Thời gian qua khi đi công tác ở tỉnh Bình Phước, chúng tôi đã có dịp về thăm một số khu vườn tiểu điền của các bà con trồng cao su tại đây. Chúng tôi nhận ra nhiều bà con có cung cách làm ăn khá khoa học và hiệu quả. Đặc biệt với các hộ nông dân sớm nhận biết diện tích đất sản xuất của mình không nhiều, họ bèn tiến hành xen canh những loại cây trồng ngắn ngày hơn nhằm gia tăng thêm nguồn thu nhập.

Cây đu đủ trồng xen canh trong vườn cao su tiểu điền ở Phước Long

Cây đu đủ trồng xen canh trong vườn cao su tiểu điền ở Phước Long

Bà con đều cho rằng xen canh chính là quy trình canh tác trồng đồng thời nhiều loại cây khác nhau trên cùng một khu đất. Việc làm này vừa là biện pháp tốt nhất để đồng thời sử dụng tối ­ưu hoá các điều kiện sử dụng quỹ đất, tiếp thu ánh sáng, sử dụng nguồn n­ước tưới, tạo điều kiện bổ sung chất dinh d­ưỡng làm tăng năng suất lại vừa giúp làm giảm thiệt hại do các loài dịch hại gây ra cho cây trồng chính tức là cây cao su.

Nói riêng về 2 thị xã Phước Long và Bình Long (tỉnh Bình Phước) mà chúng tôi đã đến tham khảo là những nơi có thế mạnh về tiềm năng thổ nhưỡng, với phần lớn là đất đỏ bazan thích hợp cho các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, tiêu, điều…cùng các loại cây hoa màu lương thực khác.

Được biết trước đây (khoảng năm 2010 trở về trước), người nông dân ở Phước Long và Bình Long thường có xu hướng chọn xen cây khoai mì (sắn) vào các vườn cao su non nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học, cán bộ ngành chức năng ở địa phương và kinh nghiệm của chính người trồng, việc này khiến đất ngày càng bạc màu, gây ảnh hưởng không tốt đến năng suất, chất lượng của cây trồng chính.

Vì vậy, bà con đã bắt đầu tìm tòi những mô hình mới, loại cây trồng mới để trồng xen vào các vườn cao su sao cho nó thật sự có lợi ích kinh tế vừa ở loại cây trồng phụ xen lẫn cây chủ lực. Chẳng hạn như về nguyên tắc cần phải chọn những cây trồng xen thích hợp sao cho chúng mang lại lợi ích cho cả hai hoặc ít nhất cũng không gây ảnh h­ưởng xấu cho nhau.

Tiếp tục khảo sát tại TX Phước Long, chúng tôi biết tại đây rất nhiều hộ tiểu điền thường cho trồng xen cây đu đủ trong vườn cao su. Ví dụ trường hợp gia đình ông Tư Thành cư ngụ phường Thác Mơ với vườn cao su tiểu điền trên 5 héc-ta nay được khoảng 5 năm tuổi. Ông Tư Thành nói: “Do không chịu ngồi yên chờ cao su cho thu hoạch mà giá bán mủ cao su hiện không cao, vì thế tôi luôn mày mò tìm tòi loại cây trồng xen thích hợp. Qua tham khảo kinh nghiệm thực tế từ các mô hình trồng xen cây bí đỏ, đậu cô-ve, cây đu đủ từ một số chủ vườn ở Bình Dương, Đồng Nai. Lựa chọn cuối cùng của tôi là cây đu đủ vì thấy nó vừa cho thu nhập cao cộng thêm những ích lợi cho cây cao su. Ngay từ đầu năm 2012, tôi đã tiến hành trồng xen đu đủ đồng loạt trên vườn cao su. Tôi nhận thấy nếu chăm bón tốt thì cây đu đủ cho thu hoạch kéo dài khoảng 3-4 năm, trong đó năm đầu sẽ thu hồi số tiền đầu tư, còn lãi sẽ được tính từ năm thứ hai trở đi…”.

Nói về lợi ích với cây cao su, ông Tư Thành cho biết: “Cứ giữa hai hàng cao su ta lại trồng xen hai hàng đu đủ, khoảng từ 20 ngày đến 1 tháng bắt đầu bón phân cho đu đủ một lần kết hợp tưới nước thường xuyên. Đất được giữ ẩm và bổ sung lượng dinh dưỡng cần thiết cho đu đủ vô hình trung làm cho cây cao su cũng hấp thụ được và phát triển xanh tốt. Do vậy, suốt mấy năm qua, vườn cao su trồng xen của gia đình tôi không phải bón phân mà cây vẫn xanh tốt, rõ ràng giảm được một khoản tiền không nhỏ”.

Riêng về giống, ông Tư Thành nói: “Bà con nên chọn giống đu đủ lùn Thái Lan,  sau khi trồng 5 – 7 tháng đã cho thu hoạch. Độ đóng trái thấp, từ 40 – 50 cm nên rất tiện chăm sóc, thu hoạch và kéo dài chu kỳ kinh doanh, gia tăng hiệu quả kinh tế. Tùy chế độ chăm sóc và mùa vụ, giống cho trái ở 2 dạng: Trái tròn và trái dài, trong đó tỷ lệ trái dài nhiều hơn, bán được giá cao hơn vì nhiều người ưa chuộng. Trọng lượng bình quân 1,5 – 2 kg/trái, có trái nặng tới 3 kg. Với giá bán bình quân từ 4.000 – 8.000 đồng/kg tùy vụ, giống đu đủ lùn Thái Lan có thể cho thu hoạch trên 25-30 triệu đồng/1.000m2/năm”

Trong khi đó tại xã Thanh Lương (TX. Bình Long), anh Mười Dũng cùng nhiều hộ tiểu điền khác cũng khá thành công với mô hình trồng xen cây chanh tứ quý (chanh không hạt) trong diện tích hơn 2 ha cao su tiểu điền của gia đình.

Anh Mười Dũng nói: “Qua tìm hiểu, nhận thấy cây chanh tứ quý có thể phát triển trên nền đất sỏi cơm ở địa phương nên từ đầu năm 2012, tôi và một số bà con đã tìm về tỉnh Tiền Giang chọn mua hơn 1.000 cây mang về trồng xen trong vườn cao su gia đình. Do thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên cây chanh tứ quý phát triển khá mạnh và cho năng suất cao. Sau khi trồng 2 năm sẽ cho thu hoạch rộ. Năng suất quả có thể cho từ 150 – 200 kg/năm/cây.Với hơn 2 ha chanh trồng xen trong vườn cao su, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch hơn 20 tấn trái. Với giá bán hiện nay 25-30 ngàn đồng/kg, xem ra 1 ha chanh trồng xen trong vườn cao su cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm”.

Vẫn theo lời anh Mười Dũng, cây chanh tứ quý có ưu điểm nổi bật là có thể trồng quanh năm và cho trái quanh năm, sức kháng bệnh mạnh, ít bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh như các loại cây có múi khác. Phương thức và mật độ trồng: cây cách cây 3 mét, hàng cách hàng 4 mét.

Cách trồng: đào một hốc trồng kích thước 0,6×0,6×0,6 mét ngay giữa mô. Khi trồng, cho một lớp phân đã trộn với đất vào hốc sao cho khi đặt bầu cây thì mặt bầu ngang mặt mô, dùng dao cắt đáy bầu, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao ni-lông lên và lấp đất lại, tưới nước. Để đủ đất cho bộ rễ phát triển, hàng năm cần phải đắp đất thêm cho mô. Sau khi trồng nên cắm cọc giữ chặt cây con nhằm tránh gió, mưa làm lung lay bộ rễ dễ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Ngoài ra, đa số rễ chanh thường mọc cạn, nhiệt độ của đất cao trong mùa khô ảnh hưởng đến bộ rễ cây nên cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng cách tận dụng lá khô của cây cao su và ủ cách gốc khoảng 20cm. Biện pháp này cũng tránh được cỏ dại phát triển, đồng thời khi lá cao su khô bị phân hủy sẽ cung cấp mùn tạo độ phì nhiêu màu mỡ cho đất.

Cũng như trường hợp anh Tư Thành ở Phước Long, anh Mười Dũng nói: “Cây chanh tứ quý sau khi trồng 1 năm đã báo quả, từ khi ra hoa đến thu hoạch độ chừng 3-4 tháng. Tuy nhiên, để cây chanh đạt năng suất, chất lượng, người trồng cần xử lý cho cây ra hoa tập trung, cho đậu trái nhiều vào một vụ chính từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch hàng năm. Và để ra trái theo ý muốn, bà con cần áp dụng phun thuốc kích thích làm cho chanh rụng lá, ra đọt, bông. Việc trồng xen cây chanh vào vườn cao su sẽ rất có lợi cho người trồng. Vì cây chanh có thể phát triển tốt trong vườn cao su, ngược lại cây cao su sẽ có thêm nguồn dinh dưỡng từ việc chăm sóc cho cây chanh”.

Nguyễn Sinh

(Trung tâm Nghiên cứu Triển khai – Khu công nghệ cao TP HCM)
Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác