Tính đến cuối tháng 6/2014, diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi trên cả nước vào khoảng trên 3.300 ha, trong đó có tới 1.800 ha là cao su già cỗi.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khẳng định, việc một số diện tích cao su thời gian qua bị nông dân thanh lý và chuyển đổi tự phát do giá cao su xuống thấp xảy ra tại một số tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên phần lớn là cao su già cỗi, cao su không phục hồi được do thiệt hại của bão năm 2013.

Vượt quy hoạch gần 120 nghìn ha

Thời gian qua, một số thông tin báo chí phản ánh tình trạng nông dân phá bỏ cao su để chuyển sang cây trồng khác do giá cao su quá thấp. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt phối hợp với Sở NN-PTNT các địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình.

Cục Trồng trọt cho biết, đến hết năm 2013, diện tích cao su toàn quốc đạt khoảng 955,6 nghìn ha, vượt so với quy hoạch 115,6 nghìn ha (theo định hướng quy hoạch tại Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 03/6/2009). Trong đó, Đông Nam bộ (ĐNB) là vùng có diện tích cao su vượt quy hoạch lớn nhất với trên 100 nghìn ha (quy hoạch đến năm 2020 là 390 nghìn ha, nhưng diện tích hiện nay đã lên tới 537 nghìn ha).

Nguyên nhân khiến diện tích cao su phát triển vượt so với quy hoạch đó là từ năm 2009 đến 2013, giá cao su XK của Việt Nam cao nhất kể từ năm 1961 (năm 2009: 1.521 USD/tấn; 2010: 3.053 USD/tấn; năm 2011: 3.000 USD/tấn; năm 2012: 2.792 USD/tấn; 2013: 2.245 USD/tấn), vì vậy cây cao su có hiệu quả kinh tế cao nên thúc đẩy diện tích cao su cả nước tăng rất nhanh, đặc biệt là cao su tiểu điền ở vùng ĐNB.

Theo Cục Trồng trọt, mặc dù Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 750/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển cao su toàn quốc đến năm 2020, nhưng một số địa phương thời gian qua vẫn phê duyệt quy hoạch phát triển cao su vượt so với quy hoạch chung cả nước và thiếu các giải pháp quản lý quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn, dẫn đến diện tích cao su phát triển quá “nóng”.

Chủ yếu thanh lý, chuyển đổi cao su già cỗi

Về tình hình nông dân tự phát chuyển đổi từ cao su sang cây trồng khác do giá cao su hạ thấp thời gian qua, Cục Trồng trọt cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi trên cả nước vào khoảng trên 3.300 ha, trong đó chủ yếu diễn ra ở các tỉnh vùng ĐNB và Tây Nguyên và tập trung ở diện tích cao su tiểu điền (Tây Ninh 1.713,2 ha, Bình Phước 299 ha, Đắk Nông 275,4 ha và Bà Rịa – Vũng Tàu 1.030 ha).

Trong tổng số hơn 3.300 ha cao su bị thanh lý và chuyển đổi, có gần 1.800 ha là cao su già cỗi, đã đến giai đoạn thanh lý, tranh thủ giá cao su xuống thấp, nông dân thanh lý sớm, giải phóng đất và tái canh cao su bằng các giống mới có năng suất cao để đón đầu khi giá cao su lên (Tây Ninh 1.530,4 ha, Bình Phước 81,5 ha, Đắk Nông 181,3 ha…).

Ngoài ra, khoảng 1.030 ha cao su của Cty TNHH Hòa Lâm (Bà Rịa – Vũng Tàu) tiến hành thanh lý vì gãy đổ do ảnh hưởng của bão năm 2012 không phục hồi được.

Còn lại, chỉ có gần 260 ha cao su ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (3 – 4 năm tuổi) bị chuyển đổi, chủ yếu do một số hộ nông dân chuyển đổi tự phát. Nguyên nhân là trước đây khi giá lên cao, người dân trồng cao su trên chân đất thấp, trũng không phù hợp, chăm bón kém (218,8 ha ở tỉnh Tây Ninh) hoặc trồng trên đất dốc, xấu (17 ha ở tỉnh Bình Phước; 23,4 ha ở tỉnh Đắk Nông), vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều, nông dân tiến hành phá bỏ trồng cây khác phù hợp và có hiệu quả cao hơn (như trồng sắn ở Tây Ninh, chanh dây ở Đắk Nông…).

Ngoài ra, cũng đã có tổng cộng hơn 270 ha cao su trồng xen đang ở giai đoạn kinh doanh bị thanh lý sớm. Nguyên nhân là trước đây khi cao su có giá cao, nông dân tranh thủ trồng xen cao su trong vườn hồ tiêu, cà phê (70,7 ha tại tỉnh Đắk Nông; 200,5 ha ở tỉnh Bình Phước), chờ cao su lớn sẽ đốn bỏ cà phê, tiêu.

 Tuy nhiên do hiện nay giá cao su xuống thấp, trong khi giá cà phê, hồ tiêu đang được giá nên để đảm bảo thông thoáng vườn cây, nông dân đã tiến hành đốn bỏ cây cao su.

Cục Trồng trọt khẳng định: Việc một số diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi tự phát do giá xuống thấp thời gian qua tại một số tỉnh vùng ĐNB và Tây Nguyên là có, nhưng hầu hết xảy ra ở các vườn cao su già cỗi, cao su không phục hồi được do bão (2.823,2 ha).

Diện tích cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản và đang thời kỳ kinh doanh cũng như cao su trồng xen phân tán bị chuyển đổi, thanh lý là không nhiều (530,4 ha), và chỉ xảy ra tại một số vùng của một số tỉnh trồng cao su phía Nam.

Ở vùng Bắc Trung bộ, tại Quảng trị, chỉ có một số diện tích cao su thiệt hại sau bão số 10 (năm 2013) khó có khả năng phục hồi nên nông dân đã chuyển sang trồng hồ tiêu. Tại các tỉnh khác, chưa có hiện tượng nông dân bỏ cao su chuyển trồng cây khác.

Nhằm ổn định tình hình SX cao su, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương trồng cao su, đặc biệt tại vùng ĐNB một số giải pháp:

Một là tăng cường thông tin tình hình SX, tiêu thụ, giá cả cao su trên thế giới và trong nước về trung hạn và dài hạn cho nông dân biết; không nên tự phát chuyển đổi vườn cây, vì cao su là cây lâu năm, người SX cần thận trọng xem xét khi chuyển đổi.

Về giải pháp kỹ thuật đối với cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản: Có thể khuyến cáo nông dân giảm đầu tư phân bón, nhưng cuối năm tiếp tục làm cỏ và chống cháy.

Các vườn cao su nằm ngoài vùng quy hoạch như trồng trên đất thấp trũng, đất dốc không phù hợp, nếu vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều có thể chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đối với những vườn cao su đang ở thời kỳ khai thác kinh doanh: Có thể khuyến cáo giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ D2 sang D3, D4 để giảm chi phí nhân công, tuy nhiên vẫn phải có biện pháp làm cỏ chống cháy để bảo vệ vườn cây. Những diện tích cao su bắt đầu đến giai đoạn khai thác, có thể chưa tiến hành mở miệng cạo.

Đối với diện tích cao su kinh doanh đã tuổi lớn: Nếu giá gỗ phù hợp và giống cao su cho năng suất không cao, có thể thanh lý để chuẩn bị cho trồng tái canh.

Theo Nông nghiệp

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác