I. Thế giới:

Nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới được Công ty Rubber Economist Ltd. dự báo sẽ tiếp tục dư thừa trong vòng 2 năm tới, giá cả mặt hàng cao su sẽ vẫn thấp ngoại trừ khả năng nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc tăng nhanh hơn dự đoán. Dư thừa cao su thiên nhiên trong năm thứ 6 liên tiếp có thể tiếp tục làm giảm giá cao su thiên nhiên đến tận năm 2016 khi cây cao su trưởng thành giúp tăng sản lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Theo dự báo của Rubber Economist Ltd., năm 2016 cung cao su sẽ vượt cầu khoảng 316.000 tấn, giảm so với 483.000 tấn vào năm 2015.

Bên cạnh đó, Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) cũng nâng dự báo sản lượng cao su thiên nhiên sẽ tăng khi cây cao su trồng trong giai đoạn 2006 – 2008 trưởng thành và bắt đầu cho khai thác mủ. Mặc dù hiện tượng El Nino có thể là chưa đủ để làm giảm lượng dư thừa cao su, nhưng hiện tượng thời tiết gây khô hạn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể giúp hạn chế mức giảm giá cả. El Nino năm 1997-1998 đã khiến sản lượng cao su năm 1997 chỉ tăng trưởng 0,4%, giảm mạnh so với 6% năm 1996.

Báo cáo ngành hàng cao su: tháng 6/2014

Giá cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo (Tocom) diễn biến khá tích cực trong tháng 6, tuy nhiên xu hướng tăng sẽ không thể duy trì lâu do nguồn cung cao su vẫn đang tăng lên. Sau khi tụt xuống mức thấp trong vòng 4 năm kết thúc phiên giao dịch 2/6 do mối lo ngại về thặng dư cao su toàn cầu tiếp tục kéo dài và Trung Quốc ngừng mua cao su để nghỉ lễ, giá cao su thiên nhiên tại Tocom bắt đầu giai đoạn hồi phục. Trong tuần từ 9/6 – 13/6, giá cao su RSS3 tăng đáng kể tại Tocom, với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2014 đạt 201,1 yên/kg lúc đóng cửa phiên giao dịch 13/6, tăng so với 193,8 yên/kg lúc đóng cửa phiên 9/6. Vào đầu tháng (2/6), giá đóng cửa hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2014 chỉ đạt 192,7 yên/kg. Tuy nhiên, các mức cao hiện nay vẫn dưới ngưỡng tâm lý 200 yên/kg và giá vẫn dao động trong biên độ hẹp nên nhìn chung thị trường cao su Tocom nói riêng và thị trường thế giới nói chung vẫn trong ngưỡng thấp.

Các yếu tố tác động đến biến động giá cao su thế giới trong tháng bao gồm:

– Tồn kho cao su được giám sát bởi Sở Giao dịch Thượng Hải đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2013, đạt khoảng 154.000 tấn, nhưng tồn kho trong kho ngoại quan tại Thanh Đảo vẫn ở mức cao và theo các đại lý là hơn 300.000 tấn.

– Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 14 tuần khi giới đầu tư nhận thấy những dấu hiệu tăng mạnh trong nhu cầu tiêu thụ nửa sau năm 2014.Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2014 tăng 1,7% lên 104,41 USD/thùng trên sàn Nymex – mức giá cao nhất kể từ ngày 3/3. Giá dầu Brent tăng 1,3% lên 109,99 USD/thùng trên sàn ICE.

– Thặng dư thương mại tháng 5/2014 của Trung Quốc tăng vọt. Số liệu cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc đạt được đà tăng trưởng trong tháng 5 nhờ nhu cầu của thế giới ổn định hơn. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 5, xuất khẩu tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tháng 5 tăng mạnh hơn tháng 4 với mức tăng 0,9% và mức tăng dự báo 6,6%.

II. Việt Nam:

Báo cáo ngành hàng cao su: tháng 6/2014

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá mủ cao su thiên nhiên biến động thiếu ổn định trong những ngày đầu tháng 6. Trong đó, giá thu mua mủ cao su dạng nước tại Bình Phước ngày 2/6 ở mức 8.960 đ/kg, sau đó tăng lên 9.600 đ/kg vào ngày 4/6 và duy trì ở mức này cho đến ngày 9/6 đã giảm trở lại mức 8.960 đ/kg, đến ngày 13/6 lại nhích lên 9.920 đ/kg. So với tháng 5, có thể nói giá mủ cao su đã tăng trở lại.

Trên thị trường xuất khẩu, trong tuần từ 9/6 – 13/6, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chỉ giảm vào ngày 10/6, sau đó giữ ổn định. Giá cao su SVR 3L ngày 13/6 đạt 1.945 USD/tấn, giảm 70 USD/tấn so với ngày 9/6 và 6/6. Giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu trung bình hai tuần đầu tháng 6/2014 đạt 1.987 USD/tấn, giảm 36 USD/tấn (-1,8%) so với mức trung bình tháng 5/2014, và giảm 431 USD/tấn (-17,8%) so với tháng 6/2013.

Theo báo cáo thống kê của CIS, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 5/2014 đạt 51 nghìn tấn với giá trị 96 triệu USD, với ước tính này 5 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su cả nước đạt 239 nghìn tấn với giá trị đạt 473 triệu USD, giảm 20,2% về khối lượng và giảm 39,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2014 đạt 1.997 USD/tấn, giảm 24,89% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng năm 2014, nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013, cụ thể: Trung Quốc giảm 37,65% về khối lượng và giảm 53,26% về giá trị; Malaysia giảm 22,61% về khối lượng và giảm 45,86% về giá trị. Thị trường Hà Lan có tốc độ tăng nhanh nhất, gấp hơn 6 lần về lượng và hơn 4 lần về giá trị so với 4 tháng đầu năm 2013.

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT

2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS

3. Tin Reuters

4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy.

Nguồn: Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác