Đã 5 năm cây cao su bén duyên trên đất Yên Bái, hơn 1.400 ha cao su trải màu xanh tít tắp trên các vùng đồi cằn khô hứa hẹn những dòng nhựa trắng.

Nhưng không mấy người tin cây cao su trụ được trên mảnh đất này. Bởi mùa đông giá lạnh luôn là sự thử thách đối với cây cao su…

Cao su là cây trồng mới, sau khi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đề xuất việc phát triển cây cao su khu vực miền núi phía Bắc nhằm giúp cho những người dân ở đây có thu nhập cao, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh Yên Bái đã hưởng ứng Chương trình. Ngày 2/6/2010 UBND tỉnh Yên Bái thu hồi 1.586 ha đất nông nghiệp của Cty Lâm nghiệp Văn Chấn và Văn Yên giao cho Cty CP Cao su Yên Bái thuê trồng cao su, trong đó Cty LN Văn Yên là 935 ha, Cty LN Văn Chấn là 555 ha.

Năm 2010 Cty CP Cao su Yên Bái tổ chức trồng 330 ha cao su bằng các giống: GT1, RRim 600, Ric 121, Lai Hoa 83/85. Đợt rét tháng 11-12/2010 đã làm chết khoảng 35-40% diện tích cao su, hy vọng số diện tích còn lại sẽ vượt qua những ngày cuối cùng của mùa đông, nhưng đợt rét từ ngày 12-18/3/2011 thì xóa sổ toàn bộ số cao su còn lại.

Đây là bài học cay đắng mà Cty CP Cao su Yên Bái nếm trải, từ đó đặt ra việc lựa trọn giống cao su có sức chịu lạnh, sống và phát triển ở vùng đất mùa đông nhiệt độ xuống thấp, có nơi chỉ 5-8 độ C; thời vụ trồng, kỹ thuật trồng… để cây cao su chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt của vùng núi Yên Bái.

Sự trả giá càng đắt thì quyết tâm càng cao, năm 2011 Cty CP Cao su Yên Bái trồng 380 ha trên diện tích cao su bị chết, năm 2012 trồng 300,8 ha bằng các giống: IAN 873, VNg 77-4, VNg 77-2 và một số giống thử nghiệm của Viện Nghiên cứu Cao su.

Rút kinh nghiệm từ hai vụ trồng cao su trước, năm 2013 Cty đẩy vụ trồng sớm hơn, diện tích vụ xuân trồng 350 ha, vụ hè trồng 253 ha. Đó là thời gian cây phát triển tốt, tới mùa đông thì cây có đủ sức chống chịu được với giá rét. Tổng diện tích cao su đã trồng của Cty CP Cao su Yên Bái đến nay được 1.475 ha, trong đó có 188 ha trồng ở tỉnh Phú Thọ.

Ngay trong những ngày giá rét này chúng tôi có cuộc xuất hành đầu năm tới những nơi trồng cao su tập trung của Yên Bái. Đội cao su An Bình đóng chân trên đất An Bình và Đông An thuộc huyện Văn Yên, ông Đặng Văn Dũng – đội trưởng cho biết: Đội An Bình hiện có 280 ha cao su, năm 2011 trồng 108 ha, năm 2012 trồng 136 ha, năm 2013 trồng 35 ha bằng các giống IAN 873, Vân Nghiên 774. Đây là hai giống cao su chịu rét khá tốt, đã trải qua 3 mùa đông rồi, đến nay cây phát triển tốt.

Ông Dũng cho biết thêm: Trận mưa đá đầu năm 2013 đã làm giập nát 70 ha cao su, trị giá khoảng 7 tỷ đồng. Nếu trồng lại toàn bộ thì thiệt hại rất lớn, đội thực hiện việc cưa gốc giúp cây tái sinh, cây nào chết hẳn mới phải trồng lại. Hiện nay 70 ha cao su bị mưa đá tàn phá đã phát triển tốt, không thua kém các diện tích khác.

Đang là thời kỳ cuối cùng của mùa cây rụng lá sinh lý, các lộc non bắt đầu bật nở trên các những cành cao su sau một mùa đông dài lạnh giá. Ông Doãn Văn Thủy – Phó Chủ tịch huyện Văn Yên thành thật: Cứ mỗi mùa đông tới chúng tôi lại nín thở ngóng lên những đồi cao su. Bởi chúng tôi đã có những bài học cay đắng từ một số cây trồng mới. Trải qua 4 mùa đông lạnh giá, với những giống cao su chịu lạnh tốt, đến nay chúng tôi có thể khẳng định cây cao su chắc chắn trụ vững trên đất Văn Yên…

Ông Trương Công Tuyên – GĐ Cty CP Cao su Yên Bái cho biết: Kế hoạch năm 2014 Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao cho Cty CP Cao su Yên Bái trồng 1.000 ha. Ngay sau thời gian nghỉ Tết chúng tôi đã huy động toàn thể cán bộ, công nhân đầu năm mới ra quân, với quyết tâm: Cố gắng hoàn thành kế hoạch mà Tập đoàn đã giao…

Theo Nông nghiệp

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác