Cách làm này khiến ngành cao su trong nước mới chỉ thu được giá trị thô, còn hưởng lợi giá trị gia tăng chủ yếu thuộc về nước ngoài.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, ước tính 10 tháng qua xuất khẩu cao su đạt 843 nghìn tấn, với giá trị đạt 1,45 tỷ USD, tăng 1,3% về khối lượng nhưng lại giảm 25,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2014 đạt 1.767 USD/tấn, giảm 25,46% so với cùng kỳ năm 2013.

Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014, nhưng lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2013 (cụ thể: Trung Quốc giảm 8,65% khối lượng và giảm 31,41% giá trị; Malaysia giảm 11,57% khối lượng và giảm 38,23% giá trị).

Giá cả bấp bênh, đời sống người trồng cao su rất khó khăn

Bà Y Mửi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện chủ trương phát triển diện tích cây công nghiệp, trong đó có cây cao su, Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng đã tập trung ưu tiên các quỹ đất để phát triển trồng cây cao su, làm cho diện tích, năng suất và sản lượng cao su không ngừng tăng lên. Trong đó, loại hình kinh tế trồng cao su cũng phát triển đa dạng như loại hình cao su doanh nghiệp, nông trường có sự liên kết với nông dân…

Sau gần 100 năm, lối tổ chức sản xuất ngành cao su vẫn như cũ
Giá cả bấp bênh, đời sống người trồng cao su đang khó khăn (Ảnh minh họa: KT)

Theo đánh giá của bà Y Mửi, sự phát triển nhanh cây cao su, cà phê đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt lao động khu vực nông thôn, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh, thời gian gần đây giá mủ cao su liên tục giảm, tính đến 6 tháng đầu năm 2014 đã giảm 35% so với cùng kỳ năm 2013.

Hiện tại, theo bà Mửi, đời sống người dân trồng cao su gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo, không có việc làm, ảnh hưởng không ít đến chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Nói về thành tích ngành nông nghiệp 10 tháng qua, bản thân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng cho biết, “báo cáo một cách tổng quát, về sản xuất chúng ta có một năm tương đối được mùa, được giá, trừ cao su và cá tra”.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, ĐBQH tỉnh Bình Dương, hoan nghênh phương hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao, trong đó có ngành cao su đang theo phương hướng này.

Tuy nhiên, điều trăn trở của ông Đáng là: Cách đây gần 100 năm, người Pháp tổ chức ngành này theo cách toàn bộ nhựa cao su khai thác được qua sơ chế sẽ được chở hết về tiêu thụ ở chính quốc, sứ thuộc địa phải nhập lại từ chính quốc các sản phẩm cao cấp chế tạo từ nhựa cao su mà chính mình đã xuất thô trước đây. Như vậy, giá trị gia tăng chỉ có ở chính quốc, ở thuộc địa chỉ có giá trị thô. “Chính vì lối làm ăn này mà Lênin đã gọi Pháp là đế quốc cho vay nặng lãi, vì họ chỉ đầu tư chính quốc, chiếm đoạt toàn bộ giá trị gia tăng”-ông Đáng nhấn mạnh.

Giá trị gia tăng nước ngoài đang hưởng

Nhìn vào lối tổ chức sản xuất ngành cao su ở Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Đáng đánh giá: Sau gần 100 năm, ngày nay Việt Nam vẫn duy trì lối tổ chức sản xuất ngành cao su như thời Pháp. Các đồn điền cao su bây giờ không còn là các địa ngục trần gian như xưa nữa, cây cao su cũng được trồng cả ở miền Trung và vùng Tây Bắc. Nhưng vẫn như xưa, hầu hết nhựa cao su chúng ta khai thác được, cả từ vườn cao su tiểu điền và công ty nhà nước qua sơ chế cũng chỉ được xuất thô.

“Có nghĩa là ta chỉ có giá trị thô, giá trị nội địa chỉ là giá trị thô với tỷ trọng rất thấp, còn giá trị gia tăng ta ưu ái dành cho nước ngoài”- ông Đáng nói.

Bởi một thực tế, nước ta đã có hàng trăm nghìn nhà máy, xí nghiệp, nhưng vẫn chỉ xuất thô nhựa cao su và rồi mỗi năm nhập về hàng ngàn săm lốp ô tô và các mặt hàng cao cấp khác chế tạo từ chính nhựa cao su của ta. Nếu nhìn nhận thêm, sẽ thấy các ngành lắp ráp ô tô, điện tử, gia công dệt may, cơ khí và nhiều ngành hàng khác đều có giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa rất thấp.

Cho nên, ông Đáng đề nghị: “Đã đến lúc không nên bằng lòng với cách làm ăn thua thiệt như vậy. Phương hướng của Chính phủ về nâng cao giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa rất sáng suốt và đúng hướng, cần được cụ thể trong tái cơ cấu nền kinh tế, để tạo ra giá trị thực sự”.

Mới đây, phát biểu trước Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH Đoàn TPHCM) cho rằng, “chúng ta vẫn đang chạy trên đường ray cũ về hướng cũ, làm sao nhìn thấy được chân trời mới. Đơn cử, xuất khẩu đứng trong top 10, top 5, thậm chí nhất nhì thế giới, nhưng suốt 2 thập kỷ vẫn gia công với lao động giá rẻ, xuất khẩu tài nguyên, giá trị gia tăng thấp… , nông sản, lương thực và nguyên liệu, năng xuất lao động thấp…”. Có lẽ, trong hàm ý của ông Nghĩa nói chung về tăng trưởng kinh tế này, trong đó có bài học từ lối tổ chức sản xuất của ngành cao su./.

Xuân Thân/VOV.VN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác