Đây là một trong những mục tiêu Đề án tái cơ cấu VRG được các đại biểu Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm trong buổi làm việc với VRG vừa qua.

Bức tranh sáng sủa

Đề án tái cơ cấu VRG được thực hiện trong bối cảnh khó khăn khi giá mủ cao su liên tục sụt giảm. Vì thế tái cơ cấu nhằm tăng hiệu lực quản lý và hiệu quả SXKD của DN; sắp xếp lại nguồn lực để tập trung vào ngành nghề chính, tạo nguồn vốn cho phát triển của VRG.

Đề án thực hiện mục tiêu đến năm 2015 nâng tổng diện tích 500.000 ha; tổng sản lượng chế biến và tiêu thụ toàn Tập đoàn đạt khoảng 400.000 tấn/năm; đầu tư, cải tạo nâng cao công suất chế biến gỗ, tiếp tục mở rộng sản xuất gỗ nhân tạo, sản lượng MDF đạt khoảng 500.000m3; giảm về số lượng lẫn tỷ lệ mủ cao su xuất khẩu thô, phát triển các sản phẩm công nghiệp và các sản phẩm nhúng như chỉ thun, găng tay, nệm…công suất 10.000-15.000 tấn/năm.

Tại buổi làm việc, ông Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết, qua theo dõi các phương tiện thông tin hiện nay lượng cao su thiên nhiên tồn kho nhiều, giá cao su liên tục sụt giảm khi cung vượt cầu trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trồng cao su. Tuy nhiên trước những kết quả khả quan mà VRG đạt được về doanh thu vẫn đạt trung bình khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên 3.000 tỷ đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ hơn 10%/năm lại là một bức tranh sáng sủa.

Đầu tư công nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm thị trường cần

Đề cập đến việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ sản xuất thô sang nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, ông Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, làm sao sản phẩm mủ cao su của ngành cao su Việt Nam phải được sử dụng phần lớn trong chế biến công nghiệp cao su, để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tạo năng lực cạnh tranh với chất lượng cao su trong khu vực. Về vấn đề này, ông Cao Sĩ Kiêm băn khoăn: “Trong hướng tái cơ cấu, VRG có phương châm đầu tư đúng trọng điểm, tập trung vào chiều sâu thay vì mở rộng sản xuất. Vậy chiều sâu của ngành cao su ở đây là gì, bởi chế biến chiều sâu sản phẩm cao su đòi hỏi yêu cầu công nghệ cao”.

Tập trung chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm

Sản xuất nệm tại Công ty CPCS Kỹ thuật Đồng Phú. Ảnh: Phan Thắng

Trả lời vấn đề này, TGĐ Trần Ngọc Thuận cho rằng, “VRG về bản chất vẫn là tập đoàn nông nghiệp, tuy nhiên thời gian qua VRG đã có hướng đi khá bài bản, như mua lại cổ phần các nhà máy công nghiệp, đầu tư công nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm thị trường cần như găng tay y tế, chỉ thun, nệm… Mục tiêu dài hạn, sản phẩm xuất thô chiếm khoảng 50% và khi xuất khẩu phải là sản phẩm tinh chế. Tuy nhiên sản phẩm công nghiệp cao su rất cần vai trò định vị của Nhà nước”.

TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho biết thêm, với vai trò, nhiệm vụ của một doanh nghiệp Nhà nước đi đầu trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, thu mua và chế biến, kinh doanh cao su, VRG luôn đóng vai trò là “bà đỡ” cho việc phát triển cao su tiểu điền từ khâu cung cấp hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tiến bộ KHCN tới khâu giống, trồng, chăm sóc, thâm canh, chế biến.

Ông Thuận cũng kiến nghị cần có vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý chất lượng cao su để nâng cao uy tín sản phẩm cao su Việt Nam, bên cạnh đó có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu của DN và thương hiệu toàn ngành cao su Việt Nam. “Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành cao su trong nước nhằm tăng thêm lợi nhuận thu được từ giá trị gia tăng sản phẩm cao su và làm tăng tỷ trọng khối lượng tiêu thụ cao su nội địa, giảm khối lượng xuất khẩu nguyên liệu thô”, ông Thuận nói.

Nguyễn Lý

Nguồn: Tạp chí CS

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác