Liên tục nghiên cứu, thử tới thử lui, cuối cùng cô công nhân Nguyễn Thị Mỹ Dung đã tìm ra một cách làm mới về vệ sinh chén hứng mủ đầy thuyết phục

CN Nguyễn Thị Mỹ Dung bỏ chén sau khi nhúng amoniac vào bịch ny lông để ủ

CN Nguyễn Thị Mỹ Dung bỏ chén sau khi nhúng amoniac vào bịch ny lông để ủ

Làm vệ sinh chén hứng mủ vào đầu mỗi mùa cạo là “chuyện thường ngày ở huyện” với bất cứ một công nhân cao su nào, bởi qua một năm hứng mủ thì chén bị dơ, bám trên thân nhiều chất bẩn. Thường thì mỗi công nhân phải làm sạch khoảng 1.350 chén, tương ứng với ba phần cây, mỗi phần là 450 chén.

Theo cách làm truyền thống thì họ nấu chén bằng nước sôi, sau đó mới mang ra chà rửa. Nhưng cách làm này vấp phải một nhược điểm là sau khi nấu chén thường bị vỡ, tỉ lệ có thể lên tới 4-5 chén/10 chén. Thêm nữa, tốn công cũng nhiều, phải 4 thợ làm từ 6 giờ sáng tới 5 giờ chiều mới xong 450 chén.

Làm theo cách truyền thống thường hao tổn vật tư, lại mất nhiều thời gian nên luôn làm cho cô thợ trẻ Nguyễn Thị Mỹ Dung SN 1981, công nhân Tổ 1, Đội C1, NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh trăn trở. Một ngày đầu mùa cạo 2014, khi đang chuẩn bị làm vệ sinh chén hứng mủ, Mỹ Dung vô tình làm cho một ít dung dịch amoniac (giúp chống đông mủ) rơi dính vào đống chén bẩn. Chỉ ít phút sau, chất dơ bám trên những chén này dần bong tróc ra.

Chén ủ sau 24 tiếng được lấy ra, chà sạch dễ dàng

Chén ủ sau 24 tiếng được lấy ra, chà sạch dễ dàng

Và đó chính là khởi điểm cho một sáng kiến vừa được phát hiện. Mỹ Dung vui mừng trước khám phá bất ngờ này, rồi cô bỏ nhiều thời gian, liên tục nghiên cứu, thử tới thử lui, cuối cùng mới tìm ra một cách làm mới về vệ sinh chén hứng mủ đầy thuyết phục.

Cách làm mới từ sáng kiến của Nguyễn Thị Mỹ Dung, cô công nhân từng học lớp 9 Trường THCS Bến Củi được tóm tắt như sau: trước hết là ủ chén bằng amoniac được pha theo tỷ lệ 1 kg amoniac với một thau 10 lít nước, nhúng từng chén một vào dung dịch này, sau đó bỏ vào bịch ny lông lớn (mỗi bịch 450 chén) rồi cột đầu, ủ lại. Sau ủ 24 tiếng, mở bịch lấy từng chén ra chùi thì chén sẽ sạch như mới.

Cái hay là không có chén nào bị hư vỡ và tiết kiệm nhiều thời gian, khi chỉ một thợ có thể làm sạch một bao 450 chén trong vòng 4 tiếng; trong khi với cách làm cũ nấu nước sôi phải tốn 4 người làm từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới sạch được 450 chén, với lượng vật tư hao hụt do bị vỡ lên tới gần 50%. Với tỷ lệ pha 1 kg amoniac vào 10 lít nước là kết quả sau nhiều tuần thử nghiệm của Mỹ Dung. Cứ thử theo tỉ lệ 1/1, 1/2, 1/3…, cho đến 1/10 thì ổn. Nếu không pha, không ủ thì chén sẽ mau sạch nhưng hao tốn rất nhiều amoniac.

Sáng kiến có giá trị của công nhân Nguyễn Thị Mỹ Dung, đã được Công ty CPCS Tây Ninh đề nghị xét tặng Giải thưởng Cao su Việt Nam năm 2015

Thế là từ thành công của sáng kiến “ủ chén bằng amoniac” thay cho “luộc bằng nước sôi” trong vệ sinh chén hứng mủ, vào mùa cạo 2014, Mỹ Dung đã đưa toàn bộ số chén trong phần cây của mình vào sáng kiến. Chén vừa sạch hơn, không bị hao hụt, lại ít tốn thời gian, nhân lực trong làm sạch – là những nét ưu việt của sáng kiến này. Qua mùa cạo 2015 thì sáng kiến này đã được nhân rộng trong NT Bến Củi.

Không chỉ có sáng kiến mà Nguyễn Thị Mỹ Dung còn được đồng nghiệp thương mến do từ khi vào làm công nhân cạo mủ năm 1999 đến nay, năm nào cô cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cụ thể, năm 2014 nhận chỉ tiêu 5.868 kg, cô đã khai thác đến 8.500 kg mủ.

“Thường vào 4 giờ sáng tôi đã có mặt tại phần cây, đến 7 giờ cạo xong. Đảm bảo ngày giờ công, cạo đúng quy trình kỹ thuật, công cụ lao động luôn được bảo quản tốt, và nhất là chú trọng tận thu các loại mủ đã giúp cho tôi luôn có năng suất cao. Thường thì sau giờ trút chính, buổi chiều tôi quay trở lại vườn cây trút mủ chiều, đồng thời tận thu các loại mủ dây, mủ đất, mủ bèo… không bỏ phí”, Mỹ Dung chia sẻ.
Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác