Ngày 13-11, giá cao su bất ngờ tăng mạnh tại thị trường trong nước, giá tăng thêm 600.000 đồng mỗi tấn. Giá RSS3 ở mức 28,6 triệu đồng/tấn, SVR10 là 23,4 triệu đồng/tấn.

Sau khi có thông tin các nhà sản xuất của Ấn Độ đã đề nghị chính phủ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) hoặc tăng mức thuế nhập khẩu đối với cao su thiên nhiên nhập khẩu các nước Đông Nam Á, giá cao su trên thị trường giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay sau đó giá tăng lại, trái ngược với dự báo của nhiều doanh nghiệp.

Giá cao su tại một số tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên đã giảm giá ngay sau ngày 11-11, thời điểm có thông tin cao su Việt Nam đứng trước nguy cơ bị áp thuế bán phá giá khi xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ. Cụ thể, giá cao su loại RSS3 và SVR10 đã giảm 300.000 đồng/tấn, lần lượt còn 28 triệu đồng/tấn và 22,8 triệu đồng tấn.

Ở thị trường châu Á, giá cao su RSS 3 của Thái trên sàn giao dịch Tocom, Nhật Bản là 1.710 đô la Mỹ/tấn, giảm 100 đô la Mỹ /tấn so với ngày trước đó, và giảm 400 đô la Mỹ/tấn so với tuần trước, còn cao su SMR20 của Malaysia là 1.530 đô la Mỹ/tấn, giảm 100 đô la Mỹ/tấn.

Tuy nhiên, trong ngày hôm nay, 13-11, giá cao su bất ngờ tăng mạnh tại thị trường trong nước, giá tăng thêm 600.000 đồng mỗi tấn. Giá RSS3 ở mức 28,6 triệu đồng/tấn, SVR10 là 23,4 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, trên thị trường châu Á, giá các loại cao su này của Thái Lan vẫn giữ mức giá của ngày 11-11.

Theo bộ phân thu mua mủ cao su của một công ty, nguyên nhân tăng giá cao su trong nước là do hiệu ứng từ thông tin Thái Lan đang bị lũ lụt nên có khoảng 240.000 héc ta cao su của nước này sẽ bị ảnh hưởng.

Công ty này cho biết theo thông tin dự báo thời tiết khu vực này sẽ có mưa trong cả tuần tới. Vì thế, sẽ ảnh hưởng đến lượng mủ thu hoạch, khiến giá có thể tăng lên trong thời gian tới. Hiện Thái Lan là nước đứng đầu thế giới về sản lượng cao su sản xuất ra mỗi năm với khoảng 3,7 triệu tấn.

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), giá cao su sẽ ở mức thấp ít nhất trong hai năm nữa. Nguyên nhân là hiện tại, cung đã vượt quá cầu do mấy năm trước giá cao su thiên nhiên tăng nên không chỉ Việt Nam mà những quốc gia có sản lượng cao su lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều tăng diện tích trồng cao su.

Cũng do giá cao su giảm nên một số hộ dân ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã chặt bỏ vườn cao su già cỗi, năng suất thấp để chuyển sang trồng những cây trồng khác. Số liệu ước tính của VRA đến hết tháng 9-2014 là vào khoảng 4.000 héc ta.

– BKTSG Online

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác