Sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xét cụ thể có khá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực lại sụt giảm lớn, nhiều thị trường đang có nguy cơ co rút, đặt lĩnh vực xuất khẩu nông sản trước nhiều khó khăn. Vì vậy, khẩn trương lựa chọn những kế sách tốt nhằm phục hồi đà tăng trưởng trong lĩnh vực này là nhiệm vụ cấp bách…

Thăng trầm xuất khẩu nông sản

Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, chúng ta vẫn được chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược như tiêu, cà-phê, rau quả. Cụ thể, về mặt hàng hồ tiêu có mức tăng trưởng ấn tượng trong sáu tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 6, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 110 nghìn tấn hồ tiêu, đạt giá trị hơn 784 triệu USD.So với cùng kỳ năm 2013, thì xuất khẩu hồ tiêu đạt cao hơn cả về lượng lẫn giá trị. Cụ thể, về lượng cao hơn 35,8% và giá trị cao hơn 46,7%. Về giá trị xuất khẩu, hồ tiêu chỉ đứng sau thủy sản, gỗ, cà-phê và gạo, và qua mặt nhiều mặt hàng đã vào Câu lạc bộ tỷ USD từ nhiều năm nay như điều, cao-su, sắn… Không những tăng cao so cùng kỳ năm trước, mà so với mục tiêu đề ra cho sáu tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu cũng đã vượt xa mong đợi, nhất là về mặt giá trị. Hồ tiêu Việt Nam lần đầu lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị một tỷ USD/năm sẽ trở thành hiện thực ngay trong năm nay.

Cà-phê cũng là mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu vượt quá sự mong đợi trong nửa đầu năm nay. Trước đây, xuất khẩu cà-phê trong những tháng đầu năm thường không cao, chỉ tập trung vào những tháng cuối năm, nhất là trong quý IV.Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam tăng mạnh, cả nước đã xuất khẩu hơn 1,026 triệu tấn, trị giá 2,097 tỷ USD, tăng 29,3% so cùng kỳ năm 2013. Theo nhận định của Hiệp hội Cà-phê – Ca-cao Việt Nam, dự kiến trong năm nay, xuất khẩu cà-phê sẽ đạt không dưới 1,5 triệu tấn, trị giá khoảng ba tỷ USD.

Thủy sản cũng là một trong những ngành hàng chủ lực đã được dự báo là chỉ cố gắng duy trì ở mức xuất khẩu như năm 2013, bởi những khó khăn về thị trường, nguồn nguyên liệu… Thế nhưng, trái với lo ngại, xuất khẩu thủy sản lại có mức tăng trưởng khá tốt. Trong sáu tháng đầu năm 2014, xuất khẩu thủy sản đã đạt giá trị 3,578 tỷ USD, tăng 28,6% so cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản sáu tháng đầu năm 2014 cũng chứng kiến sự thoái trào của một số mặt hàng nông sản chủ lực khác. Đây đều là những mặt hàng mà ngay từ đầu năm, đã có những dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá cả. Đầu tiên là gạo. Do đã lường trước được những khó khăn rất lớn cho đầu ra cho nên ngay từ đầu năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đề ra mục tiêu xuất khẩu gạo chính ngạch cả năm 2014 đạt khoảng 6,5 đến 7 triệu tấn. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu gạo đạt 3,414 triệu tấn, với trị giá 1,530 tỷ USD, giảm khoảng 4% so cùng kỳ năm 2013. Tiếp đến là cao-su, mặt hàng gây nhiều lo ngại nhất, trong sáu tháng đầu năm, lượng cao-su xuất khẩu chỉ đạt 331 nghìn tấn, trị giá 639 triệu USD.Nếu so cùng kỳ năm 2013, lượng cao-su xuất khẩu giảm 23,4% về lượng và giảm 33,6% về giá trị.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: “Đối với những mặt hàng này, chúng tôi đã rà soát lại các thị trường và chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp các bộ, ngành có liên quan làm việc với các nước để tháo gỡ những vướng mắc về kỹ thuật cũng như vận động các nước để mở cửa thị trường”. Cũng theo đánh giá của vị tư lệnh ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu nông sản sẽ khả quan, trong đó có những mặt hàng quan trọng như lúa gạo, thủy sản, lâm sản.

Giải pháp cho nông sản xuất khẩu

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Vàng (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: VŨ HÙNG

Cần giải quyết vấn đề từ “gốc”

Sự co rút hay mở rộng thị trường từ đầu năm 2014 đến nay dẫu sao cũng chỉ là hiện tượng nhất thời, vấn đề cốt lõi không thể bỏ qua là chuyện tìm kiếm, khai thác, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản luôn là nỗi đau đáu của các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt Nam. Bởi theo nhận định chung, căn bệnh “trầm kha” của hàng xuất khẩu nói chung và nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói riêng vẫn thiếu tính cạnh tranh cả ở bề rộng và chiều sâu, vì thế chuyện phải hứng chịu những rủi ro trên thị trường quốc tế là điều khó tránh khỏi. Hiện, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất ở dạng nguyên liệu thô và chủ yếu nhằm vào những thị trường dễ tính. Vì vậy, về lâu dài muốn tăng trưởng ổn định, ngoài những thị trường quen thuộc cần có thêm giải pháp để đột phá vào những thị trường khó tính hơn, như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó cần xây dựng chuỗi sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu nông sản vào những thị trường nêu trên.

Tuy vậy, những giải pháp nêu trên vẫn chủ yếu tập trung ở phần “ngọn”, đã đến lúc chúng ta phải quay lại để tìm ra những nguyên nhân căn bản nhằm giải quyết vấn đề xuất khẩu ngay từ gốc rễ, tức là nền sản xuất nông sản nội địa. Trước hết, là câu chuyện “thông tin thị trường”. Không chỉ nông dân, ngay các nhà sản xuất của chúng ta thường không nắm đủ các thông tin thị trường, vì nhiều lý do khách quan và một lý do chủ quan dễ nhận ra nhất: Ít chịu bỏ công và bỏ của để điều tiết, nghiên cứu thị trường, mà chỉ bắt chước láng giềng là chính (trồng dừa, cà-phê, tiêu, điều, bạch đàn, cây ăn trái, nấm rơm; nuôi tôm, cua…) và chỉ được một thời gian rồi lại chặt bỏ.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, các nhà sản xuất cần có tai mắt tại các vùng trọng điểm tiêu thụ hàng hóa và vùng sản xuất hàng hóa để kiểm soát chính xác khối lượng các loại mặt hàng đang và sắp sản xuất, thời điểm thu hoạch, chiều hướng giá cả lên xuống… để đưa ra kế hoạch sản xuất của mình. Về lâu dài, Nhà nước cần có dự báo chiến lược sản xuất các sản phẩm cụ thể để có biện pháp đồng bộ từ tổ chức nông dân sản xuất đến việc tạo thị trường, không nên để mặc cho dân tự phát sản xuất, dẫn đến sự ứ đọng hàng hóa như hiện nay.

Bên cạnh đó, một loạt các giải pháp khác cũng cần tiến hành đồng bộ. Khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ lớn hơn nữa nếu có các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam, đầu tư bằng vốn nước ngoài 100% hoặc hợp tác với công ty trong nước. Đã có nhiều công ty đầu tư vào, nhưng với cung cách làm ăn của chúng ta, vài năm trở lại đây, nhiều công ty đã phải rút lui, doanh số đầu tư nước ngoài ngày càng giảm. Những nguyên nhân chính khiến họ ra đi vì luật pháp về hợp đồng của chúng ta còn lỏng lẻo, chưa đồng bộ.

Nhìn rộng ra trong khu vực, các nước như: Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin khôi phục lại rất nhanh sau đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua là bởi họ đã tổ chức tốt công tác tái thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta lên kế hoạch, tổ chức đúng hướng sẽ đem lại cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam cơ hội để hồi phục và mở rộng thị trường tiêu thụ.

TÂM THỜI
Theo Báo Nhân dân

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác