Hiệp hội Cao su Việt Nam tiếp tục kiến nghị về thuế GTGT
Nhận được phản ánh của nhiều Hội viên, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã gửi văn bản số 296/HHCS ngày 23/10/2014 tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mủ cao su sơ chế như các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm tươi sống chỉ qua sơ chế hoặc chưa chế biến thành sản phẩm khác: không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại.
Trước đây, theo Luật thuế GTGT (2013), các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm tươi sống chỉ qua sơ chế hoặc chưa chế biến thành sản phẩm khác đều là những mặt hàng có thuế suất thuế GTGT là 5%. Mủ cao su sơ chế chưa chế biến thành sản phẩm khác, cũng có mức thuế suất thuế GTGT là 5%.
Từ 01/01/2014, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), theo hướng dẫn tại Công văn số 7062/BTC-TCT của Bộ Tài chính, các mặt hàng cà phê, điều, lúa, cám, tấm, tôm, cá cấp đông…, là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và thực phẩm tươi sống chỉ qua sơ chế, chưa chế biến thành sản phẩm không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT trong khâu kinh doanh thương mại.
Mặt hàng mủ cao su sơ chế có đặc trưng tương tự như các mặt hàng trên, là sản phẩm trồng trọt mà hiện nay trên 50% sản lượng là do nông dân sản xuất, chỉ qua sơ chế và chưa chế biến thành sản phẩm khác. Toàn bộ mủ cao su sơ chế không thể trực tiếp đưa đến người tiêu dùng mà 80% để xuất khẩu và khoảng 20% là nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp chế biến trong nước như ngành lốp xe, găng tay, băng tải, nệm gối, đế giày…
Theo Luật thuế GTGT, sau khi xuất khẩu hoặc sau khi chế biến thành sản phẩm khác, các doanh nghiệp đều được hoàn thuế GTGT. Thực chất Nhà nước không thu thuế GTGT trên mặt hàng mủ cao su sơ chế vì đây là thuế gián thu, Nhà nước chỉ thu thuế GTGT do người tiêu dùng phải nộp trên các sản phẩm cao su đã qua chế biến như lốp xe, găng tay, nệm gối…
Hiện nay, tình hình tiêu thụ mủ cao su đang gặp khó khăn do cung vượt cầu làm giá cao su giảm sâu gần sát hoặc dưới giá thành, một số hộ nông dân đã giảm sản xuất cao su hoặc chuyển sang cây trồng khác. Bên cạnh khó khăn của thị trường và giá cả, vướng mắc trong thuế GTGT đã làm một số doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh xuất khẩu nông sản khác. Những tác động này đã kéo kim ngạch xuất khẩu cao su sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2014.
Nếu mủ cao su sơ chế được áp dụng chính sách thuế GTGT như các nông sản khác, sẽ mang đến nhiều lợi ích và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
– DN kinh doanh, xuất khẩu không phải ứng trước hoặc vay vốn nộp thuế đầu và sau đó chờ hoàn thuế trong thời gian dài, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn hoạt động của DN.
– DN công nghiệp chế biến sản phẩm cao su khi mua nguyên liệu cao su cũng không phải ứng vốn nộp thuế GTGT đầu vào rồi chờ hoàn thuế sau khi ra sản phẩm săm lốp, găng tay… bán cho người tiêu dùng. Từ đó, sẽ góp phần thúc đẩy chế biến sâu và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cao su so với các nước trong khu vực.
– Về phía Nhà nước, sẽ cắt giảm việc gian lận trong kê khai khấu trừ, hoàn thuế và nhờ đó giảm thất thoát ngân sách của nhà nước; tiết kiệm được thời gian, nhân lực ở khâu kiểm tra và hoàn thuế GTGT; không làm ảnh hưởng đến số thu của ngân sách nhà nước mà còn phản ánh đúng thực chất số thu của ngân sách.
Như vậy, khi áp dụng chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại đối với mủ cao su sơ chế sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của DN ngành cao su, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và chế biến sâu trong nước, đồng thời giúp Nhà nước ngăn chặn gian lận, tiết kiệm thời gian và nhân lực, đồng thời không làm thất thu ngân sách.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam
//Tin tự động cập nhật//