I. Thế giới:

Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm nay dự báo sẽ tăng 2% lên 12,275 triệu tấn, và tăng lên 12.635 triệu tấn năm 2015, theo IRSG. Nhu cầu sẽ tăng 4,5% lên 11,904 triệu tấn năm 2014 và 12,433 triệu tấn năm 2015. Sản lượng cao su thiên nhiên thế giới sẽ vượt nhu cầu 202.000 tấn trong năm 2015, giảm so với 371.000 tấn năm 2014 và 650.000 tấn năm 2013. Như vậy, dư thừa cao su thiên nhiên thế giới trong năm 2015 giảm 46% do nhu cầu tiêu thụ tăng và nông dân giảm khai thác mủ do giá mủ giảm.

Kể từ đầu năm nay, giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) đã giảm 28% xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua vào tháng 6/2014. Nguồn cung tăng sau khi giá đạt kỷ lục 3 năm trước đã thúc đẩy sản lượng tăng khi nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nước sử dụng cao su lớn nhất thế giới, chậm lại. Dư thừa cao su hiện đang làm giảm lợi nhuận của nông dân quy mô nhỏ – chiếm 80% nguồn cung toàn cầu trong bối cảnh dự báo doanh số bán xe hơi toàn cầu đạt kỷ lục. Nông dân quy mô nhỏ tại các nước sản xuất cao su bắt đầu phản ứng với sự sụt giảm liên tục của giá cao su. Nông dân đang giảm thậm chí ngừng khai thác mủ. Giá cao su thiên nhiên giảm, nhu cầu tiêu thụ hồi phục chậm hơn dự đoán, nguồn cung tăng là nguyên nhân dẫn đến dự trữ cao su tăng.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đại diện cho các nước sản xuất cao su chính trên thế giới như Thái Lan, In-đô-nê-xia và Việt Nam, sản lượng từ các nước sản xuất chính – chiếm 93% tổng sản lượng toàn cầu – trong 7 tháng đầu năm 2014 đạt 5,83 triệu tấn, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 8/2014, giá cao su thiên nhiên thế giới tiếp tục có xu hướng giảm. Tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo, Nhật Bản (Tocom), giá cao su giao kỳ hạn tháng 1/2015, hợp đồng cao su có giao dịch sôi động nhất, giảm 4,18% từ 208 yên/kg (giá đóng cửa ngày 1/8) xuống còn 199,3 yên/kg (giá đóng cửa ngày 20/8). Nguyên nhân là do tác động của thông tin không khả quan từ ngành dịch vụ của Trung Quốc và tình hình căng thẳng leo thang tại Uc-rai-na đã khiến các chỉ số chứng khoán tại châu Á giảm điểm. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua khi tồn kho dầu ở Tây Phi liên tục tăng cao bất chấp tình hình chiến sự tại các nước Li-bi, I-rắc và Uc-rai-na. Số liệu GDP quý II/2014 của Nhật Bản cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua.

Các yếu tố tác động đến thị trường cao su thế giới trong tháng 8/2014 bao gồm:

– Thặng dư thương mại Trung Quốc tăng kỷ lục trong tháng 7/2014 khi xuất khẩu tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng dự báo 7% của các chuyên gia, trong khi nhập khẩu giảm 1,6%.

– Giá dầu Brent thế giới đã giảm 10% kể từ tháng 6/2014 xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm, bất chấp chiến sự tại Li-bi, I-rắc và Uc-rai-na, do nguồn cung dầu thế giới vẫn ở mức cao, đặc biệt là tồn kho dầu tại Tây Phi, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại các nhà máy lọc dầu ở châu Âu và châu Á giảm.

– Kinh tế Nhật Bản suy giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm, với chỉ số GDP quý II/2014 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là hậu quả của đợt tăng thuế hồi tháng 4/2014.

Báo cáo mặt hàng cao su tháng 8/2014II. Việt Nam:

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp và PTNT, mặc dù có những ngày tăng giá trong tháng 8/2014, giá mủ cao su tại Bình Phước vẫn tiếp tục đi xuống so với tháng trước. Cuối tháng 7/2014, giá mủ cao su dạng nước đứng ở mức 9.600 đ/kg, thì đến đầu tháng 8 giá đã giảm xuống 8.960 đ/kg, rồi tiếp tục giảm xuống chỉ còn 8.480 đ/kg, sau đó hồi phục lên 9.120 đ/kg. Giá cao su trong nước liên tục giảm từ đầu năm 2014 đến nay đã khiến một bộ phận người trồng cao su thanh lý vườn cây trước hạn, bao gồm cả cây cao su trồng mới và cây đang khai thác. Diện tích cao su dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2014, do đó sản lượng cao su sẽ giảm trong những năm tiếp theo.

Bức tranh thị trường cao su trong nước vẫn ảm đạm trong bối cảnh khủng hoảng thừa cao su thiên nhiên toàn cầu do kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới – tăng trưởng chậm lại. Theo báo cáo thống kê của CIS, xuất khẩu cao su trong 7 tháng đầu năm ước đạt 451 nghìn tấn với giá trị 828 triệu USD, giảm 10% về khối lượng và giảm 32,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Trong nửa đầu năm nay, bình quân giá xuất khẩu cao su chỉ đạt 1.870 USD/tấn, giảm 25,76% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù Trung Quốc và Ma-lay-sia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Trung Quốc giảm 23,6% về khối lượng và giảm 42,61% về giá trị; Ma-lay-sia giảm 13,41% về khối lượng và giảm 41,32% về giá trị.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), bước sang tháng 7/2014 và đầu tháng 8/2014, giá xuất khẩu cao su vẫn chưa khởi sắc. Giá xuất khẩu cao su SVR 3L (mặt hàng chiếm khối lượng lớn nhất trong tổng số cao su xuất khẩu của Việt Nam) trung bình trong 3 tuần đầu tháng 7 chỉ đạt 1.931 USD/tấn, giảm 34 USD so với mức trung bình tháng 6, và giảm 294 USD so với tháng 7-2013. Giá SVR 3L xuất khẩu trung bình hai tuần đầu tháng 8/2014 đạt 1.809 USD/tấn, giảm 91 USD/tấn (-4,8%) so với mức trung bình trong tháng 7/2014 và giảm 520 USD/tấn (-22,3%) so với tháng 8/2013.

Dự báo khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 không có nhiều thay đổi so với năm 2013, dao động từ 858.980 tấn đến 1,2 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu dự báo đạt 1,85 – 1,99 tỷ USD.

Báo cáo mặt hàng cao su tháng 8/2014

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters
  4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy.

Nguồn: Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác