Cao su Đồng Phú tiên phong áp dụng rộng rãi cạo D4
Công ty CPCS Đồng Phú nâng diện tích cạo chế độ D4 lên 2.746,74 ha, chiếm 37,66% so với tổng diện tích cao su kinh doanh. Quyết định này được lãnh đạo đơn vị dựa vào tình hình thực tế, cũng như tính khả thi của chế độ cạo nhịp độ thấp đã được chứng minh.
Đoàn nghiên cứu cao su quốc tế tham quan vườn cây Công ty CPCS Đồng Phú
Đối chứng từ thực tiễn
Tại Hội thảo công tác sản xuất nông nghiệp tổ chức ngày 25/5/2015, Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp Công ty CPCS Đồng Phú đã trình bày 2 thí nghiệm về “Hiệu quả kinh tế kỹ thuật trong ứng dụng nhịp độ thấp D4 ở miệng cạo ngửa” trên cây cao su nhóm I triển khai từ năm 2012 đến 2014.
Với thí nghiệm 1: Được thực hiện từ năm 2014 trên dòng vô tính PB 260 ở năm cạo đầu tiên được bố trí theo khối đầy đủ ngẫu nhiên gồm 3 nghiệm thức. Kết quả thu được trong 1 năm theo dõi thì, trung bình các nghiệm thức cạo D4 kích thích với tần số 2 – 4 lần/năm có năng suất cá thể cũng như năng suất lao động tăng từ 11 – 19%. Năng suất quần thể kg/ha/năm đạt từ 83 – 89% so với đối chứng cạo D3 kích thích theo quy trình. Hàm lượng cao su khô của các nghiệm thức cạo D4 kích thích 2 – 4 lần trong năm vẫn ở mức cao, tỷ lệ khô mặt cạo trong năm khai thác đầu tiên ở mức rất thấp.
Với thí nghiệm 2: Được thực hiện từ năm 2012 trên vườn cây tuổi 2 và theo dõi trong 2 năm là 2012, 2013, bố trí theo kiểu lô phụ gồm 8 nghiệm thức. Kết quả theo dõi trong 2 năm cho thấy: khi giảm nhịp độ cạo kết hợp với kích thích cho năng suất cá thể tăng. Trung bình các nghiệm thức cạo D4 có năng suất cá thể cũng như năng suất lao động cao hơn cạo D3 là 18%. Năng suất quần thể của D4 đạt 88,1% so với D3. Trong đó trung bình nghiệm thức cạo D4 kích thích 6 lần trong năm cho năng suất tương đương với trung bình các nghiệm thức cạo D3 kích thích 4 lần trong năm (1.592 kg với 1.594 kg). Trung bình hàm lượng cao su khô của các nghiệm thức cạo nhịp độ D4 cao hơn các nghiệm thức cạo nhịp độ D3, tỷ lệ khô mặt cạo của 2 nhịp độ D3 và D4 đều ở mức thấp.
Giảm cường độ lao động trong các tháng mùa mưa
Cũng tại Hội thảo, Viện Nghiên cứu Cao su VN đã trình bày đề tài nghiên cứu khả thi về “Tăng năng suất lao động cạo mủ thông qua chế độ cạo nhịp độ thấp trên một số dòng vô tính cao su trồng phổ biến”. Các thí nghiệm này được tiến hành trên một số dòng vô tính (DVT) trồng phổ biến ở vườn cây nhóm I (DVT RRIV 4 tại Lào) và vườn cây nhóm II (DVT PB 235, VM 515 tại Công ty CPCS Đồng Phú và Tổng Công ty Cao su Đồng Nai).
Cạo D4 giúp tiết kiệm lao động và giảm chi phí. Ảnh: N.C
Đối với vườn cây nhóm I: Qua 2 năm (2013 – 2014) theo dõi, năng suất cá thể tăng trung bình từ 12 -22% so với nhịp độ cạo D3. Tuy nhiên, do có số lần cạo trong năm thấp hơn trung bình năng suất kg/ha/năm của các nghiệm thức cạo nhịp độ thấp D4, D5 thấp hơn so với D3. Vì vậy, năng suất kg/ha/ năm đạt 87% so với nghiệm thức cạo D3, kích thích 4 lần/năm.
Với giá mủ ở mức thấp như hiện nay, năm 2015 công ty sẽ đưa vào cạo chế độ D4 với diện tích 2.746,74 ha, chiếm 37,66% so với tổng diện tích cao su khai thác (trong đó vườn cây thuộc nhóm I chiếm 2.110,44 ha, nhóm II là 636,30 ha). Dự kiến sản lượng giảm 660 tấn, nhưng giảm được 241 lao động và tiết kiệm chi phí khoảng 15 tỷ đồng
.Đối với vườn cây nhóm 2: Qua 3 năm theo dõi (2009 – 2011), các nghiệm thức cạo nhịp độ D4 có năng suất cá thể tăng từ 8 – 23% trên dòng vô tính PB 235 và tăng từ 12 – 17% trên dòng vô tính VM 515; các nghiệm thức cạo D5 có năng suất cá thể tăng từ 20 – 33% (DVT PB 235) và tăng từ 23 – 29 % (DVT VM 515). Tuy nhiên, do số lần cạo trong năm thấp nên năng suất kg/ha/ năm chỉ đạt từ 84 – 96% (chế độ cạo D4), 73 – 81% (chế độ cạo D5) so với chế độ cạo D3. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận rằng, với chế độ cạo phối hợp úp ngửa thì việc nghỉ miệng cạo ngửa 3 tháng mùa mưa (tháng 7, 8, 9) cũng đã giúp miệng cạo ngửa được phục hồi, đồng thời làm giảm cường độ lao động cạo mủ trong các tháng mùa mưa.
Áp dụng đại trà
Đại diện Viện Nghiên cứu Cao su VN phân tích thêm, việc giảm nhịp độ cạo đã góp phần giảm đáng kể nhu cầu lao động trên đơn vị diện tích. Trong đó, nhịp độ cạo D4 giảm 25% và nhịp độ cạo D5 giảm 40% nhu cầu lao động so với nhịp độ cạo D3; đồng thời tiết kiệm vỏ cạo, giúp tăng thời gian cạo mủ trên vỏ nguyên sinh, gia tăng chu kỳ kinh tế của cây cao su. Kết quả này góp phần khẳng định tính khả thi của việc ứng dụng chế độ cạo nhịp độ thấp D4, D5 trong sản xuất khi điều kiện thiếu lao động xảy ra.
Về phía Công ty CPCS Đồng Phú, trong năm 2014 đã triển khai cạo nhịp độ thấp D4 với diện tích 1.542,61 ha trên tổng diện tích cao su khai thác 7.621,45 ha. Kết quả sản xuất đại trà cho thấy năng suất của chế độ cạo D4 vẫn ở mức cao. Bình quân năng suất tuổi cạo từ 1 – 6 là 1.927 kg/ ha. So sánh giữa 2 chế độ cạo của sản xuất đại trà thì năng suất của chế độ cạo D4 đạt 89,6% so với D3, nhưng tiết kiệm được 141 lao động và giảm chi phí khoảng 8 tỷ đồng.
Theo Tạp chí CSVN
//Tin tự động cập nhật//