Ngày 8-5, một phiên họp đặc biệt cấp Bộ trưởng của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Sở dĩ có cuộc họp này là do giá mủ cao su thiên nhiên thị trường toàn cầu giảm sút mạnh. Việt Nam nằm trong số những nước trồng nhiều cao su, do đó ảnh hưởng có thể nói là nghiêm trọng.
Khai thác mủ cao su

1. Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát dẫn đầu, cùng với các đoàn đến từ Campuchia, Sri Lanka, Thái Lan và nước chủ nhà Malaysia. Một số quan chức cao cấp trong lĩnh vực đến từ Ấn Độ, Indonesia, Papua New Guinea, Philippines cũng đã tham dự phiên họp.

Tại đây, nhiều ý kiến khá bi quan về ngành cao su đã được đưa ra. Những diễn biến bất lợi của thị trường diễn ra thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của hàng triệu người trồng cao su. Nguy cơ người dân chặt bỏ cây cao su đã diễn ra ở nhiều nơi, vì thế việc cấp bách là phải có sự phối hợp giữa các nước, cùng chung tác động vào thị trường để sớm ổn định giá không để người trồng cao su quá thua thiệt. Việc ổn định giá không chỉ trong ngắn hạn, mà còn phải ổn định trong dài hạn.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cây trồng và Hàng hóa Malaysia – Douglas Uggah Embas cho biết, Việt Nam đã đồng ý hợp tác với Thái Lan, Indonesia và Malaysia dưới sự bảo trợ của Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC) để nâng giá cao su.

Được biết, Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên là một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1970, có 11 nước thành viên, gồm: Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Năm 2014, sản xuất cao su của các quốc gia thành viên chiếm 92% tổng sản lượng cao su của thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, Việt Nam là nước sản xuất lượng cao su thiên nhiên lớn thứ ba thế giới, vì thế những diễn biến bất lợi hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và thu nhập của những người trồng cao su. Bộ trưởng cũng khuyến cáo rằng, thị trường cao su có thể còn có những khó khăn trong một thời gian, vì thế không mở rộng diện tích trồng trong thời gian trước mắt.

Trước đó, để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vào trung tuần tháng 3-2014, Thái Lan đã bàn với Việt Nam việc thành lập mạng lưới các quốc gia thành viên sản xuất cao su lớn trong khu vực Đông Nam Á, với mục đích chủ động về giá cao su. Theo ông Petipong Pungbun Na Ayudhya- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, hình thành mạng lưới các nước thành viên trong khu vực tiến đến định hình thị trường, hình thành mức giá chung, tránh để bị phụ thuộc vào giá cao su của các nước ngoài khu vực. Theo đại diện Thái Lan, nếu Việt Nam tham gia mạng lưới này thì sản lượng cao su trong khu vực sẽ chiếm 70% tổng sản lượng cao su toàn cầu. Từ đó, việc bình ổn giá là khả quan.

Cũng cần lưu ý, số liệu từ Bộ NNPTNT, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm đạt 137.000 tấn, giá trị đạt 202 triệu USD, tăng 30,5% về khối lượng nhưng giảm 6,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 1-2015 đạt 1.423 USD/tấn, giảm 31,27% so với cùng kỳ năm 2014.

2. Trong khi các nhà hoạch định chiến lược đang bàn cách tháo gỡ khó khăn về mặt tổng thể, thì tình hình sản xuất, tiêu thụ cao su vẫn rất khó khăn.

Tại tỉnh Phú Yên, mủ cao su liên tục rớt giá, hiện chỉ còn từ 7.000 đồng – 8.000 đồng/kg, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Theo người trồng cao su, trừ các chi phí đầu tư thì không có lãi, nhiều trường hợp thua lỗ. Tại các xã Eabar, Ealy (huyện Sông Hinh, Phú Yên), người dân đã chặt gần 6ha cây cao su 10 năm tuổi. Tại Hương Trà và Nam Đông (Thừa Thiên-Huế), tình cảnh cũng diễn ra tương tự. Nhiều người trồng cao su đã đốn hạ cây để bán gỗ, rồi chuyển sang trồng rừng do giá bán mủ cao su rớt thê thảm.

Tình cảnh đáng buồn hơn khi biết rằng những năm qua, người dân ở các xã như Bình Thành, Hương Bình (Hương Trà) đã nỗ lực mở rộng diện tích trồng cao su. Nhưng rồi giá mủ cao su xuống thấp quá, người dân đã chặt bỏ gần 50ha. Cũng ở Thừa Thiên-Huế, Nam Đông được xem là “thủ phủ” cao su,  thì tới nay cũng đã xuất hiện việc người dân chặt bỏ cao su. Nhiều hộ dân cho rằng, bán mủ cao su không bằng bán nước mía. Mủ cao su liên tục rớt giá từ 50.000 đồng/kg (trước dây 4 năm) xuống 30.000 đồng rồi đến 10.000 đồng và nay là 5.000 đồng/kg, nhiều hộ trồng cao su lâm vào cảnh khó khăn, nợ chồng nợ.

Xã Hương Phú là xã có số hộ dân trồng cao su lớn nhất huyện Nam Đông, với tổng diện tích 800ha. Gần 20 năm, bà con gọi cao su là “cây vàng trắng”, nên đã thế chấp nhà cửa, đất đai để vay vốn ngân hàng nhằm mở rộng diện tích. Nhưng nay, diện tích cao su càng lớn thì càng khó khăn.

Không phải tới nay cao su mới gặp khó. Vấn đề tái cơ cấu ngành cao su đã được đặt ra từ những năm trước. Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tính đến hết năm 2013, cả nước đã có hơn 955.700 ha cao su, trong khi quy hoạch của Chính Phủ đến năm 2020 là 800.000 ha, tức là diện tích trồng cao su đã vượt quy hoạch 155.700 ha. Đáng chú ý, trong bài phát biểu của TS Stephen Evans (Tổng thư ký Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế-IRSG) tại buổi họp mặt các DN ngành cao su vào ngày 5-12-2014 đã khẳng định: Hiện nguồn cung mủ cao su đang vượt quá nhu cầu tiêu thụ của thế giới nên giá cao su sẽ không thể tăng lên trong thời gian tới, ít nhất là trong năm 2015.

Như vậy, sự phát triển bền vững của ngành cao su vẫn phải là đầu ra ổn định- trước mắt là kiềm chế sự tụt giá, và sau đó là sự quy hoạch hợp lý.

NGỌC QUANG

Theo Tổ chức Nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG), năm 2015, sản lượng sẽ vượt nhu cầu 202.000 tấn, giảm so với 371.000 tấn năm 2014 và 650.000 tấn năm 2013. Còn Tổ chức tư vấn Rubber Economist Ltd dự đoán dư thừa cao su toàn cầu  đưa ra dự báo: với mức dư thừa năm 2015 là 483.000 tấn và năm 2016 là 316.000 tấn. Sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm nay năm 2014 tăng 2% lên 12,275 triệu tấn, và tăng lên 12.635 triệu tấn năm 2015, theo IRSG

 (Nguồn: Bloomberg)

Theo Báo Đại đoàn kết

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác