Dự án phát triển cao su (CS) tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu được thực hiện từ năm 2007 – 2008, mặc dù ban đầu gặp một số khó khăn, nhưng đến nay đã đạt những kết quả nhất định. Nhiều diện tích đồi trọc được cây CS che phủ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lao động, từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Vượt qua khó khăn

Theo đánh giá của một số chuyên gia về CS, do các tỉnh miền núi phía bắc có địa hình đồi dốc, thời tiết biến đổi khắc nghiệt hay có mưa đá, gió lốc, lũ quét, sạt lở đất, cho nên gặp nhiều khó khăn khi triển khai dự án. Bên cạnh đó, lực lượng lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, trình độ nhận thức, kỹ năng lao động còn hạn chế. Tập quán canh tác truyền thống của người dân quen với trồng cây ngắn ngày, nay chuyển sang trồng cây công nghiệp dài ngày, lại chưa hiểu rõ về CS và giá trị kinh tế của nó cho nên khi triển khai dự án gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Cao su Điện Biên Nguyễn Văn Hậu cho biết: Một số nơi thuộc các vùng khí hậu khác nhau cho nên CS dễ mắc một số bệnh về thân, rễ, lá như: phấn trắng, rụng lá, khô ngọn, héo đen đầu lá, nứt vỏ. Do đó, để CS phát triển tốt, yếu tố quan trọng là giống cây phải phù hợp điều kiện thổ nhưỡng. Hiện một số giống như: IAN873, RRIV124 và VNg774 đã “bén duyên” đất này.

Còn theo Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cao su Sơn La Phạm Đình Trọng, người có hơn 30 năm gắn bó với CS: Công tác mở rộng diện tích vườn cây ngày càng gặp nhiều khó khăn do phải trồng ở những vùng sâu, vùng xa. Việc chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng CS còn gặp vướng mắc, trong khi đất cộng đồng không có nhiều để bổ sung. Việc trồng, quản lý, chăm sóc CS mang tính thời vụ cao, tập trung theo từng giai đoạn nhất định, do vậy nhu cầu lao động thường bị thiếu, nhất là trong thời gian trồng mới, bón phân chăm sóc.

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cộng với sự giúp đỡ của chính quyền, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện quy trình chuyển đổi đất sang trồng CS; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia góp đất chuyển sang trồng CS cho từng loại đất, di chuyển nhà tạm trong vùng quy hoạch trồng CS; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề…, phù hợp điều kiện thực tế. Cùng với việc đầu tư vốn, giống cây, vật tư, quản lý kỹ thuật, Tập đoàn CN cao su Việt Nam (VRG), các công ty cao su tại địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng vườn cây. Nhờ vậy, diện tích CS trồng theo hình thức đại điền và tiểu điền tại ba tỉnh hiện đạt hơn 22 nghìn ha. Theo đánh giá của VRG, CS tại các địa bàn hiện sinh trưởng khá đồng đều, một số chỉ tiêu về chiều cao, vanh thân, tán lá đạt tiêu chuẩn đề ra.

Để xóa đói, giảm nghèo

Việc đưa CS vào thay thế những diện tích đất canh tác kém hiệu quả, đất trống, đồi trọc đã tạo việc làm cho nhân dân và chuyển một bộ phận nông dân sang làm công nhân của công ty. Trong quá trình thực hiện dự án 10 nghìn ha CS trên địa bàn tỉnh Sơn La, Công ty CP Cao su Sơn La đang thí điểm mô hình nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất hợp tác với công ty trồng, kinh doanh CS, trở thành cổ đông hưởng cổ tức. Việc góp vốn bằng một phần giá trị quyền sử dụng đất vào công ty là một phương thức hợp tác mới, vừa tích tụ được ruộng đất để tiến hành cơ giới hóa, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa lớn, tạo vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao năng suất lao động, phù hợp cơ chế thị trường, phù hợp nguyện vọng của nông dân, đưa đất vào canh tác một cách tốt nhất, bảo đảm ổn định lâu dài về tiêu thụ sản phẩm. Mỗi hộ dân góp một ha đất, công ty tuyển một lao động vào làm công nhân. Hiện có bảy nghìn hộ gia đình tham gia dự án. Đến khảo sát việc trồng CS ở xã ít Ong, huyện Mường La, Đội trưởng CS xã Hoàng Liên Sơn bộc bạch với chúng tôi: Nhờ cách làm sáng tạo nêu trên, công ty thu hút được lực lượng lao động hơn 4.500 người (phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số) với lương bình quân hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Còn ở Điện Biên, những hộ dân góp đất liên kết với công ty trồng CS được hưởng tỷ lệ 10%/ha sản phẩm mủ CS sau khi khai thác. Số sản phẩm nêu trên được doanh nghiệp mua theo giá thỏa thuận. Hiện đã có 114 hộ nhận khoán vườn cây CS. Trò chuyện với chúng tôi, anh Quàng Văn Thuận ở bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biện (Điện Biên), làm công nhân Công ty CP Cao su Điện Biên từ năm 2010 đến nay tâm sự: Trước khi vào công ty, đời sống rất khó khăn, chủ yếu trồng lúa, hoa màu, làm nương rẫy, thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm. Nay làm công nhân với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, mua được xe máy, ti-vi. Không chỉ có gia đình anh Thuận, nhiều hộ dân ở xã Mường Pồn, Thanh Nưa, huyện Điện Biên từ khi “làm bạn” với CS, cuộc sống được cải thiện rõ rệt.

Nhìn những đồi CS xanh tươi trồng từ năm 2007 – 2008 dự kiến đến năm 2015 khép tán cho thu hoạch những giọt “vàng trắng”, cùng sự ra đời của các nhà máy chế biến mủ CS trong tương lai, sẽ góp phần giúp hàng nghìn lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định, lâu dài để họ có thể yên tâm gắn bó, lao động sản xuất trên quê hương.

Theo Nhân dân

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác