Từ đầu năm 2014 đến nay, sản phẩm cao su được ghi nhận là nhóm hàng gặp khá nhiều thuận lợi do giá cao su nguyên liệu liên tục giảm thấp.

Bước đầu xuất khẩu lốp công nghệ cao

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, trong quý II, giá cao su nguyên liệu lại tiếp tục giảm thấp hơn so với quý I năm 2014, giúp cho các đơn vị chủ động nguồn cung cấp nguyên liệu đạt chất lượng với giá hợp lý, giảm giá thành sản phẩm…

Cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp quý II tính theo giá thực tế đạt 1.765 tỷ đồng, tăng 6,6% so với quý I. Doanh thu quý II đạt 1.936 tỷ đồng, tăng 21,1% so với quý I, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Về xuất khẩu, nhóm cao su trong vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng mạnh với tổng giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 29 triệu USD, chiếm tỷ trọng 26,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Tập đoàn, tăng 0,2% so cùng kỳ năm 2013. Các mặt hàng có sản lượng xuất khẩu trong 6 tháng tăng khá gồm: Lốp xe đạp tăng 23,4%, lốp xe máy tăng 2,6%, lốp ô tô tăng 14,3% so với cùng kỳ 2013.

Việc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm lốp Radian và Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) khánh thành Nhà máy sản xuất lốp Radian vào tháng 4 năm nay chính là cơ hội để hai đơn vị tăng sản lượng tiêu thụ, tăng doanh thu khi mà nhu cầu dùng lốp Radian công nghệ cao thay thế lốp Bias truyền thống đang tăng nhanh. Đây cũng là cách tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ trong một năm trở lại đây đồng thời giúp Việt Nam không phải nhập khẩu lốp Radian như trước kia. Thậm chí, hai đơn vị đã tìm được thị trường xuất khẩu loại lốp công nghệ cao này sang một số nước vùng Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ.

Cạnh tranh không bình đẳng

Tuy nhiên, việc giá nguyên liệu giảm vừa tạo thuận lợi nhưng cũng đặt ra những khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, giá cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp duy trì ở mức thấp trong thời gian khá dài đã tạo áp lực cạnh tranh giảm giá các sản phẩm săm lốp cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Ông Phạm Hồng Phú – Tổng Giám đốc Casumina cho biết, do Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật đối với lốp ô tô nhập khẩu; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa thực sự hiệu quả đã tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa lốp ô tô sản xuất trong nước và lốp nhập khẩu, đặc biệt là lốp nhập khẩu từ Trung Quốc. Với sản phẩm cùng loại, lốp xe Trung Quốc được nhập về và khai tại hải quan chỉ với giá bằng 30% giá thành. Việc làm này vừa khiến nhà nước thất thu thuế hàng triệu USD mỗi năm.

Đối với săm lốp xe máy, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với lợi thế về công nghệ, vốn… đã đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá rẻ hơn để chiếm lĩnh thị phần của doanh nghiệp Việt Nam. Ở phân khúc này, doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh được. Do đó, doanh nghiệp trong nước đang tìm lối đi khác đó chính là phân khúc lốp Radian công nghệ cao.

Bên cạnh đó, do DRC đang trong quá trình thực hiện di dời nhà máy lốp ô tô bias vào khu công nghiệp Liên Chiểu đã ảnh hưởng đến bố trí sản xuất, thiếu hụt lốp cung cấp cho thị trường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sản lượng lốp ô tô không đạt được tăng trưởng so với cùng kỳ 2013.

Cũng theo con số của Vinachem, dù hầu hết các sản phẩm xuất khẩu đều tăng về lượng nhưng do giá bán giảm bình quân từ 3 – 5%, đặc biệt là lốp ô tô giảm trên 7% nên giá trị xuất khẩu chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo Báo Công thương

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác