Hiệp hội Cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC) vừa công bố bản báo cáo về tình hình sản xuất và thương mại cao su trong năm 2013.

Theo báo cáo này, Việt Nam đã vượt Malaysia và Ấn Độ để trở thành nước thứ 3 về xuất khẩu cao su thiên nhiên. Thế nhưng trái ngược với bước tiến vượt bậc về sản lượng thu hoạch, giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam ngày càng giảm sút.

Diện tích và sản lượng tăng nhanh

Không chỉ có người trồng cao su mà những ai quan tâm đến cây cao su vẫn còn nhớ rõ năm 2012, ngành cao su Việt Nam đã thiết lập kỷ lục mới: Từ vị trí thứ 6 vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới về sản lượng và đứng thứ 4 về xuất khẩu cao su thiên nhiên (đứng sau ba nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Nhưng chỉ sau một năm – năm 2013, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới.

ANRPC cũng đưa ra nhận định, đến năm 2020, diện tích cao su của Việt Nam sẽ vượt mốc 1 triệu ha, nhờ VRG đẩy mạnh hợp tác trồng và chế biến cao su ở Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Diện tích này đã vượt xa so con số quy hoạch và đã được Chính phủ phê duyệt là 800.000 ha.

Giá trị xuất khẩu liên tục giảm

Trong khi diện tích và sản lượng cao su của nước ta ngày một tăng nhanh thì xuất khẩu cao su những năm gần đây ì ạch và ngày càng sụt giảm. Theo ANRPC, năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 1,076 triệu tấn cao su, đạt giá trị tương đương 2,492 tỷ USD. Tuy tăng hơn 5% về khối lượng nhưng giảm 12,9% về giá trị so năm 2012. Giá cao su xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay chỉ 2.066 USD/tấn, giảm 23,9% so cùng kỳ.

Mặc dù Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Namnhưng đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, so cùng kỳ năm 2013, Trung Quốc giảm nhập khẩu cao su của Việt Nam tới 40,2% về lượng và giảm 54,83% về giá trị. Còn Malaysia là thị trường lớn thứ 2 cũng đã giảm 28,61% về lượng và giảm 48,1% về giá trị. Ấn Độ là thị trường lớn thứ 3 tuy tăng 5,71% về lượng, nhưng lại giảm 19,23% về giá trị.

Nguyên nhân của sự nghịch chiều

Lý giải cho sự nghịch chiều giữa diện tích, sản lượng cao su tăng, nhưng giá trị xuất khẩu lại liên tục giảm của ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho rằng: Giá cao su nguyên liệu trong nước giảm mạnh là do tác động từ thị trường thế giới. Cụ thể, các nước trồng cao su như Thái Lan,Malaysia và Việt Nam có sản lượng tăng hơn dự báo. Ngoài ra, do diện tích cao su phát triển những năm gần đây của Lào, Campuchia, Myanmar đã đến thời điểm khai thác và làm tăng nguồn cung, trong khi nhu cầu lại giảm vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Còn một nguyên nhân nữa là do các nhà nhập khẩu cao su từ 2 thị trường Trung Quốc và Malaysia với mức tiêu thụ hơn 70% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đang tồn kho khoảng 360.000 tấn, tăng 40.000 tấn so thời điểm cuối năm 2013 nên nhiều doanh nghiệp ở 2 quốc gia này tuy đã ký hợp đồng nhưng vẫn đang trì hoãn việc nhận hàng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương thì trên đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự nghịch chiều trong ngành cao su hiện nay mà do thiếu quy chuẩn về chất lượng cao su xuất khẩu đã tác động xấu tới thị trường và giá cả xuất khẩu của cao su Việt Nam. Bằng chứng là giá cao su xuất khẩu của nước ta luôn thấp hơn so giá bán cùng chủng loại của các nước trong khu vực, như: Thái Lan,Indonesia…, do chất lượng sản phẩm cao su của Việt Nam thường xuyên bị đánh giá thấp hơn.

Và điều đáng buồn là đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia cho riêng ngành cao su. Chính vì vậy nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc thống nhất kiểm soát chất lượng nguồn nhiên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su. Điều này dẫn đến chất lượng của cao su xuất khẩu từ Việt Nam không ổn định và làm uy tín cũng như thương hiệu thấp hơn so các nước trong khu vực.

Hiện nay, mặc dù đã vào mùa thu hoạch nhưng nhiều chủ vườn cao su tiểu điền ở Bình Phước vẫn chưa khai thác. Trong khi đó, có nhiều hộ dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp nhưng có diện tích nhỏ, vốn yếu nên không thể chờ thời và đang ngậm ngùi chặt bỏ cây cao su để chuyển đổi cây trồng khác. Và cái vòng luẩn quẩn trồng rồi lại chặt, chặt rồi lại trồng đối với cây cao su đang có nguy cơ tái diễn ở Bình Phước.

Theo Báo Bình Phước

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác