Trong bối cảnh lượng cung đang vượt cầu của thị trường cao su thế giới thì những giải pháp cũng như chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho cao su Viêt Nam là vô cùng cần thiết.

Tại hội nghị “Sản xuất cao su năm 2014” do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 10/7 tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện nay cao su Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 70 nước trên thế giới. Năm 2013, Việt Nam là nước sản xuất cao su thiên nhiên đứng thứ 3 trên thế giới với sản lượng 949.000 tấn, chiếm 7,9% tổng sản lượng của thế giới. Về xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 4, đạt 1,076 triệu tấn năm 2013 và chiếm 11,1% thị phần thế giới với giá trị xuất khẩu đạt 2,52 tỉ USD, cho thấy ngành cao su có một vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước. 

Tuy nhiên theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam, trong bối cảnh sản lượng sản xuất cao su trên thế giới ngày càng tăng và lượng tồn kho vẫn ở mức cao do diện tích cao su được các nước mở rộng ở thời kì giá cao (phát triển từ năm 2005 và đưa vào khai thác năm 2012) đã làm cho nhu cầu nhập khẩu chậm lại và giá tiếp tục giảm sâu hơn năm 2013 thì việc xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực.

Giá xuất khẩu bình quân của cao su Việt Nam giảm 11,7% về giá trị so với năm 2012, từ 2.795 USD/tấn xuống còn 2.315 USD/tấn. Thậm chí giá xuất khẩu bình quân trong 5 tháng đầu năm 2014 chỉ còn 1.842 USD/tấn, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vì vậy, ông Trần Ngọc Thuận cho rằng, bên cạnh việc tăng sản lượng, tăng năng suất cao su thiên nhiên thì việc nâng cao chất lượng khai thác mủ cũng như đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu đang là mục tiêu mà ngành Cao su đề ra trong những năm tới.

Nâng cao giá trị gia tăng

Theo ông Trần Ngọc Thuận, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của cao su Việt Nam thì phải xây dựng các chiến lược và giải pháp phát triển ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su của Việt Nam.

Phấn đấu thực hiện mục tiêu đặt ra cho ngành cao su là đảm bảo chất lượng sản phẩm với mức trên 100.000 tấn vào sau năm 2015 (cho cao su tiểu điền); đầu tư các nhà máy mới có công nghệ hiện đại đáp ứng mục tiêu đến 2020 sẽ chế biến được khoảng 40% sản lượng mủ cao cấp như SVR 10, 20, CV50, 60; tăng lượng mủ nguyên liệu sử dụng cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm của ngành cao su đạt khoảng trên 40.000 tấn/năm; nâng tỷ trọng gỗ cao su tinh chế lên 50% và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10% năm sẽ góp phần ổn định ngành cao su, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của cao su Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty Cao su Bình Long (Bình Phước), cho rằng để nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó tăng giá trị cũng như giá trị gia tăng cho các sản phẩm cao su Việt Nam thì trước tiên phải đảm bảo chất nguyên liệu ở khâu thu hoạch. Theo đó, cần thay đổi cách thu mủ theo chế độ cạo D-3 thành D-4 ( từ 3 ngày cạo 1 lần lên 4 ngày cạo 1 lần).

Tiếp đến, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các nhà máy cần được chuẩn hóa công nghệ và quy trình chế biến, kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đăng ký, bao gồm việc đảm bảo các tiêu chuẩn theo môi trường, lao động. Tập trung thay đổi cơ cấu sản phẩm như chú trọng cách thu mủ cho loại sản phẩm có chất lượng cao SVR 3L (loại sản phẩm này thường có giá cao hơn) và đây là loại sản phẩm được tiêu thụ phổ biến trên thế giới (chiếm 60% sản lượng tiêu thụ).

Theo ông Trần Ngọc Thuận, ngành công nghiệp cao su cần được đẩy mạnh đầu tư và tập trung vào các sản phẩm nhúng như găng tay, chỉ sợi, nệm là các sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có sức cung cao ở thị trường thế giới. Trong 5 năm gần đây (từ 2008 đến 2013) các sản phẩm cao su Việt Nam đã được đa dạng hóa như xăm lốp, đế giày, băng tải, cao su y tế, nệm cao su… đã tăng giá trị xuất khẩu bình quân 37,2%/ năm và đạt 1 tỷ USD/ năm 2013, tăng 20% so với cùng kì năm trước và đạt 35,3% so với xuất khẩu cao su thiên nhiên.

Bên cạnh đó, cần mở rộng và đầu tư chiều sâu cho chế biến nguồn gỗ cao su để nâng tỷ trọng gỗ tinh chế và đa dạng hóa các sản phẩm từ gỗ cao su, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến. Tăng cường công tác quản lý chất lượng cao su cả nước để nâng cao uy tín sản phảm cao su Việt Nam, tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tiến tới xây dựng thương hiệu cho cao su Việt Nam.

Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với ngành cao su; hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm trên thị trường xuất khẩu. Mở rộng thị trường, thúc đẩy các dự án và ưu đãi trong đầu tư nhằm phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su để nâng cao giá trị gia tăng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm của ngành. Khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư để mở rộng các nhà máy công nghiệp chế biến sản phẩm gần vùng nguyên liệu.

Thanh Thủy

Theo Chính phủ

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác