Doanh nghiệp cao su kêu cứu vì giá giảm
Hiệp hội Cao su cho biết những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp thành viên gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do nhu cầu cao su trên thị trường thế giới phục hồi chậm, trong khi nguồn cung tăng gây tồn kho lớn, đặc biệt, giá cao su sụt giảm mạnh trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp cao su đang gặp nhiều khó khăn do giá thế giới giảm mạnh.
Cụ thể, Công ty Cao su Đồng Phú (Mã CK: DPR) cho biết quý I công ty mẹ đạt hơn 170 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ, kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm 35%, đạt trên 47 tỷ đồng. Theo đại diện công ty, lợi nhuận giảm do sản lượng cao su tiêu thụ quý I/2014 giảm so với quý I/2013 và giá bán bình quân chỉ đạt hơn 47,3 triệu đồng một tấn, bằng 75% cùng kỳ năm trước.Khảo sát của VnExpress.net với 5 công ty cao su thiên nhiên trên sàn chứng khoán cho thấy, những công ty này đều phản ánh tình hình kinh doanh quý I/2014 giảm sút nghiêm trọng, lợi nhuận nếu có tăng trưởng chủ yếu do phát sinh các khoản bất thường như thanh lý tài sản, cây cao su.
Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: Báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của các công ty (*): Số liệu công ty mẹ. (**): Lợi nhuận trước thuế ước tính |
Tình trạng doanh thu giảm bởi giá xuống thấp cũng xảy ra ở các đơn vị như Cao su Hòa Bình (Mã CK: HRC), Cao su Tây Ninh (Mã CK: TNC) và Cao su Thống Nhất (Mã CK: TRC). Riêng trường hợp Cao su Hòa Bình và Cao su Phước Hòa (mã CK: PHR), dù lợi nhuận tăng nhưng lãnh đạo cho biết việc này chủ yếu đến từ thanh lý cây cao su còn hoạt động sản xuất kinh doanh chính vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh khó khăn do giá thấp, Hiệp hội cho biết doanh nghiệp trong ngành còn gặp vướng mắc do chính sách và cơ chế. Chẳng hạn, thuế xuất khẩu đang làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận khi giá bán gần sát với giá thành. Chính sách thuế giá trị gia tăng cũng khiến quá trình kê khai, nộp thuế không dễ dàng. “Dự báo cả năm 2014 chỉ có thể xuất khẩu được khoảng môt triệu tấn, giảm 7 – 10% về lượng, nhưng kim ngạch xuất khẩu có thể giảm mạnh đến 25 – 30%, ước đạt khoảng 1,8 – 2 tỷ USD”, Hiệp hội bày tỏ.
Trước những khó khăn và bức xúc của doanh nghiệp, Hiệp hội Cao su kiến nghị Chính phủ có những tháo gỡ về thuế cho các doanh nghiệp nhằm giúp ngành cao su vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng mủ cao su sơ chế như những nông sản khác, nghĩa là không phải kê khai, tính nộp thuế trong khâu kinh doanh, thương mại, và thuế giá trị gia tăng đầu vào của các doanh nghiệp cung cấp mủ cao su sơ chế được khấu trừ toàn bộ.
Đồng thời, đề xuất đưa thuế xuất khẩu trở về mức 0% nhằm tăng tính cạnh tranh về giá so với các nước khác trong bối cảnh giá thế giới ở mức thấp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tìm cách tăng thị phần, mở rộng nguồn khách hàng. Cùng với đó, có chiến lược đưa cao su thiên nhiên trở thành mặt hàng xuất khẩu có điều kiện gắn với giấy chứng nhận về chất lượng cho từng chủng loại.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, quý I/2014, Việt Nam xuất khẩu hơn 150.000 tấn cao su, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc giá cao su giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu giảm tới 40%, còn gần 305 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng quý vừa qua chỉ xuất khẩu được gần 58.000 tấn, trị giá 108 triệu USD, giảm 28% về lượng và gần 60% về giá trị so với quý I/2013.
Phương Linh
Theo VnExpress
//Tin tự động cập nhật//