Diện tích cây cao su bị nông dân chặt bỏ trong 6 tháng đầu năm 2014 của cả nước khoảng 3.850ha.

Mủ cao su giảm giá mạnh còn 2.000-3.000 đồng/kg, dưới giá thành sản xuất, dẫn đến tình trạng nông dân ở một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chặt bỏ cây cao su, chuyển sang trồng hồ tiêu và một số loại cây trồng khác.

Hơn 3.800ha cao su bị chặt

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, diện tích cây cao su bị nông dân chặt bỏ trong 6 tháng đầu năm 2014 của cả nước khoảng 3.850ha. Trong đó, tỉnh Tây Ninh có số lượng cây caosu bị chặt bỏ lên tới gần 1.750ha, tập trung chủ yếu là những cây non, trồng sen canh với cây cà phê hay tiêu và vườn cây già cho năng suất thấp.

Nhiều địa phương, cây cao su một thời là thế mạnh hiện cũng đang trong cảnh tương tự như: Tỉnh Bình Dương, 6 tháng đầu năm 2014 diện tích thanh lý cao su tại các hộ tiểu điền lên tới hơn 539 ha (trong đó có 154 ha chuyển đổi cây trồng khác); Đắc Nông là 181 ha; Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 1.000 ha…

Tại hội nghị tổng kết thực trạng và giải pháp phát triển cây cao su do Bộ NNPTNT mới được tổ chức tại TPHCM, ông Phan Văn Đon – Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, tỉnh có diện tích cây cao su đứng “top” đầu của khu vực miền Đông Nam Bộ – cho rằng, hiện tượng nông dân chặt bỏ cây cao su trong thời gian qua do tác động của giá mủ xuống thấp, trong lúc giá hồ tiêu lại tăng cao nên một số nhà vườn đã chuyển đổi cây trồng. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, giá mủ cao su đã xuống thấp từ năm 2013, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2014 có khi giá xuống chỉ còn khoảng 36 triệu đồng/tấn, dưới mức giá thành. Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã đưa ra thông điệp, người dân không nên chặt bỏ cây cao su chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Áp lực lên ngành hồ tiêu

Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Tiêu Việt Nam (VPA) – chia sẻ, mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam những năm qua đã có bước tiến “ngoạn mục” cả về số lượng và chất lượng. Năm 2013, mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu đã mang về cho đất nước hơn 900 triệu USD. Ngoạn mục hơn, mới 6 tháng đầu năm 2014, hồ tiêu của Việt Nam đã đạt 119.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 819 triệu USD. Hiện hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã vượt lên và đứng vai trò dẫn dắt thị trường thế giới, các nước xuất khẩu hồ tiêu khác đã phải lấy giá bán của Việt Nam để tham khảo.

Người trồng hồ tiêu chỉ phải bỏ ra chi phí 1-1,2USD/kg, trong khi đó giá bán tiêu xô trên thị trường nội địa hiện nay đã khoảng 165.000 đồng/kg. Chi phí thấp lại thu về lợi nhuận quá cao nên diện tích cây hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và các tỉnh khác trên cả nước đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây.

Kế hoạch phát triển của Bộ NNPTNT từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ vào khoảng 50.000 ha, nhưng theo khảo sát của VPA, diện tích trồng hồ tiêu trên cả nước hiện nay đã trên 56.000 ha. Với diện tích đó, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam mỗi năm sẽ đạt khoảng 150.000 tấn, bằng nửa số lượng tiêu thụ hồ tiêu của thế giới. Nhu cầu hồ tiêu của thế giới hiện nay từ 260.000-300.000 tấn/năm.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, hiện tượng người dân một số tỉnh đang chặt caosu chuyển đổi sang trồng cây hồ tiêu có làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của cây hồ tiêu? Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, trước mắt vẫn nhìn thấy hiệu quả từ cây hồ tiêu. Nhưng sau 3 năm nữa, khi diện tích cây hồ tiêu trồng mới bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng sẽ tăng mạnh vượt quá nhu cầu của thế giới, rủi ro về giá sẽ rất cao.

Ông Đỗ Hà Nam cũng đưa ra dẫn chứng về bài học đắt giá cho cây hồ tiêu đã từng xảy ra trước đây trên đất nước Brazil và Malaysia đã từng là các cường quốc xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Nhưng do phát triển diện tích quá nhanh đã dẫn đến hậu quả làm vỡ thị trường. Hiện nay, cây hồ tiêu của hai nước này đã được chính phủ của họ cho thu hẹp lại và sản phẩm tiêu xuất khẩu của họ chỉ nhắm vào phân khúc cao cấp, không “đụng hàng” với hồ tiêu của Việt Nam.

Theo: Lao động

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác