Thời gian gần đây, giá thu mua mủ cao su giảm mạnh, người trồng cây cao su chịu lỗ nặng. Vì vậy, nhiều chủ vườn đã chọn phương án chặt bỏ cây cao su kể cả cây non để chuyển sang cây trồng ngắn ngày khác.

Đau vì giá, cao su non bị đốn ngã

Ở nhiều tỉnh thành trên cả nước từ miền Đông đến miền Trung, các chủ vườn đang tiến hành chặt phá hàng loạt vườn cao su. Giá cao su vài năm trở lại đây liên tục giảm mạnh từ 90.000 đồng/kg mủ khô (năm 2011) xuống hiện nay chỉ còn 28.000 đồng/kg. Với nhiều hộ trồng cao su, tiền thu từ bán mủ của họ không đủ để trả tiền công thu hoạch mủ và chăm sóc lại vườn cây. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân ngã đổ nhiều vườn cao su. Thậm chí nhiều vườn mới trồng vẫn chưa cho thu hoạch cũng bị chặt phá không thương tiếc. Anh Võ Hùng Lâm – một hộ trồng cao su ở Phú Chánh, Tân Uyên – vừa chặt bỏ 2 ha cao su đang thu hoạch. Anh Lâm cho biết: “Chưa biết giá mủ lúc nào tăng trở lại, trong khi chi phí phân bón và chăm sóc ngày càng tăng nên chúng tôi phải phá vườn để chuyển sang cây trồng khác, nhiều người còn chặt bỏ cao su non”.

Theo ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, tính đến tháng 6/2014, tổng diện tích vườn cao su bị người dân đốn bỏ trên địa bản toàn tỉnh lên đến khoảng gần 2.000 ha. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Châu khoảng 700 ha, Tân Biên 600 ha, Châu Thành trên 70 ha. Diện tích cao su bị chặt bỏ có độ tuổi từ 5 năm trở xuống khoảng gần 300 ha, số còn lại là cao su đã cho khai thác từ 10 năm trở lên. Ngoài ra, còn có gần 200 ha cao su 2 – 3 năm tuổi bị nông dân chặt ngọn, không khai thác để giữ đất trồng sắn.

“Trồng – chặt”, sự bế tắc có hệ thống?

Dù đứng thứ tư thế giới về sản lượng khai thác, nhưng mức tiêu thụ cao su nội địa rất thấp, chưa đến 20% tổng lượng. Số cao su còn lại được xuất khẩu dạng thô với giá thấp. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu cao su đến hơn 70 nước trên thế giới, nhưng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 62%.

Tuy nhiên, câu chuyện của ngành cao su không mấy khả quan trong ngắn hạn là nhận định chung của nhiều chuyên gia, không chỉ trước áp lực lệ thuộc yếu tố Trung Quốc chiếm hơn 60% lượng xuất khẩu cao su Việt Nam mà còn chịu thêm áp lực khi cường quốc số một thế giới là Thái Lan có kế hoạch “xả hàng” 200.000 tấn cao su từ kho dự trữ.

Hơn thế, tình trạng này xảy ra cũng bởi lối làm ăn theo “phong trào” của nông dân Việt Nam. Cách đây khoảng 5 đến 10 năm về trước, khi giá cao su ở mức cao ngất, phong trào trồng cao su diễn ra ồ ạt ở nhiều địa phương. Một chủ vườn cây cao su cho biết: “Năm 2007, thấy mọi người chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng cao su, gia đình tôi cũng đã dốc hết số tiền dành dụm được và vay thêm ngân hàng đầu tư trồng được ba ha cao su. Khi trồng cây cao su, cuộc sống lúc này hết sức khó khăn. Dù vậy, mọi người trong gia đình đều động viên nhau bớt ăn, bớt mặc để đầu tư chăm sóc vườn cao su với hy vọng khi cây cao su cho thu hoạch sẽ được đổi đời. Thế nhưng không ngờ giờ đây đến lúc thu hoạch, giá cao su lại rớt thê thảm đến vậy”.

Việc làm ăn theo phong trào như vậy dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch, phát triển ồ ạt và dẫn đến nhiều hệ quả khó lường trước. Diện tích cao su tăng vọt, giá cao su xuống thấp, người dân thì không tìm được giải pháp và lối thoát nào ngoài việc chặt phá đi những cây cao su họ dày công chăm sóc, vun trồng với mong ước “đổi đời”. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng vẫn tiếp tục lặp lại. Còn người nông dân vẫn bế tắc trong vòng luẩn quẩn “trồng – chặt” mà chưa tìm ra lối thoát.

Hơn khi nào khác, yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch trồng và thực thi, kết nối với sản xuất tinh chế, giải quyết đầu ra, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cầu trong nước với thị trường… đang là đòi hỏi cấp thiết từ cây cao su cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác. Nếu câu chuyện “trồng – chặt” và “chặt – trồng” vẫn chưa có hồi kết, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ chưa thể phát triển bền vững, đời sống nhân dân sẽ còn rơi vào khó khăn.

Theo SeaTimes

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác