I. Thế giới:

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su thiên nhiên trong năm 2013 của các nước thành viên ước tăng 3,6%, đạt 11,03 triệu tấn. Trong 10 tháng đầu năm 2013, tổng sản lượng cao su thiên nhiên đạt 9,03 triệu tấn. Từ tháng 1 – tháng 10/2013, sản lượng cao su các nước đều tăng ngoại trừ Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ do sự khan hiếm nguồn cung trong tháng 7 và tháng 8. Theo ANRPC, sản lượng cao su thiên nhiên của Thái Lan ước tăng 2,3%, đạt 3,87 triệu tấn và Inđônêxia tăng 4,6%, đạt 3,18 triệu tấn trong năm 2013.

Lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên năm 2013 của các nước thành viên đã tăng 5,6%, đạt 7,04 triệu tấn so với 6,67 triệu tấn của năm 2012. Lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên của các nước thành viên ANRPC trong 10 tháng đầu năm 2013 đạt 5,57 triệu tấn, lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên cùng kỳ năm 2012 là 5,52 triệu tấn. Trung Quốc là nước có lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên cao nhất trong 10 tháng đầu năm 2013, tăng 7,1% so với năm 2012, do sự gia tăng nhu cầu cao su thiên nhiên trong nước và sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên của các nước thành viên ANRPC tính đến tháng 10/2013 ước đạt 7,04 triệu tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ba nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu là Thái Lan, Inđônêxia và Malaysia chiếm 85,9% tổng lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của các nước thành viên ANRPC. Tổng lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu năm 2013 ước đạt 8,55 triệu tấn, tăng 4,3% so với năm 2012.

Báo cáo thị trường cao su tháng 2.2014

So với tháng 1, giá cao su thế giới tiếp tục giảm sâu, mặc dù nhìn tổng thể biến động giá trong tháng 2 có chiều hướng tích cực. Ngày 6/2, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo (Tocom) giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ cao su từ Trung Quốc sụt giảm khi lượng cao su dự trữ tại các kho của Sở Giao dịch Thượng Hải quản lý ở mức cao nhất kể từ năm 2004. Giá cao su hợp đồng gần nhất, tháng 2/2014 chạm mức 207,9 yên/kg lúc đóng cửa phiên giao dịch. Giá cao su giao kỳ hạn tháng 7 giảm 1,9%, xuống còn 223,1 yên/kg (tương đương 2.181 USD/tấn) tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo, mức thấp nhất đối với hầu hết các hợp đồng trong 16 tháng. Giá cao su giao dịch ở mức 223,7 yên/kg phiên hôm 3/2. Giá cao su được sử dụng trong sản xuất lốp xe đã giảm 17% trong tháng 1/2014.

Kết thúc phiên giao dịch 19/2, giá cao su kỳ hạn Tocom đã hồi phục lại sau khi giảm sâu xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Giá giao kỳ hạn tháng 2/2014 lúc đóng cửa đạt 230,4 yen/kg. . Đồng yên suy yếu trước đó đã giúp hầu hết các hợp đồng giao kỳ hạn tháng 7/2014 hồi phục so với mức thấp 210 yen/kg hôm 6/2, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012.

Giá cao su STR20 Thái Lan hiện giao dịch ở mức 2,05 USD/kg, tăng so với 2 USD/kg tuần trước, trong khi cao su RSS3 thay đổi ở mức 2,21 USD/kg đến 2,22 USD/kg, tăng cao hơn so với 2,13 USD-2,15 USD/kg tuần trước đó. Giá cao su SIR20 Indonesia đã bán ở mức 89,75 -90 Uscent/pound (1,97 USD-1,98 USD/kg), cao hơn so với 87-87,75 Uscent/pound tuần trước đó.

Các yếu tố tác động đến thị trường cao su thế giới tháng 2 là:

– Kho dự trữ cao su được giám sát bởi Sở Giao dịch Thượng Hải đã tăng 1,6% lên thành 207.658 tấn vào tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 10/2004. Thị trường cao su tại Trung Quốc đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán đến ngày 06/02/2014.

– Trong báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2014 vừa công bố ngày 9/2/2014, Ban Kinh tế học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo tăng trưởng GDP của nước này có thể đạt 7,5% trong năm nay, song đã hạ mức dự báo tăng trưởng đầu tư từ 20,1% trong dự báo hồi tháng 12/2013 xuống còn 19%, thấp hơn cả mức của năm 2013.

– Theo thông báo của tổ chức International Rubber Consortium Ltd. (IRCo), lượng cao su dự trữ tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang ở mức thấp và có khả năng sẽ còn giảm xuống nữa khi cây cao su bắt đầu vào mùa thấp điểm trong thu hoạch cao su. IRCo nhận định giá cao su thiên nhiên hiện ở mức thấp một cách “vô lý” và khuyên các tổ chức giao dịch cao su không nên bán cao su ra. IRCo cũng cho biết sẽ đề xuất đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án quản lý nguồn cung cao su.

Theo đánh giá của hãng tư vấn hàng hóa RCMA Commodities Asia Pte., thị trường cao su toàn cầu có khả năng sẽ dư thừa khoảng 353.000 tấn cao su trong năm 2014 – đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp thị trường cao su rơi vào tình trạng dư cung; lượng cao su dự trữ có thể sẽ tăng thêm 16% lên mức cao nhất từng được ghi nhận với 2,5 triệu tấn.

Sản lượng cao su Thái Lan dự báo đạt khoảng 4 triệu tấn trong năm nay, tương đương năm 2013, sản lượng giảm trong thời gian cây cao su bước vào thời kỳ cho năng suất thấp sẽ được bù đắp trong lĩnh vực trồng mới. Xuất khẩu sẽ đạt khoảng 3,4 triệu tấn trong năm 2014 và tiêu thụ trong nước có thể đạt 550.000 tấn. Theo Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan, sản lượng cao su Thái Lan tăng trong ba năm qua và đạt 3,86 triệu tấn trong năm 2013.

II. Việt Nam:

Thị trường cao su trong nước trầm lắng có nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động giao dịch bị gián đoạn bởi Tết Nguyên đán. Ngoài ra, nguồn cung cao su trong nước không còn nhiều do cuối vụ thu hoạch. Các đồn điền cao su trong nước đang trong thời kỳ thay lá và cho năng suất thấp từ tháng 2 đến tháng 5, người trồng cao su đang tạm thời ngừng khai thác mủ.

Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam giảm trong 20 ngày đầu tháng 2, từ mức 2.295 USD/tấn xuống còn 2.245 USD/tấn. Giá cao su chủng loại SVR 3L xuất khẩu trung bình trong hai tuần đầu tháng 2/2014 đạt 2.265 USD/tấn, giảm 30 USD/tấn, tương đương 1,3% so với mức trung bình tháng 1/2014 và giảm hơn 870 USD/tấn, tương đương 27,8% so với tháng 2/2013.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1/2014 đạt 65,27 nghìn tấn, trị giá 135,1 triệu USD, so với tháng 12/2013 giảm mạnh 48,3% về lượng và 51% về trị giá, so với cùng kỳ năm ngoái cũng giảm tới 39,5% về lượng và 54% về trị giá. Xuất khẩu cao su sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của nước ta trong tháng 1/2014, đạt 28,98 nghìn tấn, trị giá 57,88 triệu USD, tuy nhiên so với tháng 12/2013 giảm mạnh 58,43% về lượng và 61,84% về trị giá, so với cùng kỳ năm trước giảm 49,3% về lượng và 61,31% về trị giá. Lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 44,4% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước trong tháng vừa qua. Tương tự, xuất khẩu cao su tới thị trường Malaysia giảm tới 54,78% về lượng và 55,8% về trị giá so với tháng 12/2013, đạt 11,46 nghìn tấn, trị giá 24,45 triệu USD. Bên cạnh đó, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ cũng giảm mạnh 34,27% so với tháng 12/2013 xuống 3.947 tấn, Hàn Quốc giảm 41,6% xuống 2.453 tấn, Đức giảm 41,59% xuống 1.552 tấn, Đài Loan giảm 41,58%,…

Nhận định về giá xuất khẩu, mặc dù nguồn cung trên thị trường sẽ giảm mạnh trong những tháng tới, nhưng do tồn kho còn nhiều, đặc biệt tại Trung Quốc nên giá xuất khẩu cao su sẽ ổn định trong thời gian tới.

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT

2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS

3. Tin Reuters

4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy

Nguồn: Trung tâm xúc tiến thương mại Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác