Cây cao su đã tìm được chỗ đứng trên vùng đất Quảng Nam. Đó là chuyện không bàn cãi bởi như Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cho biết đã có khoảng 6.000 ha cao su được trồng ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Và hơn thế, cao su được ví là “cây vàng trắng” vì nó đem lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ nông dân ở vùng trồng. Có lần lên Hiệp Đức, hỏi một số người dân chăm sóc và khai thác mủ cao su, họ cho biết thu nhập bình quân được khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. Đó cũng là thời điểm cao su sốt giá, cả trăm triệu đồng mỗi tấn mủ. Lúc ấy dường như việc mở rộng diện tích trồng cây cao su, ai cũng coi là chuyện hiển nhiên. Còn bây giờ thì sao?

Giá cao su tụt giảm mạnh. Rất dễ dàng cập nhật thông tin về giá cao su trên Internet để biết thị trường cao su thế giới đang tụt dốc. Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, nhưng nhu cầu giảm nên kéo theo thị trường giảm. Ngay ở một nước lớn như Ấn Độ, nơi có ngành sản xuất lốp xe phát triển, giá cao su cũng giảm 24% trong vòng 12 tháng qua. Việt Nam không là ngoại lệ, đầu năm nay giá một tấn mủ (loại SVR L) là 2.235 USD/tấn thì nay chỉ còn khoảng 1.820 USD/tấn (tụt hơn 400 USD/tấn). Tính theo đồng Việt Nam, một tấn mủ giá hơn 45 triệu đồng tụt xuống còn khoảng 36 triệu đồng. Đó là giá chào bán theo mức sàn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, còn QuảngNam thì chỉ bán được với giá khoảng 30 triệu đồng/tấn.

Theo các chuyên gia, giá cao su giảm là do cung vượt cầu. Như vậy, theo suy luận đơn thuần, hàng tồn kho sẽ tăng. Nhưng thật ngạc nhiên khi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết từ đầu năm đến nay khai thác hơn 260 nghìn tấn, lượng hàng tồn kho khoảng hơn 48,2 nghìn tấn thấp hơn cùng kỳ năm 2013 khoảng 4 nghìn tấn. Hẳn ViệtNam đã có bước xúc tiến mở rộng thị trường hoặc phải bán giá thấp mới giảm được lượng hàng tồn kho.

Với dự báo tình hình thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nên ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên mở rộng diện tích trồng cao su nữa. Nghĩa là, thay vì giãn nở thì phải co lại theo diện tích quy hoạch. Trong khi đó, theo quy hoạch thì Quảng Nam còn nhiều địa phương sẽ mở rộng diện tích trồng cao su. Các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước đang rà soát quỹ đất để phát triển trồng mới. “Cơn khát” đất trồng cao su khiến Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, trong cuộc gặp lãnh đạo tỉnh tháng 12 này, đã kiến nghị tỉnh chỉ đạo các huyện Bắc Trà My và Nông Sơn giải quyết những vướng mắc trong thủ tục thuê đất, cấp đất cho các dự án mở rộng trồng cao su (các dự án ở hai huyện này cần đến 2.300 ha). Vì sao thị trường biến động nhưng vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su? Câu hỏi này cần một lời giải thỏa đáng. Tất nhiên, những suy đoán cũng đã đặt ra, rằng giá xuống đáy thì sẽ lên lại, nông sản bấp bênh cũng là chuyện thường và hiện tại chưa cây gì có thể thay thế cho cao su được.

Đúng rồi, cây cao su từng gợi lên khao khát đổi đời của nông dân Quảng Nam. Sau bao nhiêu năm trăn trở “trồng cây gì, nuôi con gì”, cao su đã bén rễ, cho dòng nhựa trắng với tia hy vọng đem lại cuộc sống khấm khá hơn. Mơ ước ấy cũng đã khiến nông dân vượt qua những cơn bão lớn, vực dậy những cánh rừng cao su bị gãy đổ. Nhưng bây giờ, trở về với vấn đề bấp bênh của giá nông sản, liệu họ có đứng vững trước “cơn bão giá tụt giảm” của cao su? Họ đang cần niềm tin và sự hỗ trợ thiết thực!

– Báo Quảng Nam

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác