1. Thế giới:

Sản xuất và tiêu thụ:

Theo Ủy ban Cao su Quốc gia Ấn Độ, sản lượng cao su thiên nhiên tháng 1/2015 giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái xuống 60.000 tấn khi một số nông dân ngừng khai thác do giá thấp. Tiêu thụ cao su của Ấn Độ trong tháng 1/2015 chỉ tăng 0,8% lên 84.000 tấn, trong khi đó, nhập khẩu cao su của các nhà sản xuất lốp xe tăng 11% lên 30.441 tấn. Chính phủ Ấn Độ có thể tăng thuế nhập khẩu cao su lên 30% từ 20% hiện tại.

Tình hình thị trường:

Giá cao su thiên nhiên giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) tháng 2/2015 nhìn chung diễn biến theo xu hướng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu tăng và tăng lên gần mức cao nhất 6 tháng do lo ngại sản lượng cao su tại các vùng bị lũ lụt tại Ma-lai-xia và Thái Lan giảm. Một yếu tố nâng giá nữa là đồng Yên suy yếu xuống mức thấp trong 5 tuần so với đô la Mỹ. Đồng Yên giảm khiến tài sản định giá bằng đồng tiền tệ Nhật Bản rẻ hơn khi mua bằng đồng tiền khác. Kết thúc phiên giao dịch 9/2, hợp đồng benchmark giao tháng 7/2015 chạm mức cao trong 7,5 tháng, đạt 214,5 Yên/kg, tăng 8,1 Yên so với phiên 5/2. Giá cao su hợp đồng benchmark đạt mức cao 217,2 Yên/kg trước đó, mức giá cao nhất kể từ ngày 27/6/2014, thị trường Nhật Bản đóng cửa hôm thứ tư (11/2) cho ngày nghỉ lễ. Giá giao kỳ hạn gần nhất tháng 2/2015 đạt 213,6 Yên/kg cuối phiên 9/2, tăng 8,3 Yên so với giá đóng cửa phiên 5/2.

img_54ffcf634c249

Về cuối tháng, giá cao su kỳ hạn tại Tocom tăng trở lại trong phiên giao dịch 25/2 sau hai phiên giảm giá liên tiếp, nhờ ảnh hưởng tăng giá các hàng hóa sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết sẽ xem xét nâng tỉ lệ lãi suất. Trước đó, giá cao su kỳ hạn giảm do chịu ảnh hưởng giảm giá dầu thô giảm 2% do lo ngại dư cung toàn cầu. Thị trường cao su thế giới đang theo dõi sát sao kết quả cuộc họp của các nhà sản xuất chủ chốt như Thái Lan, Ma-lai-xia và In-đô-nê-xia trong tuần này nhằm tìm biện pháp hỗ trợ giá cao su. Dự kiến, các nước sản xuất chủ chốt sẽ thảo luận một loạt các vấn đề, kể cả khả năng giảm diện tích trồng nhằm kiềm chế sản lượng, mặc dù vẫn chưa rõ liệu các nước có nhất trí được biện pháp cụ thể nào hay không.

Hợp đồng cao su giao tháng 2/2015 đã đáo hạn hôm 20/2 ở mức 220,8 Yên/kg. Hợp đồng benchmark giao tháng 8/2015 cuối phiên 25/2 đạt 214,9 Yên/kg, giảm 2,5 Yên so với giá mở cửa phiên 24/2.

Nội các Thái Lan đã phê chuẩn khoản vay 6 tỷ baht cho Tổ chức Đồn điền Cao su (REO) để thu mua sản phẩm cao su nhằm đẩy giá lên. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng tuyên bố sẽ không xả bán lượng cao su lưu kho nếu giá thấp. Việc Thái Lan bán ra lượng cao su tồn kho vào thời điểm giá thấp sẽ gây áp lực lên thị trường và tác động tiêu cực đến các hộ gia đình tiểu điền. Trong số 6 tỷ baht, REO sẽ dành 4 tỷ bath để thu mua cao su thiên nhiên và cao su tờ hun khói của nông dân. Số còn lại sẽ được dành để thu mua mủ latex và cup lump. Mục đích của động thái này là nhằm nâng giá cao su trong vụ khai thác tới, bắt đầu vào tháng 5/2015. Trong vụ thu hoạch cao su tới đây, chính phủ Thái Lan muốn duy trì giá cao su tờ thiên nhiên ở mức 60 baht/kg, giá cao su tờ hun khói ở mức 65 baht/kg và giá latex ở mức 50 baht/kg. Hiện tại, giá cao su tờ thiên nhiên của Thái Lan có giá 47 baht/kg, giá cao su tờ hun khói 48,5 baht/kg và latex 44 baht/kg.

 2. Việt Nam:

Tình hình chung:

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu trên 1,07 triệu tấn cao su nguyên liệu. Trong đó, loại cao su mủ cốm, sơ chế chiếm tỷ trọng 70 – 80%, còn lại là cao su cô đặc chỉ chiếm 6 – 8%, cao su RSS3 khoảng 4 – 5%. Chính cơ cấu nguồn nguyên liệu như vậy đã dẫn đến thực trạng cao su xuất khẩu nhiều nhưng nhập cũng nhiều vì tỷ trọng các nhóm sản phẩm không cân đối. Điều này giải thích vì sao mặc dù là quốc gia có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao su luôn đứng vào hàng đầu của thế giới, song Việt Nam hàng năm vẫn phải nhập khẩu một khối lượng cao su không nhỏ. Việc khó tiêu thụ sản phẩm ngay tại chính sân nhà cũng một phần là do hiện nay tình trạng liên kết giữa những đơn vị thu mua, cung ứng mủ cao su sơ chế với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chưa gắn kết với nhau.

Theo nhận định của Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, nước ta tiếp tục giữ vị trí thứ ba thế giới về sản lượng và thứ tư về xuất khẩu cao su thiên nhiên. Là một trong những cường quốc sản xuất, xuất khẩu cao su, nhưng ngành cao su Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để ứng phó với tình hình này, ngành cao su Việt Nam cần tập trung tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Ngành cao su Việt Nam cũng cần tích cực triển khai tái cơ cấu. Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su có giá trị cao. Đây là giai đoạn toàn ngành cao su cần xây dựng chiến lược đồng bộ cho sự phát triển bền vững và hiệu quả cho cả chuỗi sản xuất. Trong đó, sự liên kết chặt chẽ từ người trồng đến doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời về chính sách của các bộ, ngành, địa phương rất cần thiết để ngành cao su vượt qua khó khăn trước mắt và ứng phó tốt trước những biến động của thị trường.

Dự báo, ngành cao su sẽ tiếp tục phải đối mặt với tính trạng giảm giá sâu trong năm 2015. Theo đó, giá cao su nguyên liệu sẽ vẫn tiếp tục có xu hướng giảm mạnh. Mặc dù, Việt Nam xuất khẩu gần 2 tỷ USD cao su nguyên liệu song lại nhập khẩu một lượng các sản phẩm cao su, cao su nhân tạo có giá trị rất lớn. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất, trong thời gian tới, ngành cao su cần cân nhắc không chạy theo diện tích và sản lượng mà nên cắt giảm giá thành để đảm bảo duy trì họat động kinh doanh. Đồng thời, ngành cần tiếp cận những phân khúc thị trường có giá trị cao, giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Tình hình thị trường:

Trong những ngày đầu tháng 2/2015, giá cao su trong nước diễn biến theo xu hướng tăng tích cực. Tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, giá cao su các loại tăng lên mỗi ngày. Trong đó, mủ cao su RSS3 ngày 10/2 đạt 29.000 đ/kg, tăng 800 đồng so với 28.200 đ/kg (4/2); cao su SVR 3L tăng lên 23.600 đ/kg so với 28.000 đ/kg; cao su SVR10 tăng lên 23.600 đ/kg so với 23.100 đ/kg; mủ cao su tạp (dạng chén) giao dịch tại 10.100 đồng/kg tăng 800 đồng/kg.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi, thị trường cao su trong nước diễn biến theo xu hướng giảm, tuy nhiên mức giảm giá đối với các loại cao su không lớn. Ngày 25/2, giá cao su tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương giảm nhẹ so với ngày 13/2. Cụ thể: giá mủ cao su RSS3 giảm từ 29.400 đ/kg xuống còn 29.100 đ/kg, cao su SVR 3L giảm từ 29.200 đ/kg xuống còn 28.900 đ/kg, cao su SVR10 giảm từ 24.000 đ/kg xuống còn 23.800 đ/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá SVR 3L chào bán của Việt Nam trung bình tháng 2/2015 đạt 1.547 USD/tấn, giảm 26 USD/tấn (-1,6%) so với mức trung bình trong tháng 1/2015, và giảm 672 USD/tấn (-30,3%) so với tháng 2/2014.

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters
  4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy…

Theo Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác