Theo số liệu của Bộ Công thương, lượng cao su xuất khẩu năm 2013 của Việt Nam đạt 1,09 triệu tấn, tăng 6,66% so với năm 2012.

Tuy nhiên, do giá xuất khẩu cao su giảm mạnh, kim ngạch năm 2013 của mặt hàng này giảm 11,67% so với năm 2012, chỉ đạt 2,53 tỷ đô la Mỹ.

Kết quả kinh doanh năm 2013 của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán thuộc nhóm ngành cao su có xu hướng giảm so với năm 2012. Tổng lợi nhuận sau thuế cả năm 2013 của các công ty này chỉ đạt 1.896 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2012. Nguyên vật liệu và thành phẩm tồn kho của nhiều công ty cao su năm vừa qua cũng tăng tương đối cao.

Trong số các công ty cao su, lợi nhuận của Công ty cổ phần (CTCP) Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) giảm mạnh nhất trong năm qua. Quý IV, công ty chỉ đạt lợi nhuận 2,7 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2012; lũy kế cả năm giảm tới 52%, chỉ đạt 34 tỷ đồng.

Ngoài nguyên nhân giá cao su sụt giảm, các khoản doanh thu khác từ hoạt động tài chính và các hoạt động khác của công ty cũng giảm mạnh.

Là công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn trong số các công ty cao su, CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) cũng không tránh khỏi những sụt giảm trong kết quả kinh doanh năm 2013. Lợi nhuận quý IV của Cao su Phước Hòa giảm 13,6%, đạt 191 tỷ đồng. Theo báo cáo kiểm toán mới được công bố, lợi nhuận sau thuế cả năm 2013 của công ty chỉ đạt 371,6 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2012.

Doanh thu thuần giảm 14,4%, trong khi đó, cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh lần lượt là 45% và 22%, khiến lợi nhuận thuần giảm 31%. Ngoài ảnh hưởng của biến động về giá cao su, thu nhập từ chi phí đền bù diện tích cao su và thanh lý vườn cây của công ty đều lần lượt giảm 66 tỷ đồng và 49 tỷ đồng so với năm 2012, khiến lợi nhuận sau thuế 2013 của Cao su Phước Hòa ở mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Tại CTCP Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC), doanh thu thuần quý IV giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2012, chỉ đạt 240 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính trong kỳ tăng đột biến lên 8,9 tỷ đồng do công ty phải trích dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn.

Điều này cũng khiến chi phí tài chính cả năm 2013 của công ty tăng bất thường lên gần 10 tỷ đồng (chi phí tài chính năm 2012 là 3,4 tỷ đồng). Hai nguyên nhân trên khiến lợi nhuận sau thuế quý IV và cả năm 2013 của Cao su Tây Ninh đồng loạt giảm 34,4%, lần lượt ở mức 78 tỷ đồng và 228 tỷ đồng, bất chấp những nỗ lực giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Trong năm 2013, giá trị hàng tồn kho của Cao su Tây Ninh, chủ yếu là nguyên vật liệu (21 tỷ đồng) và thành phẩm (61 tỷ đồng), cũng tăng 24% so với năm 2012, ở mức 95 tỷ đồng.

Thành phẩm tồn kho của CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) đến hết ngày 31/12/2013 có giá trị lên tới 500 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2012.

Tương tự, tại CTCP Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR), giá trị nguyên vật liệu tồn kho tăng từ 5 tỷ đồng năm 2012 lên 12,2 tỷ đồng năm 2013. Thành phẩm tồn kho cũng tăng 22%, từ 69,3 tỷ đồng lên 84,6 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2013 giảm 31%, đạt 372 tỷ đồng, thấp nhất từ năm 2010 đến nay.

Cũng như các công ty cùng ngành, nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận của Cao su Đồng Phú bắt nguồn từ sự sụt giảm về doanh thu bán (giảm 19,2%). Do lãi suất năm 2013 giảm nên doanh thu tài chính đến từ lãi tiền gửi và cho vay giảm 26%. Tuy nhiên, chi phí tài chính năm 2013 lại tăng lên tới 28 tỉ đồng, gấp năm lần mức của năm 2012, do phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn.

Thoạt nhìn, mức tăng trưởng lợi nhuận 125%, đạt gần 17 tỷ đồng trong quý IV/2013 so với cùng kỳ năm 2012 của CTCP Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) gây ấn tượng mạnh với nhà đầu tư. Nhưng khi đi sâu phân tích, nguyên nhân lãi to là nhờ một khoản thu nhập bất thường.

Doanh thu thuần quý IV của Cao su Hòa Bình giảm 33% so với cùng kỳ 2012, chỉ đạt 86 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận thuần của công ty giảm 94%, chỉ đạt hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ thanh lý cây cao su trong kỳ được gần 20 tỷ đồng, công ty thu về khoản lãi ròng cao như trên. Lũy kế cả năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Cao su Hòa Bình đạt 65 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2012.

Trong năm 2013, doanh thu xuất khẩu của CTCP Cao su Bến Thành (HOSE: BRC) chỉ đạt 28 tỷ đồng, chiếm 14% tỷ trọng doanh thu, giảm 20% so với năm 2012. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận gộp tăng so với năm 2012, nhưng do thu nhập từ hoạt động tài chính giảm 52%, chi phí bán hàng tăng 33% và một số các khoản lỗ khác khiến lợi nhuận sau thuế của Cao su Bến Thành chỉ đạt 11 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2012.

Việc giá cao su giảm mạnh bắt nguồn từ nguồn cung cao su thiên nhiên trên thế giới vẫn tiếp tục vượt cầu. Thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ lại đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm nên nhu cầu ở các thị trường này sụt giảm.

Điều này cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới việc hàng tồn kho ở các công ty cao vì không muốn bán cao su ở giá thấp quá. Tuy nhiên, việc giá cao su thế giới vẫn tiếp tục giảm sau hai tháng đầu năm 2014 sẽ khiến các công ty cao su Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc chưa có một tiêu chuẩn quốc gia đối với chất lượng cao su xuất khẩu khiến cho giá cao su xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn các nước từ 100-200 đô la Mỹ/tấn. Việc Malaysia và Ấn Độ, hai trong số bốn quốc gia xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới là những thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam cho thấy các quốc gia này nhập khẩu từ Việt Nam với giá rẻ hơn để có thể xuất khẩu tới thị trường khác với giá cao hơn qua thương hiệu cao su của các quốc gia này.

Qua đó cho thấy việc chưa đưa ra chuẩn chất lượng khắt khe đối với mặt hàng cao su xuất khẩu để tạo uy tín cho thương hiệu cao su Việt Nam đang là một bất lợi rất lớn đối với ngành cao su Việt Nam.

Theo TBKTSG

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác