Hy vọng mới cho ngành cao su
Giá dầu thô đạt kỷ lục vào năm 2008. Đỉnh điểm trong phiên giao dịch ngày 11/7/2008, giá dầu Brent Biển Bắc là 147,50 USD/thùng, giá dầu ngọt nhẹ tại thị trường New York đạt mốc 147,27 USD/ thùng do lo ngại căng thẳng chính trị leo thang ở Trung Đông, Nigiêria và Iran.
Ít có ai ngờ được rằng giá “vàng đen” lại xuống dốc thảm hại vào những tháng cuối năm 2014 và duy trì mức thấp cho đến nay (đến hết quý I năm 2015). Mặc dù chưa giảm sâu như những tháng cuối năm 2008 (khoảng 40USD/thùng), nhưng khi đó tình trạng giảm chỉ trong thời gian ngắn rồi phục hồi lại ngay ở mức cao vào những tháng tiếp theo.
Đối với ngành cao su tự nhiên, năm 2011 nhờ chính sách kích cầu để phục hồi khủng hoảng kinh tế năm 2008 của các nước lớn, đặc biệt là sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Trung Quốc – thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, giá cao su thiên nhiên đã đạt kỉ lục gần 5.000 USD/tấn.
Năm 2014 giá cao su lại sụt giảm kỷ lục, xuống khoảng 1.500 USD/tấn do tình trạng dư cung kéo dài, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại. Trong nước nhiều công ty cao su phải bán dưới giá thành, gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù lỗ nhưng vẫn phải khai thác, chế biến để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Theo các chuyên gia dự báo, giá cao su khó có biến động lớn từ nay đến năm 2020. Điều này bắt buộc các công ty sản xuất cao su tự nhiên phải tái cơ cấu, tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động và tìm những thị trường tiêu thụ mới để đa dạng hóa khách hàng.
Như vậy về mặt khách quan giá cao su thiên nhiên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó chi phối chủ yếu là giá dầu mỏ, sự tăng trưởng của các ngành kinh tế lớn có tiêu thụ nhiều cao su, đặc biệt là ngành công nghiệp xe hơi, nơi mà cao su chiếm tỉ trọng lớn để sản xuất vỏ và ruột bánh xe.
Nhưng mặt khác nó cũng chịu ảnh hưởng từ yếu tố con người mà ở đây là những nước, doanh nghiệp, hộ tiểu điền, nông dân sản xuất cao su thiên nhiên. Giải pháp đưa ra được chú ý nhiều là tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước, tái cơ cấu lại ngành cao su, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đa dạng hóa thị trường, tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Nhưng niềm tin về sự phục hồi của ngành cao su cần liên tục phải khẳng định, rằng đây là tính chu kỳ như bất kỳ một ngành nghề nào khác, chịu nhiều chi phối của quy luật cung cầu thị trường.
Tăng trưởng GDP của nước ta trong quý I năm 2015 đạt 6,03%, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, gây bất ngờ với các chuyên gia kinh tế và các thành viên Chính phủ. Điều này báo hiệu một nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, đi vào ổn định, phát triển. Cùng với bước đi của nền kinh tế, chúng ta cũng hy vọng ngành cao su sẽ có dấu hiệu phục hồi rõ rệt vào năm 2015 tạo tiền đề, nền tảng bứt phá cho các năm tiếp theo.
Theo Tạp chí CSVN
//Tin tự động cập nhật//