I. Thế giới:

Thị trường cao su kỳ hạn Tokyo, Nhật Bản (Tocom) đã có kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động dài, từ 2/5 đến 6/5/2015. Sau khi mở cửa trở lại, giá cao su kỳ hạn đã tăng khá mạnh. Tháng 5 này ghi nhận xu hướng biến động mạnh mẽ của thị trường cao su kỳ hạn, với những phiên giá giảm sâu và bật tăng trở lại ngay sau đó. Thị trường cao su kỳ hạn được nâng đỡ bởi các nhà đầu tư hy vọng rằng, việc cắt giảm lần thứ ba về tỉ lệ lãi suất của Trung Quốc trong 6 tháng, sẽ giúp nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới ngăn chặn suy giảm kinh tế rõ nét hơn. Nhờ đó, nhu cầu tiêu thụ cao su của nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới này sẽ cải thiện. Mặc dù vậy, phiên giao dịch 14/5 và 20/5 đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh do giá dầu suy yếu và tác động giảm giá từ sàn giao dịch cao su Thượng Hải. Kết thúc phiên giao dịch 20/5, hầu hết các hợp đồng cao su tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giao kỳ hạn tháng 9/2015 giảm 645 NDT hoặc 4,5%, xuống còn 13.755 NDT (tương đương 2.216,26 USD)/tấn. Hợp đồng benchmark giao tháng 10/2015 tại trên sàn Tocom cuối ngày 20/5 giảm xuống mức thấp trong 3 tuần do giá dầu giảm, giảm 4,9 Yên so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước (15/5) xuống còn 215,6 Yên/kg. Hợp đồng giao tháng 5/2015 giảm 5 Yên so với phiên cuối tuần trước xuống còn 207 Yên/kg.

Phiên giao dịch 18/5 kết thúc với giá các hợp đồng cao su tăng cao nhất trong tháng 5, với hợp đồng benchmark giao tháng 10/2015 đạt 223,9 Yên/kg. Đây cũng là mức cao trong 13 tháng qua.

Giá dầu thế giới đã giảm hơn 3% phiên 19/5, với giá dầu thô Mỹ giảm trong phiên thứ 5 liên tiếp do đồng đô la Mỹ mạnh và bằng chứng cho thấy nguồn cung tại Mỹ và nhà xuất khẩu dầu hàng đầu A-rập Xê-út lớn hơn cầu thị trường thế giới.

Phiên họp đặc biệt cấp Bộ trưởng của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Ma-lai-xia, nhằm thảo luận các biện pháp đảm bảo ổn định giá cao su thiên nhiên trong dài hạn, thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong Hiệp hội và tăng cường vai trò của Hiệp hội trong tương lai. Các Bộ trưởng nhất trí giao cho Ban thư ký Hiệp hội thành lập Nhóm chuyên gia nghiên cứu thị trường, sớm đưa ra các giải pháp hiệu quả để cân đối cung – cầu, ổn định giá cả trên thị trường và đặc biệt là thành lập sàn giao dịch chung để quản lý nguồn cung, điều phối thị trường cao su. Tại phiên họp, Việt Nam được chào đón để trở thành một thành viên của Hội đồng trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác cùng với các nước sản xuất cao su chủ chốt trên thế giới như Thái Lan, Ma-lai-xia, In-đô-nê-xia để nâng giá cao su lên mức thực tế hơn, giúp người nông dân trồng cao su thoát khỏi khó khăn, cải thiện đời sống.

Sau khi một phái đoàn các quan chức Thái Lan đến Côn Minh, Trung Quốc dự cuộc họp song phương lần thứ II về hợp tác trong lĩnh vực nông sản, Thái Lan đã yêu cầu Trung Quốc mua 200.000 tấn cao su với mức giá cao hơn giá thị trường hiện tại. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, động thái này nhằm đẩy giá cao su lên cao hơn trong tương lai và giúp người trồng cao su Thái Lan có thêm thu nhập.

II. Việt Nam:

  1. Tình hình thị trường:

Giá cao su trong nước tháng 5 diễn biến giảm trong bối cảnh thị trường cao su thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc. Giá cao su các loại tại Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương giảm từ 1.000 – 1.100 đ/kg. Cụ thể: cao su SVR3L giảm từ 29.800 đ/kg vào đầu tháng xuống còn 28.800 đ/kg; cao su SVR10 giảm từ 24.600 đ/kg xuống còn 23.700 đ/kg. Người dân trồng cao su tại tỉnh Bình Phước đã bắt đầu khai thác mủ trở lại sau một thời gian cây cao su thay lá. Giá mủ hiện đang ở mức rất thấp khiến người trồng chán nản muốn chặt bỏ cây cao su để trồng cây khác có lợi nhuận cao hơn. Tại huyện Phước Long, mủ cao su dạng nước chất lượng 35 độ/kg hiện được thu mua với giá 6.400 đ/kg, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái giá mủ ở mức khoảng 9.500 đ/kg.

Không những thế, hàng ngàn hecta cao su đang bị người trồng chặt bỏ khi giá mủ xuống quá thấp trong mấy năm liên tục. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, hơn 1.800 hecta cao su đã bị chặt hạ. Riêng huyện Bù Đốp đã có tới gần 400 hecta cao su bị chặt phá để thay thế bằng cây tiêu và điều.

Không chỉ Bình Phước, hiện người dân Bình Dương, Đăk Nông cũng đang chặt cao su để chuyển đổi cây trồng với diện tích tăng dần. Và trong lúc giá cao su đang xuống thấp, người dân cắn răng đua nhau phá bỏ thì những người được thuê cưa hạ cây cao su lại là những người làm ăn được nhất.

  1. Tình hình xuất khẩu:

Trong tuần từ 11/5 – 15/5/2015, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán giữ ổn định, giá SVR 3L xuất khẩu chào bán vẫn là 1.670 USD/tấn, không đổi so với ngày đầu tuần và ngày cuối tuần trước đó (8/5). Trong tháng 5/2015, từ ngày 01 – 15/5, giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu chào bán đạt trung bình 1.655 USD/tấn, tăng 73 USD/tấn (+4,6%) so với mức trung bình trong tháng 4/2015, nhưng giảm 368 USD/tấn (-18,2%) so với tháng 5/2014.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 52.517 tấn cao su tự nhiên trong tháng 4/2015, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với tháng 3/2015, xuất khẩu cao su tháng 4/2015 giảm 19%. Về kim ngạch, xuất khẩu cao su tháng 4/2015 đạt gần 76 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm 18,5% so với tháng 3/2015. Về cơ cấu sản phẩm, cao su hỗn hợp là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 4/2015, đạt 19.761 tấn (37,6%), giá trị 28,24 triệu USD, tăng mạnh 50,6% về lượng so với tháng trước. Tiếp đến là cao su khối SVR 3L với tỷ trọng xuất khẩu giảm mạnh so với các tháng trước, đạt 9.781 tấn (18,6%), trị giá 15,04 triệu USD, với đơn giá 1.538 USD/tấn, giảm 39,0% về lượng và giảm 38,5% về giá trị so với tháng 3/2015.

Từ đầu tháng 5, xuất khẩu cao su thiên nhiên (dạng sản phẩm hỗn hợp) sang thị trường Trung Quốc có chiều hướng tăng trưởng tốt. Khối lượng tham gia giao dịch đều tăng và tương đối vững chắc, hiện tại đạt gần 900 tấn/ngày. Trong đó, lượng hàng giao nhận qua của khẩu Lạng Sơn là thấp nhất, chỉ 250 tấn/ngày. Giá xuất khẩu tại các cửa khẩu phía Bắc tăng so với tháng trước, đạt bình quân 9.900 NDT/tấn. Dự báo, trong một tháng kể từ trung tuần tháng 5, các đối tác Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su để dự trữ vào giai đoạn cuối quý 2/2015 phòng ngừa thiếu nguyên liệu cung ứng cho sản xuất săm lốp. Giá cao su xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tăng lên.

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters

Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy…

Theo Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác