Thế giới:

1. Sản xuất

Tổng cục Cao su Ấn Độ, Hội Các nhà sản xuất cao su Ấn Độ và một số các tổ chức tình nguyện đang hợp tác triển khai chiến dịch tuyên truyền cho việc trồng cây cao su theo hướng phát triển bền vững. Đây là nỗ lực để hỗ trợ giá cao su và tăng thu nhập từ các vườn cao su. Chiến dịch được tổ chức từ ngày 20/4/2015 đến ngày 29/5/2015 và Tổng cục Cao su Ấn Độ đã có cuộc họp với trên 100 ngàn hộ tiểu điền tại những vùng trồng cao su ở các bang Kerala, Tamil Nadu và Karnataka. Ngoài chủ đề về kỹ thuật tái canh cao su, cuộc họp cũng thảo luận về các chủ đề như nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây, trồng xen cây lương thực để tăng thu nhập, cơ giới hóa nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận góp đất trồng cao su, cách giữ ẩm đất, kỹ thuật thu hoạch mủ cao su, thực hành tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, phòng trừ bệnh hại…

2. Thị trường và biến động giá cả:

Giá cao su thế giới tiếp tục xu thế giảm trong tháng 6, với hai thị trường giao dịch lớn là kim chỉ nam cho giá cao su thế giới là Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) và thị trường physical Thái Lan đều cho thấy giá giảm. Giá cao su thiên nhiên hợp đồng benchmark giao tháng 11/2015 tại Tocom đã giảm tổng cộng 9,7 Yên/kg, từ 240,4 Yên/kg (ngày 2/6) xuống còn 230,7 Yên/kg (ngày 23/6). Nguyên nhân chủ yếu khiến giá cao su tại Tocom giảm là sự biến động tăng giảm thất thường của đồng Yên so với đô la Mỹ, giá dầu thế giới giảm.

Giá cao su giao kỳ hạn tại Tocom khi tăng liên tiếp vào cuối tháng 5 đã sụt giảm trở lại trong tuần tuần đầu tháng 6, chạm mức thấp trong 10 ngày vào cuối phiên giao dịch 9/6. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo để chốt lời trong khi đồng Yên tăng mạnh so với đô la Mỹ và lo ngại nhu cầu chậm chạp tại Trung Quốc. Đồng Yên tăng khiến các hàng hóa mua bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 giảm mạnh so với dự kiến, chính sách kích thích kinh tế có thể ngăn chặn sự suy giảm ở nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Kết thúc phiên giao dịch 10/6, hợp đồng benchmark giao tháng 11/2015 đạt 234,7 Yên/kg, giảm 5,7 Yên so với phiên cuối tuần trước (5/6). Hợp đồng giao tháng 6/2016 đạt 221,9 Yên/kg, giảm 5,5 Yên so với phiên 5/6.

Trong tuần từ ngày 8-17/6, giá cao su giao kỳ hạn tại Tocom giảm mạnh trong hai ngày 12 và 15/6, sau đó hồi phục nhẹ trở lại trong hai ngày giao dịch tiếp theo. Trước đó, hợp đồng benchmark giao tháng 11/2015 giảm xuống mức thấp 3 tuần vào cuối phiên 15/6, do giá dầu thô suy giảm và giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải giảm phiên cuối tuần trước (12/6), khiến tâm lý các nhà đầu tư trở nên nặng nề. Cuối phiên 15/6, hợp đồng benchmark giao tháng 11/2015 chỉ đạt 228,9 Yên/kg, giảm 9,1 Yên so với phiên đầu tuần trước (8/6); hợp đồng giao tháng 6/2015 đạt 216,3 Yên/kg, giảm tới 9,9 Yên. Giá cao su trước đó giảm xuống mức thấp 230,2 Yên/kg, mức thấp nhất kể từ ngày 27/5. Sang ngày giao dịch 16/6, giá cao su hợp đồng đã hồi phục từ mức thấp 3 tuần do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua bù thiếu sau 2 ngày giảm mạnh. Hợp đồng benchmark giao tháng 11/2015 cuối phiên 16/6 đạt 229,8 Yên/kg.

Việt Nam:

  1. Tình hình trong nước:

Trong tháng 6, giá mủ cao su tại Bình Phước diễn biến tăng tích cực, từ 7.040 đ/kg lên 9.600 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ/kg. Đồng thời, giá mủ cao su tại Phú Yên cũng tăng trở lại sau thời gian rớt giá mạnh. Hiện giá mủ cao su được các thương lái thu mua ở mức 12.000 đ/kg mủ đông, tăng 4.000 đ/kg so với giá bình quân vụ năm 2014, tương đương với giá mủ năm 2013, nhưng cũng chỉ bằng 1/3 giá của năm 2010. Trong khi đó, giá cao su thành phẩm tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương lại giảm nhẹ so với tháng 5. Cụ thể, cao su SVR3L giảm từ 31.400 đ/kg xuống còn 29.800 đ/kg; cao su SVR10 giảm từ 25.800 đ/kg xuống còn 24.600 đ/kg.

Đến thời điểm viết báo cáo, giá cao su trong nước đã tăng nhẹ trở lại sau khi thị trường phản ứng tích cực trước việc Thái Lan – nước có sản lượng cao su lớn nhất thế giới – thực hiện kế hoạch chặt bỏ những vườn cao su nằm ngoài quy hoạch. Trong thời gian qua, khi giá cao su xuống thấp, những quốc gia có sản lượng cao su lớn như Thái Lan, Ma-lai-xia, In-đô-nê-xia thường có những chính sách đối phó với đà giảm giá trên thị trường toàn cầu. Lần này, thị trường phản ứng tích cực sau khi Thái Lan chặt hạ một số diện tích cao su trồng ngoài quy hoạch. Đây là diện tích cao su được trồng mời khoảng mấy năm trước, khi giá cao su ở mức cao vào giai đoạn năm 2007 – 2008.

Trong 6 tháng đầu năm, không khí ảm đạm bao trùm lên thị trường cao su nội địa do giá cao su thế giới giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hồi phục chậm, dư cung cao. Giá mủ cao su giảm thấp đã khiến cho người trồng cao su đã bỏ bê chăm bón cho diện tích rừng cao su, không thiết tha cạo mủ do tiền thuê nhân công cao không đủ bù đắp chi phí. Tính chung trong 6 tháng, giá mủ cao su trong nước đã mất 1.000 đồng mỗi kg, từ mức 10.040 đ/kg đầu tháng 1/2015 xuống còn 9.600 đ/kg. Thậm chí có thời điểm giá mủ xuống mức thấp thảm hại, chỉ còn 6.080 đ/kg vào cuối tháng 5/2015.

  1. Tình hình xuất khẩu:

Sản lượng cao su hỗn hợp chế biến từ mủ nguyên khai thác kết hựp với các phụ gia và hóa chất cần thiết tại các cơ sở sản xuất ở miền Nam tăng khá nhanh, tạo ra nguồn cung lớn cho xuất khẩu, đã không tránh khỏi hiện tượng ứ đọng hàng chờ xuất tại các cửa khẩu phía Bắc. Các đối tác nhập khẩu Trung Quốc đã lợi dụng tình trạng này để ghìm giá, thậm chí ép giảm giá để có lợi cho mình. Tại ba cửa khẩu có giao dịch chủ yếu với sản lượng lớn mặt hàng này, giá cao su hỗn hợp xuất khẩu qua Lạng Sơn và Lào Cai giảm nhẹ 150 NDT/tấn xuống còn 9.650 NDT/tấn (tuần trước đạt 9.800 NDT/tấn). Tại cửa khẩu Móng Cái, do các doanh nghiệp phối hợp điều tiết sản lượng xuất khẩu tương đối phù hợp giữa cung và cầu nên giá chỉ giảm rất nhẹ ở mức 100 NDT/tấn. Trong tuần qua, lượng cao su hỗn hợp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, theo thống kê tại các cửa khẩu quốc tế phía Bắc hạ giá của đối tác Trung Quốc do cung cao hơn cầu khiến cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ chiếm 30% tổng lượng hàng cao su hỗn hợp xuất khẩu qua cửa khẩu phía Bắc.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), trong tháng 6/2015, từ ngày 01 – 19/6/2015, giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu chào bán đạt trung bình 1.782 USD/tấn, tăng 102 USD/tấn (+6,0%) so với mức trung bình trong tháng 5/2015, nhưng giảm 183 USD/tấn (-9,3%) so với tháng 6/2014.

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 6/2015 đạt 92 nghìn tấn với giá trị 138 triệu USD, với ước tính này 6 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 422 nghìn tấn, giá trị đạt 614 triệu USD, tăng 22,3% về khối lượng nhưng giảm 5,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2015 đạt 1.441 USD/tấn, giảm 25,19% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Ma-lai-xia và Ấn Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2015, chiếm 72,26% thị phần.

Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 6/2015 đạt 37 nghìn tấn với giá trị đạt 63 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 193 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 329 triệu USD, tăng 28,4% về khối lượng và tăng 8,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu từ các nước như Hàn Quốc (chiếm 20,3%), Nhật Bản (16,1%) và Campuchia (13,6%).

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters
  4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy…

Nguồn: Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác