Liên kết nâng đỡ giá cao su: Giải pháp tất yếu
Khi giá cao su thiên nhiên đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, buộc các nước sản xuất cao su chủ chốt liên kết hành động nhằm nâng đỡ giá.
Tháng trước, các hiệp hội cao su từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, VN… đã thúc giục các nhà sản xuất không bán cao su dưới giá sàn 1,5 USD/kg. Tại mỗi nước còn có biện pháp cụ thể, như hạn chế khai thác và mua cao su tạm trữ nhằm tăng giá bán. Ngay sau đó, giá cao su kỳ hạn trên các sàn giao dịch cao su quốc tế đã tăng khá. Tuy vậy, giá bán vẫn chưa tăng như kỳ vọng và nhìn chung thị trường còn rất ảm đạm.
Trước tình trạng đó, các nước sản xuất cao su thiên nhiên lại phải hành động. Ngày 20/11, các Bộ trưởng từ Thái Lan, Malaysia và Indonesia – các nước đã thành lập Hiệp hội Cao su Quốc tế (IRCo) nhóm họp tại Malaysia. Các đại diện đến từ Campuchia, Lào, Myanmar và VN cũng tham dự. Hiện 7 nước này chiếm 77% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.
Cuộc họp bàn thảo biện pháp tối ưu nhất mà các nước sản xuất cao su có thể áp dụng để ổn định giá. Trong đó, có 3 khả năng được xem xét: giảm nguồn cung ra thị trường toàn cầu, giảm nguồn cung nội địa hoặc tăng nhu cầu nội địa.
Có thể nói, thị trường cao su đang là cuộc giằng co giữa bên bán và bên mua. Với diễn biến thị trường như hiện nay, lợi thế đang thuộc về bên mua. Nhưng khi bị dồn vào thế khó, bên bán không buông xuôi mà đang nỗ lực dốc sức “kéo co”. Việc bên bán nhóm họp, tìm cách liên kết, đồng thuận các biện pháp nhằm nâng đỡ giá cao su minh chứng cho điều đó. Các Hiệp hội, tổ chức đại diện cho người trồng cao su ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang chịu áp lực phải có hành động can thiệp tức thời và hiệu quả, khi mà nông dân trồng cao su (chiếm đa số thành phần trồng cao su) gây sức ép bằng các cuộc biểu tình hoặc dừng cạo, phá bỏ vườn cây.
Trong tình hình cán cân đang nghiêng hẳn về phía mua như hiện nay, rõ ràng sự liên kết, hợp tác của bên sản xuất là rất cần thiết. Một mặt, mỗi nước vẫn phải tìm thị trường, lôi kéo khách hàng; cạnh tranh với các nước khác. Mặt khác, họ cũng cần sự bắt tay hợp tác từ các nước khác để đồng thuận các biện pháp can thiệp thị trường, cùng được lợi. Trong tình hình hiện nay, nếu hành động riêng lẻ, mạnh ai nấy bán, sẽ gây thêm bất lợi cho các bên còn lại và càng làm cho thị trường hỗn loạn.
Phú Vinh
Theo Tạp chí CSVN
//Tin tự động cập nhật//