cạnh khó khăn lớn nhất về giá xuống quá thấp, ngành cao su Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nước khác do cơ cấu chủng loại chưa phù hợp, chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng đều, ổn định, xuất khẩu thô còn chiếm tỷ lệ cao trên 80%.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp vẫn đang gặp vướng mắc về việc kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại đối với mặt hàng mủ cao su thiên nhiên sơ chế.

Là quốc gia có sản lượng cao su đứng thứ 3 thế giới, nhưng năm 2014, Việt Nam vẫn nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu về chế biến rồi xuất khẩu. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên và doanh nghiệp cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

Nhập khẩu nguyên liệu cao su của Việt Nam trong năm 2014 khoảng 372.000 tấn, trị giá khoảng 639 triệu USD, bao gồm cả cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp. Hiện nay, Việt Nam chưa sản xuất được cao su tổng hợp từ dầu thô do công nghiệp hóa dầu chưa phát triển mạnh nên phải nhập 100%. Đối với cao su thiên nhiên nhập khẩu, phần lớn là tạm nhập tái xuất và đang có xu hướng tăng dần khi các vườn cao su do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Lào và Campuchia được thu hoạch mủ. Đây là nguồn góp phần làm tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu của ngành cao su Việt Nam.

Chỉ một phần lượng cao su thiên nhiên cần nhập theo nhu cầu của một số doanh nghiệp sản xuất lốp xe vì nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng đầy đủ về chủng loại. Trong những năm tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên theo hướng ưu tiên phục vụ nhu cầu của ngành lốp xe.

Ngoài ra, ngành hóa dầu của Việt Nam đang trên đà phát triển sẽ có khả năng sản xuất cao su tổng hợp từ nguồn dầu thô phong phú trong nước và từ đó sẽ góp phần giảm nhập khẩu cao su tổng hợp.

Nhận thấy rõ những khó khăn của ngành trong năm qua, trong thời gian tới, theo ông, các doanh nghiệp cần có những định hướng như thế nào để giúp cho ngành cao su Việt Nam phát triển xứng tầm, đồng thời nâng cao thu nhập cho đồng bào trồng loại cây này?

Theo dự báo của một số tổ chức quốc tế, mức giá cao su thấp sẽ kéo dài trong vài năm tới khi lượng cao su tồn kho vẫn còn cao. Để ứng phó với tình hình này, ngành cao su Việt Nam cần tập trung tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.

Trước mắt, các doanh nghiệp cần giảm giá thành và tìm hướng đa dạng hóa nguồn thu để đảm bảo thu nhập cho người lao động. Chế độ thu hoạch mủ cần giãn ngày cạo để giảm công lao động, giảm chi phí nhưng giúp tăng năng suất cho người lao động và từ đó có mức thu nhập thỏa đáng. Người trồng cao su cần tích cực tái canh những vườn cây già năng suất thấp hoặc phát triển kém bằng các giống mới cao sản, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất bằng cách trồng xen cây trồng khác hoặc chăn nuôi kết hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy nhanh nghiên cứu nhu cầu của thị trường và khách hàng để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm và nâng cao chất lượng, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và nhà nhập khẩu. Đây cũng là giải pháp tăng năng lực cạnh tranh cho ngành cao su Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Ngành cao su Việt Nam cũng cần tích cực triển khai tái cơ cấu. Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su có giá trị cao. Đây là giai đoạn toàn ngành cao su cần xây dựng chiến lược đồng bộ cho sự phát triển bền vững và hiệu quả cho cả chuỗi sản xuất. Trong đó, sự liên kết chặt chẽ từ người trồng đến doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời về chính sách của các bộ, ngành, địa phương rất cần thiết để ngành cao su vượt qua khó khăn trước mắt và ứng phó tốt trước những biến động của thị trường.

Xin cảm ơn ông!
Bích Hồng(Thực hiện)

Theo Báo Tin tức

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác