Ngành cao su thiên nhiên chưa đến nỗi quá đáng ngại bởi giá mủ cao su đã phục hồi nhẹ trở lại.

Giá cao su tăng nhẹ

Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 4, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt trên 252.000 tấn, giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.429 USD/tấn (tương đương khoảng 30 triệu đồng/tấn).

Trên thị trường thế giới, tính tới cuối quý I/2015, giá cao su đã phục hồi nhẹ, tăng khoảng 2% tại Thái Lan và khoảng 5% tại Nhật Bản so với đầu năm. Nếu so với mức đáy vào tháng 9/2014, giá cao su hiện đã tăng khoảng 16% tại Thái Lan và 18% tại Nhật Bản.

Thực tế, trong vòng 1 tháng qua, giá cao su xuất khẩu đã tăng 5 – 6 triệu đồng/tấn, từ mức 24 triệu đồng/tấn trong tháng 4 tăng lên trên 30 triệu đồng/tấn gần đây. Giá cao su khó đoán vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bởi tỷ trọng xuất khẩu cao su của Việt Nam vào thị trường này chiếm đến 56%. Tuy nhiên, cao su thiên nhiên vẫn có triển vọng lâu dài vì có những mặt hàng buộc phải dùng mủ cao su như: vỏ xe, găng tay, bong bóng…, mà cao su nhân tạo không thể thay thế được.

Theo báo cáo phân tích của CTCK Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBS), giá cao su thiên nhiên có xu hướng phục hồi, mặc dù tốc độ còn khiêm tốn nhưng đã tăng đáng kể so với mức đáy tháng 9/2014. Thêm vào đó, sự sụt giảm nguồn cung sẽ hỗ trợ xu hướng phục hồi của giá cao su.

Tổ chức Nghiên cứu cao su thế giới (IFSG) cho biết, từ đầu năm đến nay, sản lượng cao su thiên nhiên đã giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua, giảm 3,3% so với năm 2014 do các nhà sản xuất cao su thiên nhiên ngừng khai thác và chuyển sang trồng loại cây mới để đối phó với tình trạng giá cao su xuống thấp. Thị trường cao su thiên nhiên đã bị thiếu hụt nhẹ khoảng 45.000 tấn trong năm 2014, sau giai đoạn dư thừa lớn từ năm 2010 đến 2013. 

Cơ hội cho cổ phiếu cao su thiên nhiên trong ngắn hạn

Giá mủ cao su tăng nhẹ trở lại là niềm vui đối với DN cao su, tuy nhiên, cơ hội phục hồi lâu dài còn khá mong manh.

Theo ông Trương Hiền Phương, Tổng giám đốc CTCK KIS – Chi nhánh TP. HCM, nếu giá cao su thiên nhiên tăng trở lại thì giá cổ phiếu của các DN lĩnh vực này cũng có triển vọng tăng thêm từ 10 – 20% so với thị giá.

Nhìn lại diễn biến giá cổ phiếu ngành cao su thiên nhiên thời gian qua cho thấy, giá cổ phiếu đã giảm dần đều từ giữa năm 2014 đến nay và thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, nhìn biểu đồ giá  có thể thấy sự phục hồi nhẹ trong hai tháng gần đây.

Cụ thể, TRC chạm đáy 23.600 đồng/CP giữa tháng 5 đã xanh nhẹ trở lại và hiện đang ở mức 25.100 đồng/CP. HRC cũng thiết lập mức giá mới khi từ mức đáy 42.000 đồng/CP giữa tháng 4, duy trì đi ngang ở mức giá 46.500 đồng/CP trong tháng 5, đã bật trở lại ở mức 47.800 đồng/CP ngày 16/6. Bên cạnh đó, PHR có sự biến động giá khá nhạy khi lên xuống liên tục từng ngày. So với mức đáy thiết lập ngày 12/2 là 18.700 đồng/CP, mức giá hiện tại của PHR đã nhích nhẹ lên 20.000 đồng/CP. Chỉ riêng DPR đang trên đà đi xuống khi giá liên tục giảm từ mức 36.000 đồng/CP xuống còn 31.900 đồng/CP ngày 16/6.

Theo đánh giá của VPBS, chỉ số ROA và ROE của các công ty trong ngành cao su tự nhiên sẽ giảm đột ngột và chỉ số P/E sẽ điều chỉnh tăng trong năm 2015. Theo đó, ROA trung bình của các cổ phiếu cao su thiên nhiên ở mức 7,0% và ROE trung bình là 9,6% và P/E là 8,8 lần.

Theo Đầu tư chứng khoán

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác