Trong tuần từ ngày 05/01 đến 09/01/2015, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch trên thế giới sau khi tăng nhẹ trong đầu tuần thì biến động giảm dần trong các phiên tiếp theo. Kết thúc tuần 09/01, giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM Nhật Bản hợp đồng giao tháng 6/2015 là 1.730 USD/tấn, giảm 2,9% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 02/2015 trên sàn SICOM Singapore là1.455 USD/tấn (-5,1%); giá SMR 20 của Malaysia xuất khẩu do MRB chào bán ở mức 1.445 USD/tấn (-5,0%); giá SVR 3L của Việt Nam vẫn giữ mức 1.630 USD/tấn.

Tin tức liên quan đến thị trường cao su trong tuần

– Tồn kho cao su thô tại các cảng của Nhật Bản tính đến 20/12/2014 đạt 12.987 tấn, tăng 15,1% so với 10 ngày trước đó, theo số liệu của Hiệp hội Thương mại Cao su Nhật Bản công bố vào ngày 06/01/2015.

– Tồn kho cao su tại Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải hồi phục lên 154.086 tấn vào cuối năm 2014 sau khi giảm xuống 136.531 tấn trong tháng 11/2014, thấp nhất kể từ tháng 10/2013.

– Trước bất ổn chính trị tại Hy Lạp và đà lao dốc của giá dầu, giới đầu tư dần chuyển hướng sang các tài sản an toàn hơn như đồng Yên. Theo đó, các đồng tiền lớn đồng loạt giảm giá so với đồng Yên trong phiên giao dịch ngày 06/01/2015. USD giảm 0,9% so với Yên và giao dịch ở 118,53 Yên đổi 1 USD – mức giá thấp nhất trong gần 3 tuần qua.

– Trung Quốc đã thông qua một tiêu chuẩn mới đối với công thức pha trộn cao su hỗn hợp, trong đó quy định giảm tỷ lệ sử dụng cao su thiên nhiên. Quy định này đã được Trung Quốc đề xuất lần đầu tiên vào tháng 8/2014, theo đó hàm lượng cao su thiên nhiên trong hỗn hợp cao su sẽ giảm xuống còn 88% so với 95 – 99,5% so với trước đây. Tuy nhiên, điều này sẽ làm giảm tính ổn định của cao su hỗn hợp, do đó kém hấp dẫn đối với các công ty sản xuất lốp xe. Tiêu chuẩn mới sẽ được áp dụng từ ngày 01/7/2015.

– Giá dầu Brent phiên 08/01/2015 lập đáy mới khi xuống thấp nhất gần 6 năm do lo ngại dư cung toàn cầu sẽ còn tiếp tục trong nửa đầu năm 2015. Trong khi đó, giá dầu WTI ngọt nhẹ đã có phiên thứ 2 tăng liên tiếp, nhưng giới quan sát thị trường cho rằng mức tăng này không bền vững do dự trữ dầu Mỹ tăng kỷ lục. Giá dầu Brent giao tháng 2/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 19 cent (-0,4%) xuống 50,96 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Trong khi đó, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 2/2015 trên sàn Nymex New York tăng 14 cent (+0,3%) lên 48,79 USD/thùng, chủ yếu do giới thương nhân chốt lời.

Diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế trong tuần 05/01 – 09/01/2015

Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 giao tháng 6/2015 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng trong phiên đầu tuần (06/01) theo đà tăng giá cao su kỳ hạn tại sàn Thượng Hải khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố nới lỏng một số quy định với ngân hàng, tạm thời dỡ bỏ quy định dự trữ bắt buộc, làm tăng hy vọng nhu cầu cao su sẽ tăng mạnh. Trong các phiên giao dịch tiếp theo, giá cao su biến động giảm dần do đồng Yên tăng giá so một số đồng tiền chủ chốt khác cùng nguồn tin Trung Quốc đã thông qua các biện pháp giảm tỷ lệ cao su thiên nhiên trong cao su hỗn hợp nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Malaysia. Bên cạnh đó, các thương nhân tại Tokyo cho biết sản lượng cao su tờ (RSS) tại Thái Lan đã trở lại bình thường sau đợt lũ lụt và số liệu tồn kho tăng tại các nước tiêu thụ lớn tiếp tục gây áp lực lên giá. Kết thúc tuần (09/01) giá cao su đạt 1.730 USD/tấn, giảm 50 USD/tấn (-2,8%) so với ngày đầu tuần (05/01) và giảm 51 USD/tấn (-2,9%) so với ngày cuối tuần trước (30/12/2014).

clip_image001

Kết thúc tuần đầu tháng 01/2015, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.756 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, tăng 76 USD/tấn (+4,5%) so với mức giá trung bình tháng 12/2014 nhưng giảm 668 USD/tấn (-27,5%) so với tháng 01/2014.

clip_image002

Giá cao su TSR 20 kỳ hạn trên sàn SICOM Singapore tuần qua biến động tương tự như tại sàn TOCOM. Vào cuối tuần ngày 09/01, giá cao su TSR 20 hợp đồng giao tháng 02/2015 đạt 1.455 USD/tấn, giảm 58 USD/tấn (-3,8%) so với ngày đầu tuần và giảm 79 USD/tấn (-5,1%) so với ngày cuối tuần trước (02/01).

clip_image003

Kết thúc tuần đầu tháng 01/2015, giá TSR 20 trung bình hợp đồng giao sau 1 tháng đạt 1.486 USD/tấn, tăng 9 USD/tấn (+0,6%) so với trung bình tháng 12/2014, nhưng giảm 702 USD/tấn (-32,1%) so với tháng 01/2014.

clip_image004

Tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia (MRE), giá cao su SMR 20 xuất khẩu do MRB chào bán biến động tương tự như tại hai sàn TOCOM và SICOM. Kết thúc tuần, giá SMR 20 đạt 1.445 USD/tấn, giảm 79 USD/tấn (-5,2%) so với ngày đầu tuần và giảm 76 USD/tấn (-5,0%) so với ngày cuối tuần trước.

clip_image005

Giá SMR 20 trung bình tuần đầu tháng 01/2015 do MRB chào bán đạt 1.488 USD/tấn, tăng 16 USD/tấn (+1,1%) so với trung bình tháng 12/2014 nhưng giảm 710 USD/tấn (-32,3%) so với tháng 01/2014.

clip_image006

Giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán trong tuần 05/01 – 09/01/2015

Trong tuần từ 05/01 – 09/01/2015, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán không thay đổi so với cuối tuần trước, giá SVR 3L xuất khẩu vẫn là 1.630 USD/tấn.

clip_image007

Giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu trung bình tuần đầu tháng 01/2015 đạt 1.630 USD/tấn, tăng 80 USD/tấn (+5,2%) so với mức trung bình trong tháng 12/2014, nhưng giảm 665 USD/tấn (-29,0%) so với tháng 01/2014.

clip_image008

Theo  Hiệp hội Cao su Việt Nam

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác