Trong 10 tháng năm 2014, giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,45 tỷ USD, giảm gần 26% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2013, bất chấp khối lượng tăng 1,3%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  khuyến cáo, các DN không nên mở rộng diện tích trồng cao su…

Liên tục trong mấy năm gần đây, suy thoái kinh tế thế giới khiến cho nhu cầu cao su tự nhiên sụt giảm mạnh, kéo theo đó là giá cả “lao dốc”. Theo thống kê sơ bộ, trong 10 tháng năm 2014, giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,45 tỷ USD, giảm gần 26% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2013, bất chấp khối lượng tăng 1,3%.

Người trồng cao su lao đao, địa phương vẫn muốn nhân rộng
Nghịch lý là trong khi giá cao su liên tục giảm từ đầu năm 2012 đến nay, sản lượng cao su sản xuất của Việt Nam lại tăng lên. Dẫn đến, có thời điểm giá xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam giảm xuống mức rất thấp, chỉ còn một nửa, một phần ba so với giai đoạn trước (hiện khoảng 30 triệu đồng/tấn). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến cáo, các DN không nên mở rộng diện tích trồng cao su… Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo trên, một số địa phương trong đó có tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trên những vùng đất mới.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh này đã trồng hơn 6.000 ha cao su và tiếp tục mở rộng diện tích tại một số địa bàn. Không những DN đẩy mạnh trồng cao su, cả chính quyền các địa phương cũng rất sốt sắng, bất chấp những rủi ro đang tiềm ẩn từ thị trường này. Điển hình như các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước (Quảng Nam)… vẫn đang rà soát quỹ đất để mở rộng diện tích trồng mới.

Tại huyện Thăng Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam đã được phép trồng hơn 1.169 ha cao su. Tương tự, huyện Tiên Phước cũng đang tính toán trồng mới trên 2.000 ha cây cao su và huyện Phú Ninh cũng đang lập thủ tục, hồ sơ để trồng cao su tại địa phương này. Tại huyện Hiệp Đức, cây cao su được xác định là cây trồng ưu tiên. Ngoài sự đầu tư của DN, địa phương này còn khuyến khích, hỗ trợ cho nông dân tham gia trồng cao su tiểu điền…

Nhưng, khác với những năm 2010 – 2011, “thời điểm vàng” của cây cao su với mức giá kỷ lục tới 100 triệu đồng/tấn, hiện giá cao su đã “bay hơi” rất nhiều. Các nông trường cao su đang rơi vào tình trạng rất ít công nhân cạo mủ bởi giá bán không đủ ngày công lao động. Các công nhân cạo mủ cao su cho hay, do lao động theo thời vụ, hưởng lợi từ việc ăn chia theo hình thức khoán sản phẩm nên thu nhập thất thường.

Yếu tố giá cao su sụt giảm thê thảm cũng ảnh hưởng đến tâm lý người trồng cao su tiểu điền của các nông dân tại Quảng Nam. Nhiều hộ trồng cao su tiểu điền không mấy thiết tha bỏ vốn đầu tư thêm, bởi giá bán liên tục rớt. Một nông dân trồng cao su tại huyện Hiệp Đức trăn trở, đã bỏ vốn đầu tư trồng trên 2 ha cao su tiểu điền nhưng thấy bất an…

Vì ngoài nỗi lo về bệnh, sâu bọ, năng suất mủ thấp, bây giờ thêm giá bấp bênh khiến nông dân càng thêm nản chí. Nhiều chủ vườn tạm dừng khai thác mủ, vì không đủ trả tiền cho nhân công. Trên địa bàn cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp nông dân chặt bỏ số cây bị hư hại, gãy ngã để lấy đất sản xuất các loại cây trồng khác…

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam, hiện nay giá bán cao su xuống quá thấp khiến người nông dân trồng cao su đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là mô hình trồng cao su tiểu điền nhỏ lẻ. Dù chưa phải chặt bỏ cao su nhưng nông dân rất e ngại khi bỏ vốn đầu tư… Trong khi nhiều địa phương có thế mạnh về trồng cao su như các tỉnh Tây Nguyên cũng đang tính toán, quy hoạch lại diện tích trồng cao su hoặc có nơi khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích, để tránh rủi ro…

Với việc triển khai mở rộng diện tích trồng cao su, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam cần xem xét kỹ các yếu tố khách quan đang tác động tiêu cực đến ngành cao su. Đồng thời, cần nhắc lại khuyến cáo của Bộ NN&PTNT và các chuyên gia để tránh rủi ro cho người nông dân sau này.

Để giúp người trồng cao su đối phó với rớt giá, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương không chạy theo mở rộng diện tích, tập trung nâng cao hiệu quả, giảm chi phí đầu tư và đẩy nhanh chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất cao su, giảm lệ thuộc xuất khẩu nguyên liệu thô…

Chí Thiện

Theo Thời báo Ngân hàng

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác