Mặc dù giá cao-su nhiều thời điểm tụt dốc không phanh, khiến người dân ở một số địa phương “quay lưng” – chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng cây khác, nhưng đối với nhiều công nhân của Công ty CP-ÐTPT Cao-su Nghệ An, loại cây này vẫn là “vàng trắng”.

 img_5509173b76253
Công nhân Nông trường cao-su 12/9 (Công ty CP Ðầu tư phát triển cao-su Nghệ An) kiểm tra sự phát triển của cây cao-su.

Thành lập từ tháng 4-2007, buổi đầu khó khăn chồng lên khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc, nhưng đến nay Công ty CP-ÐTPT Cao-su Nghệ An đã có một cơ ngơi bạt ngàn diện tích cao-su, trải dài tít tắp trên vùng đất miền tây xứ Nghệ, từ Thanh Chương, Anh Sơn lên tận Quế Phong,… Kết thúc năm 2014, công ty trồng mới được 1.200 ha, góp phần nâng tổng diện tích cao-su đạt 4.300 ha. Thực hiện nhiệm vụ năm 2015, công ty phấn đấu trồng mới 2.500 ha, nâng tổng diện tích vườn cây kiến thiết cơ bản đạt hơn 5.000 ha.

Trao đổi với chúng tôi, công nhân Nguyễn Văn Lý (thuộc đội 6, Anh Sơn), cho biết: “Trong bối cảnh ngành cao-su cả nước đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế, nhất là giá mủ cao-su ngày một xuống thấp, công nhân chúng tôi rất lo lắng. Nhưng Công ty CP-ÐTPT Cao-su Nghệ An vẫn luôn giữ được nhịp độ đầu tư cân bằng nên việc làm của công nhân chúng tôi luôn được bảo đảm, đời sống, thu nhập bình quân hằng tháng vẫn giữ mức tăng trưởng. Công nhân Nguyễn Thị Nga (thuộc Nông trường 12/9, Thanh Chương) khẳng định: “Chúng tôi rất tự hào là những công nhân của Công ty CP-ÐTPT Cao-su Nghệ An. Bởi khi công ty chưa thành lập thì những thanh niên như chúng tôi phải tần tảo vào mãi trong nam để tìm việc làm hết chỗ này qua chỗ khác, nhưng cuối năm trở về vẫn tay trắng, chẳng giúp được gì cho bản thân, gia đình. Nhưng đã là công nhân của công ty rồi thì không những mức lương bình quân được hưởng là 5,8 triệu đồng/tháng mà mọi chế độ, các quyền lợi thiết thân của người lao động luôn được bảo đảm, từ chế độ ăn ca, xăng xe đến các loại bảo hiểm,… Ðặc biệt hơn nữa, thanh niên đồng bào dân tộc chúng tôi luôn được rèn luyện trong môi trường giáo dục của tổ chức nên cuộc sống càng ý nghĩa hơn so với trước đây nhiều nhiều lắm”. Công nhân Nguyễn Hữu Vương (đội 4, Anh Sơn) cũng cho biết: “Công ty là mái ấm cho những người lao động. Chúng tôi được giao lưu, học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, được lãnh đạo quan tâm, chăm lo; được bình đẳng trong sinh hoạt”. Còn công nhân Nguyễn Thị Ngân, Nông trường Quế Phong, thuộc đồng bào dân tộc bản Pỏm Om thì đề nghị, công ty nên tổ chức các lớp đào tạo nghề giúp đồng bào dân tộc trong các vùng dự án có thêm kiến thức để sau này được trở thành những công nhân cao-su lành nghề phục vụ quê hương.

– Theo Nhân dân

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác