Lần này có khác những lần trước hay không? Một lần nữa các nhà sản xuất cao su châu Á lại đang nỗ lực đẩy giá tăng lên, và lần này là bằng cách hạn chế nguồn cung đồng thời cố gắng phá vỡ mỗi liên quan giữa giá cao su hàng thực (physical) và giá kỳ hạn giao sau.

Giá cao su châu Á đã tăng lên kể từ hồi đầu tháng 4 khi ít nhất 10 công ty sản xuất lớn thông báo kế hoạch nâng giá lên và xóa bỏ mối ràng buộc với giá tham chiếu – được ấn định bằng giá trên sàn giao dịch Singapore (SICOM).

Hợp đồng giao dịch chủ chốt tại SICOM đã tăng giá 7% từ mức thấp nhất 6 năm là 1,35 USD/kg hồi tháng Một và lặp lại vào hôm 9/4 để đạt 1,445 USD/kg hiện nay. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn so với hồi đầu năm và thấp hơn khoảng 1/4 so với mức cao kỷ lục đạt được hồi tháng Hai năm 2011.

Diễn biến giá cao su kỳ hạn tại Sicom

Các loại giá tham chiếu khác trong khu vực cũng đã tăng trong thời gian qua. Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo (TOCOM) đã lên mức cao kỷ lục 5 tuần trong phiên 28/4 ở mức 216,7 yen (1,82 USD)/kg, trong khi hợp đồng kỳ hạn tại Thượng Hải cũng đạt 14.370 NDT (2.318 USD)/tấn, tăng 16% kể từ ngày 9/4.

Noname
 Diễn biến giá cao su kỳ hạn tại TOCOM

 Diễn biến giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải

Những mức tăng này khá ấn tượng, nhưng liệu có duy trì được lâu hay không còn phụ thuộc vào việc liệu các nhà sản xuất có thể làm được những điều mà họ chưa làm được trong quá khứ hay không, đó là giữ mức cung một cách có kỷ luật trong một khoảng thời gian dài.

Sri Trang Agro-Industry và Halcyon Agri Corp, hai hãng chiếm gần 1/5 tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, đã liên kết cùng ít nhất 8 công ty trồng cao su khác vì mục đích đẩy giá tăng lên.

Họ có kế hoạch nâng giá cao su vào nửa cuối năm nay, và một số trong đó có thể dừng cung cấp cho hệ thống SICOM và thay vào đó sẽ trực tiếp đàm phán với khách hàng, chủ yếu là các hãng sản xuất lốp xe.

“Giá cao su tại SICOM không còn phản ánh đúng chi phí sản xuất cao su thực tế nữa”, phát ngôn viên của công ty Sri Trang – trụ sở ở Thái Lan – cho biết, và thêm rằng công ty này cũng sẽ dừng giao hàng cho sàn SICOM.

Sri Tang là hãng sản xuất lớn thứ 5 thế giới với công suất hàng năm khoảng 1,2 tấn – tương đương sản lượng của Malaysia (nước sản xuất lớn thứ 3 thế giới).

Halcyon cũng sẽ dừng cung cấp cao su tới SICOM, và một số công ty khác cũng sẽ làm như vậy.

Đây có thể là thông tin bất lợi cho sự thanh khoản trên sàn SICOM.

Tuy nhiên, các hãng sản xuất lốp xe lớn rất linh hoạt trong việc tìm nguồn nguyên liệu từ những nhà cung cấp khác, và đơn giản có thể chỉ là từ chối tăng giá như nhà sản xuất mong muốn.

Và sau đó sẽ là “trò chơi” giá cả, và người chiến thắng chắc chắn sẽ là người có thể trụ được lâu hơn đối phương.

Với tình trạng nguồn cung cao su thiên nhiên trên toàn cầu dư thừa và tồn trữ còn rất nhiều, có vẻ như các nhà sản xuất lốp xe đang ở vị thế có lợi hơn, ít nhất trong thời điểm hiện tại.

Tồn trữ giảm nhưng vẫn cao, nhu cầu nơi tăng, nơi giảm

Tồn trữ cao su thô tại các cảng biển Nhật Bản tính tới 10/4 ở mức 11.182 tấn, giảm 3,8% kể từ 31/3. Tồn trữ giảm dần kể từ sau khi đạt trên 22.000 tấn hồi tháng 5 năm ngoái, nhưng vẫn ở mức rất cao.

Tồn trữ cao su tại Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm, tới 24/4 ở mức 134.309 tấn, giảm so với 207.658 tấn hồi đầu tháng 2. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn nhiều so với 10.291 tấn hồi tháng 5/2011.

Nhu cầu ở nước nhập khẩu chủ chốt – Trung Quốc – từ đầu năm tới nay vẫn yếu, với lượng nhập trong quý I giảm 23,6% so với cùng quý năm ngoái, xuống 614.973 tấn, bất chấp tiêu thụ xe hơi vẫn tăng. Tổng tiêu thụ xe hơi tại Trung Quốc quý I tăng 3,9% so với quý I năm ngoái.

Trong khi Trung Quốc đang giảm tốc độ nhập khẩu cao su thì có thông tin đáng mừng đối với những nước còn lại là nhu cầu tại Mỹ và Liên minh Châu Âu tăng trở lại.

Tuy nhiên, Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên dự báo tổng cung cao su sẽ tăng 5% trong năm 2015, sau khi giảm trong năm 2014 – lần giảm đầu tiên sau hơn nửa thập kỷ.

Cơ sở để Hiệp hội đưa ra dự báo này là giá tăng sẽ thúc đẩy sản lượng tăng. Điều này có vẻ hơi mâu thuẫn với kế hoạch cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên của các công ty cao su.

Những nỗ lực trước đây của chính phủ các nước sản xuất chủ chốt (Thái Lan, Indonesia và Malaysia) chỉ đem lại thành công nhất định, chủ yếu bởi phương thức thực hiện là Nhà nước mua vào để tạm trữ, chứ nhà sản xuất vẫn tăng sản lượng khi giá tăng trở lại.

Các công ty cao su lần này có thể có thành công nhiều hơn thế, nhưng với điều kiện họ phải có đủ tiềm lực tài chính để kéo dài thời gian kiềm chế sản xuất, và các cổ đông của họ cũng phải sẵn sàng cho khả năng mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Vân Chi

Theo InfoNet

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác