Ngành cao su ứng phó vượt qua khó khăn và hướng đến phát triển bền vững

Cây cao su hiện có trên 12,5 triệu ha ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ và đã cung cấp trên 12 triệu tấn cao su thiên nhiên năm 2013 làm nguồn nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp và sản phẩm tiêu dùng như như lốp xe, găng tay, đế giày, chỉ thun, nệm, băng tải… Cây cao su còn là nguồn cung cấp gỗ vào cuối chu kỳ kinh tế, tạo nguồn vốn bổ sung quan trọng để tái canh và góp phần thay thế gỗ rừng. Những dự án về tín chỉ cac-bon gần đây đã đưa cây cao su trở thành một trong những đối tượng quan trọng để góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, đồng thời tăng thu nhập cho người trồng. Từ một cây rừng vùng Nam Mỹ, cao su đã trở thành cây trồng đa mục đích sau gần 140 năm phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, cây cao su cũng như những cây trồng khác, chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường, thời tiết và mặt hàng cao su thiên nhiên cũng chịu tác động của quy luật thị trường như những nông sản khác trên thế giới, khó có thể điều tiết theo ý chí chủ quan nhất là khi thành phần sản xuất chủ yếu là hộ nông dân và nguyên liệu cao su là một phần trong chuỗi cung ứng sản phẩm cao su toàn cầu. Với diện tích cao su tiểu điền trên 90%, ba nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thành lập Hội đồng Cao su quốc tế ba bên nhằm bảo vệ giá cho dân trồng cao su và ngăn chặn giá giảm sâu bằng nguồn vốn từ Chính phủ để mua trữ cao su, tuy thành công vào năm 2001 – 2002 nhưng không thể điều tiết được giá năm 2012 – 2014 khi cung vượt cầu quá lớn.

Từ năm 1994 – 1997, giá cao su thế giới tăng nhanh nhưng khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998 đã làm nhu cầu chậm lại, giá sụt giảm mạnh và chạm đáy năm 2001, nhiều diện tích cao su bị chặt bỏ trong giai đoạn này. Do đó, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu làm giá cao su tăng đáng kể từ năm 2005 – 2008, nhưng sau đó giá sụt giảm vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 – 2009. Để sớm phục hồi, một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu có chính sách kích cầu quá mạnh nên lượng cao su tiêu thụ tăng cao trong khi nguồn cung chưa đáp ứng kịp, tạo cơ hội đẩy giá cao su tăng đột biến và đỉnh điểm là tháng 2/2011.

Trong những năm 2005 đến 2011, giá cao đã thúc đẩy nhiều nước mở rộng diện tích cao su trồng mới hơn 2,98 triệu ha, trong khi tái canh chỉ khoảng 1,54 triệu ha, làm tăng 1,44 triệu ha trong 8 năm gần đây và đưa tổng diện tích cao su thế giới lên 12,5 triệu ha năm 2013. Myanmar đã tăng 431 ngàn ha, Việt Nam tăng 423 ngàn ha, Trung Quốc tăng 224 ngàn ha, Lào tăng 223 ngàn ha, Campuchia tăng 167 ngàn ha, Thái Lan tăng 124 ha và Ấn Độ tăng 112 ngàn ha. Malaysia vàIndonesia giảm gần 300 ngàn ha chủ yếu chuyển qua cây cọ dầu.

Năm 2011, thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật và lũ lụt tại Thái Lan cùng với sự suy yếu của kinh tế châu Âu đã làm nhu cầu cao su tăng trưởng chậm từ năm 2012. Trong khi đó, diện tích trồng mới từ năm 2005 bắt đầu được thu hoạch, đẩy sản lượng cao su tăng nhanh vượt hơn nhu cầu và làm cao su dư thừa liên tiếp trong những năm gần đây. Năm 2013, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đạt 12,04 triệu tấn, mức tiêu thụ chỉ đạt 11,4 triệu tấn, dư thừa 644 ngàn tấn và làm cung vượt cầu trong 3 năm liên tiếp lên hơn 1,4 triệu tấn, trong đó tổng lượng cao su dự trữ tại Trung Quốc vào cuối năm 2013 còn tồn hơn 600 ngàn tấn, là mức cao nhất so với trước đây.

Giá cao su thiên nhiên đã giảm mạnh từ đầu năm 2014 đến nay trên thị trường thế giới do nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng chậm trong khi nguồn cung lại tăng nhanh hơn, làm lượng tồn kho quá cao, tạo áp lực đẩy giá cao su giảm liên tục từ năm 2012 kéo sang năm 2014 và nhu cầu nhập khẩu chững lại.

Giá cao su Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của thị trường cao su thế giới vì chỉ chiếm thị phần xuất khẩu khoảng 10%. Giá khá ổn định từ năm 1976 đến 1993 nhưng ở mức thấp khoảng 600 – 800 USD/tấn. Từ năm 1994 – 1997, giá tăng lên đến 1.200 – 1.300 USD/tấn, nhưng khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998 đã làm giá sụt giảm liên tục và chỉ còn 539 USD/tấn năm 2001, diện tích cây cao su phát triển chậm từ 2001 – 2004. Năm 2005, khi cung thấp hơn cầu, giá cao su Việt Nam tăng đáng kể lên 1.450 USD/tấn và đạt 2.435 USD/tấn năm 2008, nhưng sau đó giảm còn 1.677 USD/tấn năm 2009 vì khủng hoảng kinh tế thế giới. Dưới tác động của các chính sách kích cầu và yếu tố đầu cơ trên thị trường thế giới, giá cao su Việt Nam cũng tăng đột biến và đạt đỉnh điểm 4.562 USD/tấn trong tháng 2/2011, riêng chủng loại SVR 3L đạt 5.704 USD/tấn.

Từ năm 2012 đến tháng 6/2014, giá cao su Việt Nam sụt giảm liên tục khi cung vượt cầu trên toàn thế giới. Trong tháng 5/2014, giá cao su xuất khẩu chỉ đạt 1.842 USD/tấn, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm 60% so với giá đỉnh điểm tháng 2 năm 2011. Thị trường xuất khẩu cao su cũng bị thu hẹp, trong 5 tháng đầu năm 2014, lượng cao su xuất khẩu đã giảm 17% so với cùng kỳ năm trước và giảm 37% về giá trị.

Hiện nay, với mức giá bán quá thấp, khoảng 37 – 39 triệu đồng/tấn, người trồng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những hộ nông dân quy mô nhỏ trên những vườn năng suất kém do cây già cỗi hoặc trồng không đúng quy trình kỹ thuật. Một số người dân đã cân nhắc để chuyển đổi sang cây trồng khác, theo thống kê sơ bộ đã lên khoảng 2 ngàn ha đến tháng 6/2014. Tuy nhiên, đối với những vườn có chất lượng và năng suất cao, phần lớn người trồng vẫn tìm cách duy trì và ứng phó bằng cách giảm chi phí, giảm phân bón, giảm số ngày cạo hoặc dừng cạo tạm thời.

Đối với doanh nghiệp, hầu hết đều cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm thu nhập cơ bản cho công nhân tuy giảm so với trước đây và tích cực tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, đồng thời tăng tốc độ tái canh để bổ sung nguồn thu từ gỗ và điều chỉnh giảm sản lượng để góp phần cân đối cung cầu.

Kinh nghiệm phát triển ngành cao su cho thấy khi đầu tư trồng cây cao su cần tính toán hiệu quả cả vòng đời của vườn cây và cần có cách ứng phó với tác động của quy luật cung cầu hoặc những yếu tố rủi ro khác (đầu cơ, thời tiết, thiên tai, tỷ giá…) làm giá biến động trong suốt chu kỳ kinh tế của cây cao su hơn 20 năm.

Thực tế trên những vườn cao su đã có 19 – 20 năm thu hoạch kể từ 1996 đến 2013, qua nhiều bước thăng trầm, đã đạt giá thành bình quân 20,6 triệu đồng/tấn, giá bán bình quân 29,6 triệu đồng/tấn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt trên 30% và giá xuất khẩu bình quân đạt 1.563 USD/tấn. Với giá bán giảm mạnh, hiện chỉ còn 35 – 37 triệu đồng/tấn, nhưng vẫn có lãi trên những vườn được quản lý tốt và điều chỉnh chi phí hợp lý. Nếu năng suất quá thấp hoặc hiệu quả kém, nên cưa đốn để bán gỗ tạo vốn tái canh hoặc chuyển sang cây trồng khác, và tránh thanh lý vườn cao su già ồ ạt để không bị ép giá gỗ. Khi trồng lại, cần sử dụng những giống năng suất cao trên 2 – 3 tấn/ha được Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam khuyến cáo phù hợp theo vùng để đạt hiệu quả kinh tế cao và tăng khả năng chống chịu trong thời kỳ giá thấp.

Trên những vườn cây đang trong giai đoạn thu hoạch hoặc mới trồng đạt tiêu chuẩn về chất lượng và năng suất bình quân trên 2 – 2,2 tấn/ha (Đông Nam bộ) và 1,5 – 1,8 tấn/ha (miền Bắc và Tây Nguyên), cần tiếp tục duy trì vì có thể thu được 55 – 80 triệu đồng/ha năm nay và cần giảm giá thành để ít nhất vẫn có thể giữ được lãi 5 triệu đồng/tấn hoặc 7,5 đến 10 triệu đồng/ha/năm. Mỗi hộ nếu có 3 ha cao su có thể thu được ít nhất 165 đến 240 triệu đồng/hộ/năm và lãi từ 22,5 đến 30 triệu đồng/hộ/năm, tỷ suất lợi nhuận vẫn còn khoảng 15%. Ngoài ra, thu nhập của người trồng còn được bổ sung trên 300 triệu đồng từ gỗ cây cao su (100 triệu đồng gỗ/ha) vào cuối chu kỳ khai thác để có vốn tái canh. Nếu giá phục hồi trên 40 triệu đồng/tấn, hiệu quả kinh tế của vườn cao su sẽ được cải thiện hơn nữa. Trước mắt, nên giảm sản lượng kết hợp với giảm chi phí, giảm số ngày cạo hoặc dừng cạo tạm thời, không cạo ngày nghỉ ngày lễ, không mở cạo sớm vườn cây chưa đủ tiêu chuẩn, giảm phân bón cho vườn đã trưởng thành, làm cỏ tối thiểu… Có thể trồng xen hoặc chăn nuôi kết hợp để tạo thêm nguồn thu nhập trong lúc chờ giá phục hồi.

Đối với những vườn cao su phát triển ngoài vùng quy hoạch hoặc trên những vùng đất không phù hợp, chất lượng vườn cây kém, nên để người dân chuyển đổi sang mục đích khác hoặc sang những cây trồng khác đang được Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ. Diện tích cây cao su sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn, nhất là ở những tỉnh đã vượt quy hoạch.

Trong giai đoạn giá thấp hiện nay, để giúp người trồng và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và xuất khẩu, Hiệp hội Cao su Việt Nam đang tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính xem xét không thu thuế xuất khẩu cao su và tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu cao su không phải kê khai tính nộp thuế giá trị gia tăng như những nông sản khác. Để góp phần ngăn chặn giá cao su giảm sâu và sớm cân đối cung cầu nhằm phục hồi giá, từ tháng 2/2014, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đồng thuận với các nước khuyến cáo giảm bớt sản lượng trong năm 2014 và không bán cao su với giá thấp hơn giá quốc tế.

Trong lâu dài, để ứng phó với biến động về giá và thị trường tiêu thụ, người trồng cao su cần đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập từ vườn cao su bằng xen canh, chăn nuôi kết hợp, tham gia các dự án tín chỉ cac-bon. Ngành cao su Việt Nam và doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng thị trường, đảm bảo chất lượng, uy tín, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế, tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô để hướng đến phát triển bền vững.

Nhu cầu cao su của thế giới đang tăng trưởng trở lại theo đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, được dự báo sẽ từ 11,4 triệu tấn năm 2013 lên 15,0 – 15,5 triệu tấn năm 2020, tiếp tục tạo cơ hội cho người trồng phát triển cây cao su lâu dài. Để hỗ trợ cho người trồng cao su giảm bớt khó khăn trong thời kỳ giá thấp hiện nay, Chính phủ Thái Lan và Malaysia vừa quyết định một số chính sách giúp nâng đỡ giá, nhờ vậy, giá cao su đã tăng nhẹ vào cuối tháng 6/2014. Nhiều nước đang tích cực tìm giải pháp tăng cường sử dụng cao su thiên nhiên vào những sản phẩm mới và điều chỉnh giảm sản lượng trong năm 2014 – 2015 để sớm cân đối cung cầu, tạo điều kiện có thể phục hồi dần giá cao su thiên nhiên trước năm 2016.

Kiên trì, chủ động thực hiện những giải pháp ứng phó phù hợp với quy luật thị trường để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tổng thu nhập và lợi nhuận của người trồng vẫn có thể được đảm bảo trong toàn chu kỳ kinh doanh cây cao su. Sự hỗ trợ, quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh sẽ giúp người trồng yên tâm tiếp tục duy trì cây cao su nhằm cải thiện thu nhập, điều kiện sống ở vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác