Quảng Bình: Nông dân Phú Định vẫn “đặt cược” vào… cao su
08/08/2014
Một ngày đầu tháng 7-2014, thời điểm giá mủ cao su trên thị trường vẫn đang “tụt dốc”, mùa mưa bão lại đang đến gần, chúng tôi quyết định tìm đến xã Phú Định, huyện Bố Trạch (một trong những địa phương có diện tích cao su tiểu điền nhiều nhất ở huyện Bố Trạch, với khoảng 1.000 ha) để tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nơi đây đối với loại cây trồng này. Thật khâm phục, trước nguy cơ liên tục bị thiên tai tàn phá, thị trường có những biến động bất lợi…, nhưng người dân vẫn kiên trì “đặt cược” vào cây cao su để nuôi khát vọng làm giàu…
Bám đất, bám làng để “nuôi” … cao su
Anh Lê Viết Thủ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Định nhớ lại: Trước năm 1979, cả khu vực này (xã Phú Định hôm nay) toàn núi rừng rậm rạp thâm u, nhiều thú dữ…, chỉ lác đác chừng 10 hộ định cư tại đây. Nói chung, thời điểm đó nơi đây tồn tại rất nhiều cái không: không điện, đường, trường, trạm…
Tháng 3-1979, hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, khoảng 1.500 hộ dân tại 8 xã, 13 làng của huyện Bố Trạch (chủ yếu tại các xã Hưng Trạch, Mỹ Trạch, Bắc Trạch, Hạ Trạch, Đồng Trạch, Trung Trạch) tiến lên mảnh đất này để khai hoang phát triển kinh tế và định canh canh định cư tại đây. Buổi đầu đến với mảnh đất này, hầu hết các hộ dân đều mưu sinh bằng cách khai hoang để trồng sắn, lúa nước, lúa rẫy… Bám trụ nơi chốn “rừng thiêng nước độc”, làm lụng vất vả nhưng nhiều hộ vẫn bị đói ăn, đứt bữa, đã thế còn “chuốc” thêm căn bệnh sốt rét kéo dài…, không ít hộ nản chí đã tháo lui, chấp nhận bỏ cuộc trở về quê cũ.
Có thời điểm số người định bỏ về quê lên đến gần 50 hộ cùng lúc. Trước tình hình đó, năm 1985, Huyện uỷ Bố Trạch gấp rút cắt cử thêm người (trong đó có cả nhiều đồng chí là lãnh đạo cốt cán ở huyện) lên đây túc trực vận động bà con tiếp tục bám đất bám làng để sản xuất. Nhờ đó, đã ngăn được tình trạng người dân bỏ vùng đất mới để trở về quê cũ…
Lập làng, lập xã tương đối lâu nhưng đời sống kinh tế của nhân dân nơi đây chẳng mấy được cải thiện, bởi phương thức canh tác lúc đó của nông dân còn rất lạc hậu. Trồng lúa, sắn… trên vùng đồi núi này may ra chỉ mới đủ ăn, khó mà khấm khá lên được. Bài toán đặt ra cho lãnh đạo xã lúc đó là phải làm sao chọn cho được một hướng đi đột phá về kinh tế may ra nông dân Phú Định mới “đổi đời”, yên tâm bám đất, bám làng được.
Một vườn cao su tiểu điền ở xã Phú Định. |
Nói thì dễ, nhưng làm thì không hề đơn giản. Đất rộng người thưa, nông dân nơi đây gần như “tay trắng”, biết đầu tư vào cái gì, bắt đầu từ đâu…? Năm 1995, sau nhiều lần cắt cử cán bộ tham quan học tập cách thức làm ăn của các xã lân cận có vị trí địa lý, địa chất, khí hậu tương đồng, nhận thấy rất nhiều xã mạnh dạn phát triển cao su để làm giàu, chính quyền Phú Định đã tiến hành họp bàn và đi đến quyết định đưa cây cao su vào trồng thử nghiệm ở địa phương. Đảng bộ xã Phú Định xác định đây là một loại cây trồng lâu năm, đòi hỏi phải có sự đầu tư dài hơi cả về kinh phí lẫn thời gian, do đó chưa thể làm ở mức đại trà được.
Bước đầu, chính quyền xã chỉ quy hoạch 30 ha ở vùng Sơn Tràng (trực thuộc thôn 4 và thôn 9 ngày nay) và chọn 20 hộ làm thí điểm, nếu có hiệu quả cao thì tiếp tục nhân rộng. Nhằm động viên nông dân, UBND xã Phú Định đã hỗ trợ về cây giống và phối hợp với cơ quan chuyên môn đảm nhận công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc trồng cao su. 30 ha cao su đầu tiên của xã Phú Định đã bắt đầu bén rễ, phát triển xanh tốt trước sự “tò mò” của không ít hộ dân trong xã.
Điều đặc biệt, khoảng 2 năm sau khi cây cao su chính thức bén rễ trên mảnh đất Phú Định, đó cũng chính là quãng thời gian mà nhiều nông dân ở xã Tây Trạch (địa phương nằm liền kề với xã Phú Định), thị trấn nông trường Việt Trung… bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch mủ cao su. Và những khoản lợi nhuận từ cây cao su ở các địa bàn lân cận đã góp phần “lôi kéo” nông dân Phú Định đầu tư trồng cao su rất mạnh. Tại thời điểm này, toàn xã có khoảng 90% hộ dân đều có cao su tiểu điền.
Anh Phạm Văn Phê, thôn 9, xã Phú Định tâm sự: Trước năm 2000, trong khi nông dân Phú Định làm lụng quần quật cũng chỉ mới đủ ăn, thế mà tại xã Tây Trạch, thị trấn nông trường Việt Trung… có rất nhiều hộ dân mỗi ngày thu vào hàng trăm nghìn đồng (nếu quy đổi thành thóc thì lên tới vài tạ) từ cao su. Chính từ hiệu quả của cây cao su ở những địa bàn lân cận đã “kích thích” nông dân Phú Định học tập, làm theo.
Bây giờ hầu như hộ nào ở Phú Định cũng đều có cao su, nhà ít thì 1 ha, có nhà lên tới gần 10 ha. Cao su đã giúp nông dân Phú Định “đổi đời”, nhiều hộ nhờ cao su mà xây được nhà lầu, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền, có tiền tích trữ gửi ngân hàng lên tới vài trăm triệu đồng, có những hộ tích cóp được tiền tỷ chứ không ít đâu…
Vẫn “đặt cược” vào… cao su
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, cách đây vài năm, trong lúc đồng lương hàng tháng của nhiều cán bộ trong tỉnh chỉ mới đạt khoảng 2 triệu đồng/người/tháng thì mỗi ngày ở xã Phú Định có tới hàng chục nông dân thu vào trên 2 triệu đồng đều đặn nhờ trồng cây cao su tiểu điền. Đây quả là khoản thu nằm “ngoài sức tưởng tượng” của nhiều hộ nông dân trồng lúa, phát triển chăn nuôi và trồng các loại cây khác…ở tỉnh ta.
Anh Lê Viết Thủ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Định cho biết thêm: Sau trận bão số 10-2013, trong tổng số gần 1.000 ha cao su của nông dân xã Phú Định trồng được trước đó, có tới 210 ha bị bão làm gãy đổ, coi như mất trắng. Chưa hết, sau bão, những diện tích cao su còn sót lại đều phát triển chậm, cho hàm lượng mủ kém hơn nhiều so với trước đây. Đã thế, giá mủ cao su bán ra cho thương lái từ cuối năm 2013 tới nay luôn bị “rớt” thê thảm… Xót xa và hoang mang, những ngày sau bão, nông dân Phú Định đã đem theo nỗi băn khoăn về việc có nên tiếp tục trồng cao su hay không lên hỏi chính quyền xã, huyện…
Sau khi được các cấp chính quyền giải thích, nông dân Phú Định đã đi đến quyết định vẫn tiếp tục “đặt cược” vào cao su. Theo họ, từ trước đến nay chưa có loại cây gì mang lại hiệu quả kinh tế lớn như trồng cao su, mặc dù trồng cao su đầu tư lớn mà rủi ro thì nhiều.
Ông Nguyễn Chí Tình, thôn 4, xã Phú Định chia sẻ: Những tác động tiêu cực của thiên tai là điều không tránh khỏi, đặc biệt là trong giai đoạn biến đổi khí hậu như hiện nay. Hầu hết các loại cây trồng đều có thể bị thiệt hại do thiên tai. Khi trồng cao su, chúng tôi phải chấp nhận có thể sẽ gặp rủi ro do bão, giá cả biến động liên tục. Nhưng nếu nhìn “tổng thể” thì cây cao su có giá trị kinh tế vượt trội nhiều loại cây trồng khác.
Thực tế từ trước đến nay ở xã Phú Định nói riêng và toàn huyện Bố Trạch nói chung, chưa loại cây trồng nào “bì kịp” với cao su, vậy nên chúng tôi vẫn tiếp tục trồng loại cây này. Vấn đề là sau cơn siêu bão vừa qua, nông dân đã rút ra một số kinh nghiệm rất quý giá trong việc trồng cao su , đó là phải lưu tâm đến vấn đề giống, trồng cây vành đai chắn gió, tuân thủ quy trình cạo mủ…
Nói chung, người dân phải nên tuân thủ nghiêm ngặt các giải pháp kỹ thuật về trồng cây cao su thì mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do gió bão gây nên.
Văn Minh
Nguồn: Báo Quảng Bình
//Tin tự động cập nhật//