Kinh nghiệm rút ra từ hội thảo đầu bờ “Phun phòng trị bệnh lá trên vườn cây cao su thu hoạch mủ”
Ngày 8/1/2014, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã đăng cai Hội thảo đầu bờ về “Phun thuốc trị bệnh lá trên vườn cây thu hoạch mủ cao su” của VRG, được tổ chức tại Nông trường Ya Chim với sự tham gia của Viện Nghiên cứu Cao su VN, Ban Quản lý Kỹ thuật VRG và 8 công ty cao su Tây Nguyên, 4 công ty tại Duyên hải miền Trung, 3 công ty ở Lào.
Trong những năm gần đây, công tác phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây khai thác đã được các công ty cao su quan tâm đặc biệt. Theo số liệu báo cáo của Viện Nghiên cứu Cao su VN năm 2013 đã có 43.931 ha cao su khai thác của VRG và các hộ tiểu điền được phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng. Nhằm khẳng định việc phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng có hiệu quả trên vườn cây cao su khai thác, tại hội thảo, các đại biểu đã được chứng kiến 16 máy phun cao áp của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum phun trình diễn trên lô 55 của Nông trường Ya Chim.
Đại diện Công ty Kon Tum cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phun phòng trị bệnh phấn trắng của năm 2013 cũng như ghi nhận những tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới của Viện Nghiên cứu Cao su VN, ý kiến của Ban Quản lý Kỹ thuật…Theo đó, kết quả thu được ở các nơi là không đồng nhất, tuy nhiên việc phòng trị bệnh trên lá đạt hiệu quả cao, tán lá sạch bệnh và ổn định ngay trong đầu tháng 3, nhưng cũng có không ít vườn cây vẫn nhiễm bệnh ở mức nặng, phiến lá biến dạng, loang lổ vết bệnh, tán lá thưa thớt kéo dài, không đạt mục đích của việc phòng trị bệnh.
Kinh nghiệm của Công ty Kon Tum cho thấy: Thời điểm vườn cây ra lá tập trung (giai đoạn nhú chân chim đến xòe) thường trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nếu không chủ động và có kế hoạch phun phòng trị thì bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Điển hình như năm 2013, chỉ trong thời gian nghỉ Tết 10 ngày 8.000 ha cao su khai thác của công ty đều bị nhiễm bệnh ở cấp độ 5. Công tác phun thuốc phòng trị bệnh phải được thực hiện vào lúc 6 – 9h sáng và buổi chiều từ 15 – 18h, thời điểm phun phải lặng gió, trong khi phun nếu có gió thì tạm ngưng chờ lặng gió. Tuy nhiên, sau khi rút kinh nghiệm lãnh đạo công ty đã thay đổi giờ phun vào đợt thứ 2 khi phun từ 16h ngày hôm trước đến 9h sáng ngày hôm sau mới đạt hiệu quả, bởi thời tiết theo các tháng có sự thay đổi, biến động.
Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thì tổng chi phí đầu tư phun phòng trị bệnh phấn trắng năm 2013 của công ty trên 9,4 tỷ đồng, bình quân hơn 1,2 triệu đồng/ha, và bình quân trên 726 ngàn đồng/tấn sản phẩm. Với năng suất bình quân của công ty 1,6 tấn/ha như hiện nay thì chỉ cần năng suất tăg chưa đến 1,5% là hòa vốn.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Cao su VN cũng chỉ ra rằng: Trong mùa bệnh, nấm bệnh luôn có điều kiện thuận lợi để tấn công trên vườn cây. Trong khi đó, tác động của việc phun thuốc phòng trị chỉ đạt hiệu quả khi vườn cây chưa nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh ở mức độ rất nhẹ (cấp 1), nếu vườn cây đã nhiễm bệnh từ cấp 2 trở lên thì hiệu quả phòng trị không cao. Ngoài ra, các đơn vị khi thực hiện công tác phun thuốc phòng trị bệnh cần tuân thủ và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng là đúng thuốc – đúng lúc – đúng cách và đúng liều lượng.
Khi triển khai việc phòng trị bệnh phấn trắng quy mô đại trà trên vườn cây kinh doanh cần có sự chuẩn bị thật chu đáo và triển khai một cách nghiêm túc. Trong công tác chuẩn bị cần xây dựng kế hoạch sớm, quy hoạch diện tích phù hợp với nguồn nhân lực của đơn vị, không triển khai dàn trải vượt khả năng đáp ứng tại chỗ. Trong quá trình triển khai cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, phun thuốc tại thời điểm vườn cây ra lá non, lá chưa nhiễm bệnh, đảm bảo chu kỳ từ 7 – 10 ngày/lần, không tự ý thay đổi công thức thuốc do Viện Nghiên cứu Cao su VN khuyến cáo.
Theo Tạp chí cao su Việt Nam
//Tin tự động cập nhật//